Thủ tục vay vốn cho người mới ra tù: Hướng dẫn chi tiết

Người mới ra tù được hỗ trợ vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết thủ tục vay vốn cho người mới ra tù áp dụng từ 10/10/2023 tới đây.

1. Đối tượng nào được vay vốn? Điều kiện vay ra sao?

Căn cứ theo Điều 3 Quyết định 22/2023/QĐ-TTg (có hiệu lực từ 10/10/2023), đối tượng được vay vốn gồm:

- Người chấp hành xong án phạt tù, gồm:

  • Người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;
  • Người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá.

- Cơ sở sản xuất kinh doanh, gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Về điều kiện vay vốn, cũng tại Điều 3 Quyết định 22 quy định như sau:

Đối tượng được vay vốn

Điều kiện vay vốn

Người chấp hành xong án phạt tù

  • Có nhu cầu vay vốn;
  • Có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;
  • Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm.

Cơ sở sản xuất kinh doanh

  • Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;
  • Sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng điều kiện;
  • Có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận theo mẫu.

2. 4 nội dung quan trọng về vốn cho vay

Thủ tục vay vốn cho người mới ra tù
Hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người mới ra tù (Ảnh minh họa)

2.1 Mức vốn cho vay

- Đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 04 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.

- Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm:

  • Người chấp hành xong án phạt tù: Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù;
  • Cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

2.2 Phương thức cho vay

- Đối với người chấp hành xong án phạt tù: Cho vay thông qua hộ gia đình.

Trong đó:

  • Đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội.
  • Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội;

Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.

-  Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.

2.3 Thời hạn cho vay vốn

- Đối với vay vốn để đào tạo nghề: Là khoảng thời gian được tính từ ngày người chấp hành xong án phạt tù bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi).

Thời hạn cho vay bao gồm: Thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ, trong đó:

  • Thời hạn phát tiền vay: Là khoảng thời gian tính từ ngày người chấp hành xong án phạt tù nhận món vay đầu tiên cho đến ngày kết thúc khoá học, kể cả thời gian người chấp hành xong án phạt tù được các cơ sở đào tạo nghề cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có);
  • Thời hạn trả nợ: Được chia thành các kỳ hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định, như sau:

Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá 01 năm: Thời hạn trả nợ tối đa bằng 02 lần thời hạn phát tiền vay.

Đối với các chương trình đào tạo khác: Thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.

- Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng.

2.4 Lãi suất cho vay

- Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.

- Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

3. Hồ sơ, thủ tục vay tín dụng thế nào?

Theo quy định tại Điều 13 Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, hồ sơ vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù cụ thể như sau:

- Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.

- Việc gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo đó:

- Kỳ hạn trả nợ và mức trả nợ: Các điều khoản về kỳ hạn trả nợ và mức trả nợ được thiết lập theo cách mà người vay và ngân hàng đã thỏa thuận.

- Gia hạn nợ và chuyển nợ quá hạn: Gia hạn nợ và chuyển nợ quá hạn sẽ tuân theo các quy định và luật pháp hiện hành. 
Trên đây là giải đáp về Thủ tục vay vốn cho người mới ra tù: Hướng dẫn chi tiết. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục