Những lưu ý khi thuê xe ô tô tự lái về quê vào dịp nghỉ Lễ

Tình trạng “cháy vé xe” dường như đã trở nên quá quen thuộc đối với mỗi người dân vào các dịp Lễ, Tết. Do vậy, rất nhiều người đã lựa chọn hình thức thuê xe tự lái để về quê. Vậy cần lưu ý gì khi thuê xe ô tô tự lái về quê vào dịp nghỉ Lễ?

1. Những lưu ý khi thuê xe ô tô tự lái về quê vào dịp nghỉ Lễ 

Thông thường, khi đi xe đường dài, các tài xế cần phải chuẩn bị đầy đủ sức khỏe và vật dụng trước khi bắt đầu chuyến hành trình, bao gồm kiểm tra kĩ tình trạng xe, phanh xe, đồ đầy đủ xăng, giấy tờ lái xe, vật dụng cảnh báo…

thuê xe ô tô tự lái về quê
Những lưu ý khi thuê xe ô tô tự lái về quê vào dịp nghỉ Lễ (Ảnh minh họa)

1.1 Kiểm tra kĩ tình trạng xe 

Trước khi thuê xe cũng như bắt đầu hành trình, tài xế cần phải kiểm tra kĩ động cơ và tình trạng xe bao gồm:

- Tra dầu, kiểm tra hệ thống làm mát.

- Kiểm tra lốp xe, bánh xe.

- Kiểm tra hệ thống phanh xe, đảm bảo phanh hoạt động tốt.

- Kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng, đèn báo hiệu: đèn xi nhan, đèn hazard…

- Kiểm tra hệ thống treo và lái của ô tô như ống giảm sóc, trục, bánh xe…

- Kiểm tra bộ dụng cụ cứu hộ, bảo dưỡng cơ bản như búa, bộ cờ lê, bơm hơi, lốp dự phòng, kích…

- Đổ xăng đầy đủ.

Hết ắc quy và xịt lốp, hỏng phanh là 03 tình huống khẩn cấp thường gặp nhất khi đi xa bằng ô tô. Việc kiểm tra xe được xem là khâu quan trọng để người lái thuê được một chiếc xe an toàn, đồng thời cũng tránh việc bị mất tiền oan hay những tranh cãi không đáng có lúc trả xe.

1.2 Mang theo vật cảnh báo khi đi đường dài 

Khi đi đường dài, hỏng xe là điều mà không ai mong muốn. Tuy nhiên, trường hợp bị hỏng xe, tài xế cần phải biết các quy tắc về việc dừng - đỗ cơ bản khi gặp sự cố, đặc biệt là trong lúc di chuyển trên đường cao tốc.

Cao tốc là khu vực có nhiều phương tiện di chuyển qua lại với tốc độ cao. Trong trường hợp xe hỏng hóc, bắt buộc phải dừng đỗ xe, tài xế cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.

Theo đó, trường hợp phải dừng lại giữa đường do hỏng xe, việc đầu tiên tài xế cần làm là phải bật đèn khẩn cấp (đèn hazard) để cảnh báo cho các phương tiện khác đang tham gia lưu thông trên đường. Sau đó tài xế cần cố gắng di chuyển xe dần vào làn dừng khẩn cấp hoặc bên phải đường.

Khi đã vào được làn khẩn cấp, tài xế vẫn buộc phải bật đèn khẩn cấp để tránh những sự cố ảnh hưởng đến lưu thông của phương tiện khác, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi thời tiết xấu.

Bên cạnh việc bắt buộc phải bật đèn cảnh báo nguy hiểm để đưa tín hiệu cho các phương tiện khác đang lưu thông trên đường, tài xế nên mặc đồ phản quang (cả ban ngày cũng nên mặc để tăng khả năng nhận biết) và để vật cảnh báo cách xe ít nhất 100 - 150m trước và sau xe.

Theo quy định tại Điều 34 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT, khoảng cách phù hợp để đặt vật cảnh báo nguy hiểm được quy định như sau:

Vận tốc khu đường đặt biển

Khoảng cách từ nơi đặt biển đến nơi định báo

  • Dưới 20 km/h.

  • Từ 20 km/h - dưới 35 km/h.

  • Từ 35 km/h - dưới 50 km/h.

  • Từ 50 km/h trở lên.

  • Dưới 50 m.

  • Từ 50 m - dưới 100 m.

  • Từ 100 m - dưới 150 m.

  • Từ 150 m - 250 m.

Do vậy, trước khi bắt đầu hành trình, các tài xế nên trang bị sẵn các vật dụng cảnh báo nguy hiểm, bao gồm tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón, đèn nháy cỡ lớn… Nếu đi đêm, người lái nên chuẩn bị những loại đèn dựng đứng phát sáng nhấp nháy dạng cột để cảnh báo cho các phương tiện qua lại.

Các tài xế nên mang theo những vật cảnh báo lớn và có độ nhận diện cao, tránh những vật cảnh báo quá sơ sài khiến các tài xế khác không thể kịp nhận diện, quan sát và xử lý tình huống khẩn cấp.

Xem thêm: Hỏng xe giữa cao tốc đặt vật cảnh báo cách bao xa?

1.3 Mang đầy đủ giấy tờ khi lái xe

Khi tham gia giao thông, tài xế buộc phải mang đầy đủ các loại giấy tờ xe. Với xe ô tô, nếu không mang theo hoặc không có, bằng lái hết hạn thì có thể bị phạt từ đến 12 triệu đồng và bị tước bằng lái xe đến 03 tháng.

Theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12, người lái xe khi điều khiển ô tô phải mang theo những giấy tờ sau:

  • Đăng ký xe.

  • Giấy phép lái xe ô tô (hay còn gọi là bằng lái xe) còn thời hạn.

  • Bảo hiểm xe.

  • Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Theo đó, trường hợp không mang giấy tờ khi lái xe sẽ bị phạt như sau:

  • Không mang Giấy đăng ký xe: phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.

  • Không mang Giấy phép lái xe (bằng lái xe): phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.

  • Không mang Bảo hiểm xe: phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.

  • Không mang Giấy kiểm định: 200.000 - 400.000 đồng.

Trường hợp không có giấy tờ khi lái xe sẽ bị phạt như sau

  • Không có Bảo hiểm xe: 400.000 đồng - 600.000 đồng.

  • Không có đăng ký xe: 02 - 03 triệu đồng.

  • Không có hoặc Giấy phép lái xe hết hạn: 05 – 07 triệu đồng với Giấy phép lái xe hết hạn dưới 03 tháng, 10 - 12 triệu đồng với Giấy phép lái xe hết hạn trên 03 tháng.

  • Không có Giấy kiểm định hoặc có nhưng đã hết hạn: 02 - 06 triệu đồng.

1.4 Chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, giữ gìn sức khỏe trước khi lái xe

Người lái xe cần phải đảm bảo được điều kiện về sức khỏe để duy trì sự tập trung và phản ứng nhanh nhạy trong quá trình lái xe. Việc ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc trước khi xuất phát sẽ giúp người lái có được một tinh thần tỉnh táo để di chuyển đường dài.

Tuy nhiên, người lái cũng nên hạn chế ăn quá no gây cảm giác buồn ngủ. Đặc biệt, trước khi lái xe, người điều khiển phương tiện giao thông tuyệt đối không được uống rượu, bia hay chất có cồn.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với người uống rượu trước khi lái xe được quy định như sau:

Mức nồng độ cồn

Mức phạt

Xử phạt bổ sung

Mức 1: Chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở

06 - 08 triệu đồng

Tước bằng 10 - 12 tháng

Mức 2: Vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở

16 - 18 triệu đồng

Tước bằng từ 16 - 18 tháng

Mức 3: Vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở

30 - 40 triệu đồng

Tước bằng 22 - 24 tháng

1.5 Kiểm tra kĩ hợp đồng thuê xe

Hợp đồng thuê xe là hợp đồng mang giá trị pháp lý ràng buộc giữa các bên. Theo đó, trong hợp đồng thuê xe, sẽ có các điều khoản về việc thỏa thuận đặt cọc, đền bù trong trường hợp không trả xe đúng hẹn hay không đúng loại xe thuê ban đầu…

Hiện nay, chưa có quy định chung về việc thuê xe mà mỗi nơi cho thuê lại có những quy định riêng để đảm bảo quyền lợi theo tiêu chí các bên. Do vậy, trước khi đặt bút ký hợp đồng thuê xe cần phải đọc và kiểm tra thật kĩ để tránh những tranh chấp có thể xảy ra sau này.

Xem thêm: Mẫu Hợp đồng thuê xe mới nhất và cách ghi

Những lưu ý khi thuê xe ô tô tự lái về quê vào dịp nghỉ Lễ
Kiểm tra thật kĩ trước khi kí hợp đồng thuê xe (Ảnh minh họa)

2. Thuê xe gây tai nạn làm hư hỏng xe, người thuê bồi thường thế nào?

Hiện nay, đối với hợp đồng thuê xe, pháp luật không quy định bắt buộc phải thực hiện công chứng. Thông thường, bên thuê và bên cho thuê sẽ lập một hợp đồng theo mẫu của bên cho thuê, sau đó có chữ ký xác nhận của hai bên.

Tuy nhiên, hai bên vẫn có thể thỏa thuận với nhau việc công chứng hay không đối với hợp đồng ký kết để đảm bảo tính an toàn.

Đây là cơ sở nhằm xác thực giao dịch dân sự đã được xác lập một cách rõ ràng nhất và là căn cứ để giải quyết trên Tòa.

Theo đó, nếu trong hợp đồng thuê xe ghi mức bồi thường phải chịu khi làm hư hại xe thuê, người thuê sẽ phải bồi thường theo điều khoản của hợp đồng.

Trường hợp trong hợp đồng không ghi mức bồi thường, người thuê cũng sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13 như sau:

- Người có hành vi xâm phạm tới tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định.

- Trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi của bên bị thiệt hại (xe thuê có vấn đề từ trước khi thuê), người gây thiệt hại sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại buộc phải thực hiện bồi thường kịp thời và đầy đủ cho người bị thiệt hại. Mức bồi thường có thể được thỏa thuận bằng tiền, hiện vật và bồi thường một lần hay nhiều lần… tùy theo ý chí giữa các bên theo khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015.

Bên cạnh đó, nếu thuê xe gây tai nạn, người lái sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13 quy định như sau:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu lái xe gây tai nạn chết người do vi phạm luật giao thông đường bộ có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng và phạt tù lên đến 15 năm.

Ngoài ra, trường hợp chưa gây tai nạn nhưng để lại hậu quả, thiệt hại lớn như gây thiệt hại trên 1,5 tỷ đồng,… cũng bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, phạt tù đến 01 năm.

Trên đây là cập nhật của Luật Việt Nam về những lưu ý khi thuê xe ô tô tự lái về quê vào dịp nghỉ Lễ.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục