Cần làm gì sau khi trả hết nợ ngân hàng?

Thủ tục sau khi trả hết nợ ngân hàng cần làm và lời khuyên về kế hoạch nên thực hiện sau khi trả xong nợ là những thông tin được đề cập tại bài viết này.

Thủ tục sau khi trả hết nợ ngân hàng cần làm

Đối với các khoản vay thế chấp ngân hàng bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, sau khi trả hết nợ, người vay cần làm thủ tục xóa đăng ký thế chấp.

Thành phần hồ sơ

Hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 33 Nghị định 99/2022/NĐ-CP gồm:

- Phiếu yêu cầu xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

- Bản gốc Giấy chứng nhận trong trường hợp tài sản bảo đảm có Giấy chứng nhận.

- Trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký không phải là bên nhận bảo đảm và trên Phiếu yêu cầu không có chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm thì nộp thêm giấy tờ, tài liệu sau đây (bản chính hoặc bản sao có chứng thực):

  • Văn bản thể hiện việc bên nhận bảo đảm đồng ý xóa đăng ký/xác nhận về việc hợp đồng bảo đảm đã chấm dứt, đã được thanh lý/xác nhận về việc giải chấp trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên bảo đảm;
  • Hợp đồng/văn bản khác có hiệu lực pháp luật chứng minh việc chuyển giao hợp pháp tài sản bảo đảm trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là người nhận chuyển giao hợp pháp tài sản bảo đảm;
  • Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá có hiệu lực pháp luật hoặc Văn bản xác nhận kết quả thi hành án trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là cơ quan thi hành án dân sự;
  • Văn bản của cơ quan có thẩm quyền có nội dung về việc bên nhận bảo đảm là tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là công dân Việt Nam trở thành công dân nước ngoài;
  • Văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc giải thể pháp nhân.

Cơ quan thực hiện

Theo hướng dẫn tại Quyết định 2546/QĐ-BTP ngày 26/12/2022 của Bộ Tư pháp, hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm quyền sử dụng đất nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai.

Thời gian giải quyết thủ tục: Không quá 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì không quá 13 ngày.

Thủ tục sau khi trả hết nợ ngân hàng cần làm là xóa đăng ký bảo đảm
Thủ tục sau khi trả hết nợ ngân hàng cần làm là xóa đăng ký bảo đảm (Ảnh minh họa)

6 kế hoạch nên thực hiện sau khi trả xong nợ

Lập ngân sách tài chính cá nhân

Theo các chuyên gia về tài chính, để tránh tái nợ sau khi mới trả hết nợ cũ thì bạn cần lập một ngân sách chi tiêu phù hợp.

Các nhà nghiên cứu tài chính đã đưa ra một số phương án quản lý tài chính thông minh như: nguyên tắc 06 chiếc lọ, nguyên tắc 50/20/30.

Với nguyên tắc 06 chiếc lọ, người lập ngân sách có thể chia thu nhập của mình thành 06 phần và đựng vào 06 chiếc lọ khác nhau. Cụ thể như sau:

Lọ 1: Phần tiền để chi tiêu trong tháng;

Lọ 2: Phần tiền dùng để tiết kiệm;

Lọ 3: Phần tiền dành cho đầu tư;

Lọ 4: Phần tiền dành cho việc trao, tặng những sự kiện phát sinh trong tháng;

Lọ 5: Phần tiền dành cho hoạt động giáo dục;

Lọ 6: Phần tiền dành cho việc hưởng thụ.

Khi áp dụng nguyên tắc 06 chiếc lọ thì người lập kế hoạch phải lưu ý chia tỷ lệ: chi tiêu thiết yếu chiếm 55%, quỹ trao tặng chiếm 5% và các khoản còn lại chiếm khoảng 10% cho mỗi lọ.

Đối với quy tắc 50/20/30, tỷ lệ chi tiêu có thể chia như sau: 50% dành cho hoạt động chi tiêu thiết yếu trong tháng, 30% dành cho việc chi tiêu linh hoạt và 10% dành cho mục tiêu tài chính lâu dài.

Tạo quỹ dự phòng khẩn cấp

Mỗi người nên có một khoản dự phòng khẩn cấp bằng 03 tháng thu nhập thường xuyên.

Ví dụ, tổng thu nhập của bạn là 15 triệu đồng/tháng, bạn nên lên kế hoạch để có một quỹ dự phòng khẩn cấp khoảng 90 triệu đồng bên cạnh các quỹ khác (chi tiêu thiết yếu, tiết kiệm dài hạn, đầu tư...).

Quỹ dự phòng khẩn cấp chỉ được sử dụng khi không còn giải pháp nào khác, trong những tình huống cấp bách như ốm đau, tai nạn, mất việc… Quỹ này nên để dưới dạng tiền mặt hoặc các loại tài sản khác có tính thanh khoản cao như ngoại tệ, vàng.

Chuẩn bị sẵn sàng các loại bảo hiểm

Ngoài lập ngân sách và quỹ dự phòng khẩn cấp, bảo hiểm cũng vô cùng quan trọng trong sức khoẻ tài chính cá nhân. Nếu có thể, bạn nên cố gắng có đầy đủ 03 loại là bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm hưu trí.

Chuẩn bị cho kỳ nghỉ hưu

Càng dành dụm sớm, tuổi già sẽ càng an nhàn. Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ hưu, bạn thực hiện 4 bước: Xác định độ tuổi nghỉ hưu; Dự trù số tiền cần có; Tìm các nguồn thu nhập khi về già; Tính toán số tiền cần tiết kiệm hàng tháng.

Học cách đầu tư

Đầu tư là cách giúp bạn gia tăng tài sản theo thời gian nhờ lãi suất kép. Theo quỹ Dragon Capital, tỉ suất đầu tư trung bình trong 10 năm qua lần lượt là: cổ phiếu (15,8%), trái phiếu (9,9%), vàng (1,7%), USD (0,9%)...

Lưu ý, bạn chỉ nên đầu tư khi có đủ kiến thức. Nếu chưa sẵn sàng, cách tốt nhất là gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất đều đặn.

Đặt mục tiêu cho tương lai

Việc đặt mục tiêu tài chính trong tương lai cũng là một phương án xây dựng tài chính cá nhân hợp lý.

Theo các chuyên gia tài chính, mỗi cá nhân nên đặt mục tiêu tài chính của mình. Bởi vì khi có mục tiêu tài chính thì bạn sẽ có động lực, sự cố gắng để đạt được mục tiêu.

Trên đây là thông tin về thủ tục sau khi trả hết nợ ngân hàng và những kế hoạch nên thực hiện sau khi trả xong nợ. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục