Thực phẩm là gì? Điều kiện an toàn đối với thực phẩm

Chất lượng thực phẩm có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ thực phẩm là gì? Thực phẩm cần đáp ứng các điều kiện an toàn ra sao, theo quy định của pháp luật.

1. Thực phẩm là gì?

Theo khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm:

“Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm”.

Thực phẩm rất quan trọng trong sự phát triển của cơ thể từ trẻ sơ sinh đến người lớn. Nếu thiếu hụt dinh dưỡng từ thực phẩm, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể trạng.

thuc-pham-la-gi
Luật An toàn thực phẩm quy định rõ thực phẩm là gì? (Ảnh minh họa)

2. Thực phẩm gồm có những loại nào?

Tùy vào các tính năng của thực phẩm, có rất nhiều các loại thực phẩm bán trên thị trường. Dựa theo tính thiết yếu của thực phẩm, có thể chia ra thành hai loại: thực phẩm cần thiết và thực phẩm chức năng cho nhu cầu con người. Sau đây là chi tiết về hai loại thực phẩm này.

2.1. Các nhóm thực phẩm cần thiết

Các nhóm thực phẩm cần thiết rất quan trọng, để duy trì tất cả mọi hoạt động sống của con người. Cơ thể con người là một cỗ máy sinh học tuyệt vời, nhưng để có một cơ thể khỏe mạnh, thì việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày là điều bắt buộc.

Thực phẩm cần thiết có thể ở các dạng như tươi sống, sơ chế hay đã qua chế biến.

  • “Thực phẩm tươi sống là thực phẩm chưa qua chế biến bao gồm thịt, trứng, cá, thuỷ hải sản, rau, củ, quả tươi và các thực phẩm khác chưa qua chế biến” (Theo khoản 21 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm).

Thực phẩm tươi sống cũng có thể bao gồm thực phẩm biến đổi gen, là thực phẩm từ những loại cây trồng hay động vật, được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, để tăng mức độ dinh dưỡng hay khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu.

  • Thực phẩm sơ chế là thực phẩm tươi sống, đã qua một hay nhiều khâu xử lý, để  thuận lợi cho việc chế biến cho người tiêu dùng. Sơ chế giúp cho thực phẩm tăng độ an toàn vệ sinh, hay tăng thời gian bảo quản thực phẩm tươi sống trong bao bì.

  • Thực phẩm đã qua chế biến là thực phẩm tươi sống hay thực phẩm sơ chế, được qua một quy trình chế biến công nghiệp hay thủ công, thành nguyên liệu hay sản phẩm thực phẩm.

Các nhóm thực phẩm cần thiết cho cơ thể bao gồm 4 loại chính:

  • Nhóm bột đường

  • Nhóm đạm

  • Nhóm chất béo

  • Nhóm khoáng chất và vitamin

thưc-pham-thiêt-yeu-theo-thap-dinh-duong
Các nhóm thực phẩm cần thiết theo tháp dinh dưỡng (Ảnh minh họa)

2.2 Thực phẩm chức năng

Theo khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm:

“Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học”.

Thực phẩm chức năng được khuyến cáo: không được gọi là thuốc và không có tác dụng chữa trị như thuốc. Cũng nên chú ý là thực phẩm bổ sung không thể thay thế các bữa ăn chính hàng ngày.

Thuc-pham-bo-sung
Thực phẩm chức năng (Ảnh minh họa)

Đây là các thực phẩm có thể sử dụng song song với các loại thực phẩm thiết yếu, để bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Một số loại cung cấp enzyme, acid amin, probiotic và chất xơ giúp cho tăng hệ miễn dịch của cơ thể, giúp giảm stress và giảm cân.

Khi sử dụng thực phẩm bổ sung, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, cho phù hợp với độ tuổi và nhu cầu của cơ thể.

3. Điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm 

Theo Chương III của Luật An toàn thực phẩm, điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm là phải đáp ứng quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm gây hại đến con người

Ngoài ra, mỗi loại thực phẩm còn cần có những điều kiện đảm bảo an toàn riêng như:

- Thực phẩm tươi sống: Phải đảm bảo về truy xuất nguồn gốc; có chứng nhận về vệ sinh thú y;

- Thực phẩm đã qua chế biến: Nguyên liệu an toàn, giữ nguyên được các thuộc tính vốn có; phải đăng ký công bố bản hợp quy đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn

- Thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng: Nguyên liệu an toàn, giữ nguyên được các thuộc tính vốn có; các nguyên liệu không được tương tác với nhau tạo ra sản phẩm gây hại đến con người; hàm lượng  vitamin, chất khoáng, chất vi lượng trong thực phẩm đảm bảo không gây hại đến con người…

- Đối với thực phẩm chức năng: Có tài liệu chứng minh về thành phần tạo nên chức năng đã công bố; nếu là thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra thị trường thì phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng sản phẩm…

4. Người kinh doanh thực phẩm cần lưu ý gì?

Người kinh doanh thực phẩm phải lưu ý các quy định có liên quan đến an toàn thực phẩm, yêu cầu về cơ sở sản xuất, yêu cầu về bảo quản thực phẩm và yêu cầu vận chuyển thực phẩm.

4.1. Yêu cầu về cơ sở sản xuất:

Theo Điều 19 Luật An toàn thực phẩm 2010, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm:

  • Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;

  • Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

  • Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;

  • Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

  • Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

  • Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

ve-sinh-an-toan-thuc-pham
Các cơ sở sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (Ảnh minh họa)

4.2. Yêu cầu về bảo quản thực phẩm:

Theo Điều 20, Luật An toàn thực phẩm 2010, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm bao gồm:

  • Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;

  • Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;

  • Tuân thủ các quy định về bảo quản của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

4.3. Yêu cầu về vận chuyển thực phẩm:

Theo Điều 21, Luật An toàn thực phẩm 2010, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm:

  • Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch;

  • Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;

  • Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

Tóm lại, thực phẩm là gì? Đây là các dạng thức ăn mà con người nạp vào cơ thể để có năng lượng và dinh dưỡng . Thực phẩm gồm có thực phẩm thiết yếu và thực phẩm bổ sung. Để an toàn cho sức khỏe cộng đồng, những người kinh doanh thực phẩm bắt buộc phải chấp hành các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm.

Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

[Tổng hợp] Khung khấu hao tài sản cố định mới nhất hiện nay

[Tổng hợp] Khung khấu hao tài sản cố định mới nhất hiện nay

[Tổng hợp] Khung khấu hao tài sản cố định mới nhất hiện nay

Việc xác định được khung khấu hao tài sản cố định giúp cho doanh nghiệp thể hiện được tính chính xác về tình hình thực tế của tài sản và các yêu cầu về tài chính và thuế của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khung khấu hao tài sản cố định.