Thủ tục vay ngân hàng mua chung cư trả góp thế nào?

Hiện nay, việc vay tiền ngân hàng mua chung cư trả góp đang được rất nhiều người ưa chuộng và sử dụng. Với nhiều người, đây được coi là biện pháp “cứu nguy” trong lúc cấp bách khi muốn có nhà để ở mà lại chưa đủ tiền. Vậy thủ tục vay ngân hàng mua chung cư trả góp thế nào?


Vay ngân hàng mua chung cư trả góp là gì?

Khoản 3 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN định nghĩa cho vay trả góp như sau:

3. Cho vay trả góp là hình thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, theo đó công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận trả nợ gốc và lãi tiền vay theo nhiều kỳ hạn.

Từ định nghĩa này có thể thấy, cho vay trả góp là việc khách hàng vay thực hiện vay tiền của công ty tài chính, cả bên vay và bên cho vay cùng thoả thuận về việc trả số tiền vay cũng như lãi suất theo nhiều kỳ hạn.

Ví dụ:

Khi vay trả góp mua điện thoại Iphone với giá 14.990.000 đồng, người vay trả trước 50% giá trị chiếc điện thoại tương ứng 7.495.000 đồng và có thể chọn trả trong 06 - 12 tháng.

Nếu trả trong 06 tháng thì mỗi tháng, người vay phải trả số tiền góp tương ứng là 1.260.000 đồng với lãi suất 0% thì sau 06 tháng người vay sẽ phải trả tổng số tiền là 15.055.000 đồng, chênh lệch với giá bán trả thẳng là 65.000 đồng bởi đây sẽ là tiền lãi, phí đóng tiền hàng cũng như gói bảo hiểm khoản vay (nếu có).

Để vay trả góp trong trường hợp này, người vay sẽ không cần phải thế chấp bất kì một tài sản nào mà chỉ cần cung cấp Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc giấy phép lái xe hoặc hộ khẩu.

Như vậy, có thể thấy, vay trả góp từ công ty tài chính thường áp dụng theo hình thức tín chấp, nghĩa là giá trị khoản vay sẽ thấp, được thực hiện với công ty tài chính và không cần phải thế chấp tài sản.

Tuy nhiên, khi mua chung cư, số tiền phải trả tương đối cao và việc sử dụng cụm từ “vay ngân hàng mua chung cư trả góp” không áp dụng theo cơ chế vay trả góp của công ty tài chính.

Hình thức này thực chất là vay thế chấp bằng chính tài sản là căn hộ chung cư sắp mua cho ngân hàng và nhiều ngân hàng cho vay với số tiền tương ứng 70% giá trị căn hộ.

Ngoài ra, còn một loại hình thức cũng có tính chất như trả góp là mua nhà ở trả chậm, trả dần theo quy định tại Điều 125 Luật Nhà ở. Tuy nhiên, bên cho trả chậm, trả dần là bên bán (thường là nhà đầu tư dự án chung cư) và do các bên thoả thuận, ghi rõ trong hợp đồng mua bán.

Đồng thời, khi mua chung cư hình thành trong tương lai, việc thanh toán cũng thực hiện theo hình thức trả góp căn cứ vào quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo đó, người mua sẽ thanh toán cho chủ đầu tư nhiều lần: Lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng; những lần sau thanh toán phù hợp tiến độ xây dựng nhưng không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao căn hộ.

Như vậy, hiện mua chung cư có nhiều hình thức trả góp hoặc tương tự như trả góp nhưng khi vay ngân hàng trả góp mua chung cư thường là cách gọi của việc vay ngân hàng và thế chấp bằng chính tài sản là căn hộ chung cư sắp mua. Người vay sẽ trả tiền lãi và gốc theo thoả thuận với ngân hàng theo từng tháng, quý… trả dần hoặc gộp trả nhiều tháng/lần…


Thủ tục vay ngân hàng mua chung cư trả góp

Điều kiện vay trả góp là gì?

Về căn hộ chung cư

Căn cứ Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014, để thế chấp được căn hộ chung cư thì phải đáp ứng các điều kiện về căn hộ như sau:

- Có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trừ trường hợp là nhà ở hình thành trong tương lai thì không cần phải có hợp đồng mua bán nhà ở hoặc văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, giấy tờ đã hoàn thành tiến độ thanh toán tiền theo thoả thuận cho nhà đầu tư, không đang khiếu nại, khiếu kiện…

- Không đang tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện, không bị kên biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính có hiệu lực; không bị thu hồi đất, giải toả, phá dỡ…

Về người vay

Theo Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, người vay phải từ 18 tuổi trở lên, có năng lực dân sự đầy đủ (có thể từ 15 - chưa đủ 18 tuổi, không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự); có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính…

Hồ sơ cần những gì?

Để được xét duyệt vay trả góp chung cư, người vay cần chuẩn bị các giấy tờ sau đây:

- Giấy tờ tuỳ thân: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn; sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận cư trú; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (Giấy xác nhận độc thân, bản án/quyết định ly hôn của Toà án đã có hiệu lực pháp luật - nếu có)…

- Giấy tờ chứng minh thu nhập: Thông thường sẽ có các nguồn thu nhập dễ dàng được xét duyệt gồm:

+ Thu nhập từ lương: Hợp đồng lao động, sao kê lương của 03 tháng gần nhất, xác nhận lương của người đứng đầu doanh nghiệp, quá trình đóng bảo hiểm xã hội, thông tin về thuế thu nhập cá nhân…

+ Thu nhập từ kinh doanh: Giấy đăng ký kinh doanh, hoá đơn nhập - bán hàng, hoá đơn giá trị gia tăng, sổ sách ghi chép, biên lai nộp thuế…

+ Thu nhập từ cho thuê tài sản: Hợp đồng cho thuê tài sản kèm theo giấy tờ về quyền sở hữu tài sản cho thuê, giấy giao nhận tiền từ hoạt động cho thuê…

+ Thu nhập khác: Thu nhập từ tiết kiệm (sổ tiết kiệm…), từ chứng khoán (sao kê tài khoản về nguồn thu này)…

- Giấy tờ về tài sản thế chấp: Người vay cần cung cấp Sổ hồng chung cư hoặc hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán chung cư (nếu là chung cư hình thành trong tương lai)…

- Phương án và mục đích vay vốn.

- Giấy tờ khác (nếu ngân hàng yêu cầu).

Vay ở đâu?

Thông thường, khi mua chung cư trả góp, chủ đầu tư sẽ giới thiệu luôn ngân hàng cho người vay. Tuy nhiên, người vay hoàn toàn có thể lựa chọn bất kì ngân hàng nào để vay trả góp.

Lưu ý: Khi vay ngân hàng, người vay cần lưu ý điều kiện cho vay cũng như mức lãi suất phù hợp cũng như chế độ ưu đãi lãi suất, chăm sóc khách hàng… để tiết kiệm thời gian vay vốn, hưởng lãi suất ưu đãi nhất mà vẫn được giải ngân một cách nhanh chóng.

Thời gian giải quyết bao lâu?

Thời gian giải quyết phụ thuộc vào chính sách của từng ngân hàng cũng như quy trình giải ngân của từng ngân hàng. Thực tế, khi vay trả góp mua chung cư, quy trình sẽ như sau:

Bước 1: Người vay lựa chọn ngân hàng cho vay, điều kiện, thủ tục trước khi vay.

Bước 2: Người vay chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp cho ngân hàng để ngân hàng tiến hành thẩm định dự án, căn hộ, điều kiện, hồ sơ… vay vốn.

Bước 3: Sau khi ngân hàng duyệt hồ sơ vay thì người vay sẽ tiến hành công chứng hợp đồng thế chấp với ngân hàng tại tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn có căn chung cư.

Bước 4: Người vay hoặc ngân hàng thực hiện đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Bước 5: Người vay ký hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, giao nhận tài sản… và ngân hàng sẽ thẩm định hồ sơ một lần nữa trước khi quyết định giải ngân.

Bước 6: Ngân hàng giải ngân và người vay thực hiện trả gốc, lãi theo thoả thuận.

Bước 7: Sau khi khoản vay được giải ngân, thông thường các ngân hàng còn tiến hành thẩm định, kiểm tra mục đích vay vốn có đúng như những gì người vay đã trình bày trước đó khi yêu cầu vay vốn tại ngân hàng.

Ngoài ra, tuỳ từng ngân hàng có thể giảm bớt các bước hoặc bổ sung thêm các thủ tục khi cho vay mua chung cư trả góp.

Vay chung cư trả góp cần trả những tiền gì?

Như trình tự nêu trên, khi vay vốn, người vay phải nộp các khoản phí như:

- Phí, thù lao công chứng hợp đồng thế chấp.

- Phí đăng ký thế chấp.

- Tiền gốc, tiền lãi theo định kỳ đã thoả thuận với ngân hàng.

Trên đây là giải đáp về thủ tục vay ngân hàng mua chung cư trả góp. Nếu còn thắc mắc hoặc bài viết còn vấn đề chưa rõ, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quy định mới nhất về cung cấp trò chơi điện tử công cộng

Trò chơi điện tử công cộng là một hình thức trò chơi khá đặc thù và chịu sự quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định như thế nào để hoạt động cung cấp trò chơi điện tử công cộng này?

Mẫu báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng

Hiện nay, trò chơi điện tử trên mạng rất đa dạng và được phát hành bởi rất nhiều nhà cung cấp khác nhau. Sau đây là một số quy định mà các nhà cung cấp cần lưu ý về việc báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng này.

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.