1. Thủ tục đăng ký mua điện sinh hoạt
1.1. Thành phần hồ sơ
Hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị mua điện;
- Giấy tờ tùy thân: Bản sao Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu;
- Giấy tờ xác định chủ thể hợp đồng mua bán điện gồm một trong các giấy tờ:
Giấy chứng nhận quyền sở hữu/quyền sử dụng nhà ở hoặc Quyết định phân nhà;
Hợp đồng mua bán/chuyển nhượng nhà/đất hợp lệ;
Hợp đồng thuê nhà/thuê địa điểm có thời hạn từ 01 năm trở lên và giấy đồng ý của chủ sở hữu;
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
1.2. Địa chỉ nộp hồ sơ
Hồ sơ đăng ký mua điện sinh hoạt có thể nộp trực tiếp hoặc có thể gửi qua bưu điện đến văn phòng điện lực.
Ngoài ra, thủ tục đăng ký mua điện sinh hoạt còn được thực hiện trên trang web Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực EVN theo các bước:
Chọn mục Đăng ký mua điện - Chọn yêu cầu mua điện Sinh hoạt - Tiếp nhận yêu cầu mua điện.
Điền đầy đủ thông tin và tải lên hình ảnh của các giấy tờ được yêu cầu.
Sau khi đã gửi thành công, nhân viên Điện lực sẽ trực tiếp liên hệ để hoàn tất hồ sơ.
1.3. Thời hạn giải quyết
Thủ tục đăng ký đăng ký mua điện sinh hoạt từ lưới điện hạ áp được giải quyết trong không quá 03 ngày làm việc đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn và không quá 05 ngày làm việc đối với vùng nông thôn.
Trong trường hợp phải dựng cột hoặc lắp đặt cáp ngầm, máy biến dòng điện thì không quá 07 ngày làm việc.
Trường hợp đăng ký mua điện sinh hoạt từ điểm đầu nối lưới điện trung áp tới điểm sử dụng thì không quá 07 ngày làm việc.
2. Mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt
Mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt mới nhất đang áp dụng được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 16/2023/TT-BCT.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_______________________
…, ngày … tháng … năm …
HỢP ĐỒNG
MUA BÁN ĐIỆN PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH SINH HOẠT
Mã số hợp đồng…………….
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công;1
Căn cứ nhu cầu mua điện của Bên mua điện,
Chúng tôi gồm:
Bên bán điện (Bên A): ..........................................................
Địa chỉ trụ sở chính: ...............................................................
Điện thoại: ..............................................................................
Email: .....................................................................................
Mã số thuế: ...........................................................................
Tài khoản số: ......................Tại Ngân hàng: .........................
Đại diện là ông (bà): ........................Chức vụ: ................................................
Theo Văn bản ủy quyền số: .................... ngày............ tháng........ năm ..........
của ông (bà) .............................................chức vụ .................................................2
[Các bên thống nhất tại hợp đồng này, Công ty Điện lực/Điện lực ...................là đơn vị trực thuộc Bên A, được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, sẽ đại diện cho Bên A chịu trách nhiệm triển khai, quản lý và thực hiện hợp đồng và có các thông tin cụ thể như sau:
Mã số thuế: ................................................
Địa chỉ: .......................................................
Email: ..........................................................
Tài khoản số: .............Tại Ngân hàng: ................]3
Bên mua điện (Bên B)4:.......................................
Điện thoại: ..............................................................
Email: ......................................................................
Mã số thuế5:............................................................
Tài khoản số: ................ Tại Ngân hàng: ................6
Đại diện là ông (bà)7: ..............................................
Chức vụ (áp dụng cho tổ chức): .............................
Số CMT/CCCD/hộ chiếu: ................ Ngày cấp: .................. Nơi cấp: ...........
(Theo Văn bản ủy quyền số: .............................. ngày ........... tháng ........ năm ........... của ông (bà) ................................8 Chức vụ (áp dụng cho tổ chức): ...............................................)
[Số hộ dùng chung: ................. (danh sách cụ thể đính kèm hợp đồng này).]9
Hai bên thỏa thuận ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt với những nội dung sau:
Điều 1. Các nội dung cụ thể
1. Hai bên thống nhất áp dụng CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG kèm theo hợp đồng này.
2. Địa chỉ sử dụng điện: ..............................................
3. Vị trí xác định chất lượng điện: ...............................
4. Vị trí lắp đặt thiết bị đo đếm điện: ...........................
Trong quá trình thực hiện hợp đồng này, những người sau đây có thể đại diện Bên B để chứng kiến và ký biên bản treo, tháo, lắp đặt thiết bị đo đếm điện tại thời điểm Bên A treo, tháo, lắp đặt thiết bị đo đếm điện:
a) Chủ thể ký hợp đồng □;
b) Người được Bên B ủy quyền, bao gồm: Một thành viên khác có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình/hộ dùng chung Bên B □; Người được ủy quyền khác: .......................
5. Ngày ghi chỉ số công tơ: ........................................
6. Hình thức và thời hạn thanh toán:
a) Áp dụng linh hoạt một hoặc nhiều hình thức thanh toán sau: Trích nợ tự động □; Thanh toán điện tử □; Chuyển khoản □; Qua điểm thu □; Hình thức khác: .....................................
b) Thời hạn thanh toán tiền điện: ................ ngày kể từ ngày Bên A thông báo thanh toán lần đầu của kỳ thanh toán.
7. Hình thức thông báo, trao đổi thông tin:
Áp dụng linh hoạt một hoặc nhiều hình thức gửi/nhận thông báo thanh toán và thông báo, trao đổi thông tin khác (bao gồm cả việc chậm thanh toán, ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện, thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ, treo, tháo, lắp đặt thiết bị đo đếm điện,…) sau: Email □; Điện thoại/SMS □; Ứng dụng nhắn tin □; Ứng dụng chăm sóc khách hàng của Bên A □; Hình thức khác: ...........................
Đối với các thông tin đề nghị giữa các bên, nếu không có quy định khác, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, bên nhận đề nghị phải có sự phản hồi đồng ý hay không đồng ý về đề xuất của bên gửi đề nghị.
[8. Hai bên thống nhất tại hợp đồng này, chứng từ thanh toán đối với mọi khoản thanh toán theo quy định tại hợp đồng sẽ được Công ty Điện lực/Điện lực................................... phát hành cho Bên B và Bên B thực hiện việc thanh toán cho Công ty Điện lực/Điện lực.......................................]10
9. Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm được hai bên thỏa thuận:11............% phần giá trị nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
10. Hai bên thỏa thuận lựa chọn một hoặc nhiều phương thức giải quyết tranh chấp sau đây12: Thương lượng □; Hòa giải □; Trọng tài □; Tòa án □.
Điều 2. Những thỏa thuận khác13
.......................................................................
........................................................................
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ... tháng ... năm ... [hoặc từ ngày ký hợp đồng] đến ngày ... tháng ... năm ... [hoặc đến ngày hợp đồng chấm dứt theo thỏa thuận tại hợp đồng này hoặc theo quy định của pháp luật].14
2. Trong thời gian thực hiện, một trong hai bên có yêu cầu chấm dứt hợp đồng, sửa đổi hoặc bổ sung nội dung đã ký trong hợp đồng phải thông báo cho bên kia trước 15 ngày để cùng nhau giải quyết./.
ĐẠI DIỆN BÊN B | ĐẠI DIỆN BÊN A |
_______________
1Trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới thì cập nhật theo các văn bản mới.
2Áp dụng trong trường hợp đại diện theo ủy quyền.
3 Lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế của Bên bán điện, trường hợp không phát sinh thì bỏ nội dung này.
4 Lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế của Bên mua điện là tổ chức/cá nhân/hộ gia đình.
5 Thông tin dành cho Bên mua điện là tổ chức.
6Thông tin dành cho Bên mua điện là tổ chức.
7 Lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế của Bên mua điện (như hộ dùng chung, tổ chức,...), trường hợp không phát sinh thì bỏ nội dung này.
8 Lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế của bên ủy quyền trong trường hợp Bên mua điện là tổ chức hoặc nhiều hộ dùng chung ký 01 hợp đồng; đối với đại diện cho các hộ dùng chung có thể có nhiều văn bản ủy quyền hoặc 01 văn bản ủy quyền của nhiều hộ dùng chung tùy theo tình hình thực tế.
9 Áp dụng cho trường hợp Bên mua điện là nhiều hộ dùng chung ký 01 hợp đồng.
10 Lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế của Bên bán điện, trường hợp không phát sinh thì bỏ nội dung này.
11 Hai bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.
12 Trong trường hợp hai bên thỏa thuận lựa chọn từ hai phương thức giải quyết tranh chấp trở lên thì trình tự giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
13 Hai bên có quyền thỏa thuận các nội dung phù hợp với thực tế mua bán điện giữa hai bên đảm bảo nội dung thỏa thuận khác không trái với quy định pháp luật hiện hành.
14 Lựa chọn một trong hai cách ghi thời hạn phù hợp.
15 Trường hợp Bên B là tổ chức thì phải ký và ghi đầy đủ họ tên, chức vụ và đóng dấu.
CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG
(Kèm theo hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt)
Điều 1. Tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ
1. Chất lượng điện năng
a) Chất lượng điện năng được xác định tại vị trí theo thỏa thuận trong hợp đồng;
b) Điện áp và tần số phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực (sau đây viết tắt là Nghị định số 137/2013/NĐ-CP).
2. Đo đếm điện năng
a) Điện năng sử dụng được xác định qua thiết bị đo đếm điện và hệ số nhân của thiết bị đo đếm điện. Hệ số nhân được thể hiện trong biên bản treo, tháo thiết bị đo đếm điện;
b) Thiết bị đo đếm điện được kiểm định theo quy định của pháp luật;
c) Khi treo, tháo, lắp đặt thiết bị đo đếm điện phải lập biên bản có xác nhận của Bên B phù hợp với nội dung đã thỏa thuận tại khoản 4 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này. Biên bản được thể hiện dưới dạng giấy hoặc dữ liệu điện tử.
Điều 2. Giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán
1. Ghi chỉ số công tơ
a) Bên A ghi chỉ số công tơ vào ngày ấn định hàng tháng, có thể dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số trước hoặc sau một ngày, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự. Ngày ghi chỉ số công tơ được thể hiện là ngày cuối của chu kỳ ghi chỉ số trên hóa đơn tiền điện;
b) Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Bên A được quyền thỏa thuận thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ hàng tháng đã được ấn định trước đó thông qua văn bản thông báo (dưới dạng giấy hoặc dữ liệu điện tử) phù hợp với nội dung đã thỏa thuận tại khoản 7 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này gửi đến Bên B và phải được Bên B đồng ý. Việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ chỉ được thực hiện sau khi hai bên đã thống nhất. Thỏa thuận giữa hai bên là một phần không thể tách rời của hợp đồng này.
2. Giá điện
a) Giá bán lẻ điện sinh hoạt thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên A có trách nhiệm thông báo giá bán lẻ điện sinh hoạt của Bên A cho Bên B trước khi ký hợp đồng và khi có sự thay đổi giá bán lẻ điện sinh hoạt;
b) Khi giá điện thay đổi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì giá mới được áp dụng và các bên không phải ký lại hợp đồng.
3. Thanh toán tiền điện: Bên B thanh toán tiền điện cho Bên A mỗi tháng một lần bằng tiền Việt Nam theo hình thức và trong thời hạn hai bên đã thỏa thuận tại khoản 6 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này và phải thanh toán đủ số tiền ghi trong hóa đơn.
4. Trường hợp Bên B không trả tiền điện và đã được Bên A thông báo 02 (hai) lần thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, Bên A có quyền ngừng cấp điện. Bên A phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho Bên B trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra trong trường hợp đã tuân thủ nghĩa vụ thông báo tại quy định Điều này. Sau khi Bên B thanh toán tiền điện và thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp điện trở lại theo quy định pháp luật về điện lực (bao gồm cả chi phí cấp điện trở lại) thì Bên A phải thực hiện cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực.
5. Trường hợp không đồng ý về số tiền điện phải thanh toán, hai bên thực hiện như sau:
a) Bên B có quyền yêu cầu Bên A xem xét lại số tiền điện phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của Bên B, Bên A có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày;
b) Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của Bên A, Bên B có thể tiến hành giải quyết bằng các phương thức giải quyết tranh chấp đã được hai bên thỏa thuận tại hợp đồng này;
c) Trong thời gian chờ giải quyết về số tiền điện phải thanh toán, Bên B vẫn phải thanh toán tiền điện theo chứng từ thanh toán do Bên A phát hành và Bên A không được ngừng cấp điện. Trong trường hợp Bên B không trả tiền điện thì Bên A thực hiện ngừng cấp điện và cấp điện trở lại theo quy định tại khoản 4 Điều này;
d) Bên A phải hoàn trả lại tiền điện thực tế đã thu vượt hoặc được truy thu tiền điện còn thiếu của Bên B (nếu có) sau khi có kết quả giải quyết tranh chấp về số tiền điện phải thanh toán.
Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của Bên A
1. Được vào khu vực quản lý của Bên B để kiểm tra, ghi chỉ số công tơ, sửa chữa, thay thế thiết bị đo đếm điện đối với thiết bị đo đếm điện đặt trong khu vực quản lý của Bên B và liên hệ với Bên B để giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng. Việc cử người vào khu vực quản lý của Bên B phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy. Bảo đảm cung cấp điện cho Bên B đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, an toàn, trừ trường hợp lưới điện phân phối bị quá tải theo xác nhận của Cục Điều tiết điện lực hoặc cơ quan được ủy quyền.
3. Thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện, khôi phục kịp thời việc cấp điện cho Bên B theo quy định của pháp luật.
4. Thông báo cho Bên B biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng cách thông báo trong 03 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng một trong các hình thức thông tin khác được hai bên thỏa thuận tại khoản 7 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này khi có kế hoạch ngừng, giảm mức cung cấp điện để sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện.
5. Trường hợp Bên A đã tạm ngừng cung cấp điện theo yêu cầu của Bên B, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bên B về việc tiếp tục sử dụng điện, Bên A phải cấp điện trở lại cho Bên B sau khi Bên B đã thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực.
6. Bên A được phép thu chi phí ngừng và cấp điện trở lại theo quy định về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại do Bộ Công Thương ban hành.
7. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Bên B về một trong các nội dung sau đây: mục đích sử dụng điện dẫn đến thay đổi giá điện; thay đổi số hộ dùng chung đã đăng ký trong hợp đồng; thay đổi định mức sinh hoạt; có nhu cầu chấm dứt hợp đồng thì Bên A có trách nhiệm kiểm tra và thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt theo thỏa thuận tại hợp đồng này hoặc quy định của pháp luật.
8. Thông báo cho Bên B về thời điểm kết thúc hợp đồng theo hình thức đã được thỏa thuận tại khoản 7 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hợp đồng kết thúc.
9. Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi Bên B không sử dụng điện quá 06 tháng liên tục mà không thông báo trước cho Bên A hoặc Bên B không còn đáp ứng đủ điều kiện ký kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 8 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP). Trình tự, thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
10. Bảo vệ thông tin của Bên B, không được phép thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của Bên B cho Bên thứ ba khác khi chưa được sự đồng ý của Bên B theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định pháp luật khác có liên quan.
11. Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn sử dụng điện, ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Bên B hoặc các bên có liên quan và thông báo về các biện pháp bảo đảm an toàn sử dụng điện cho Bên B theo quy định của pháp luật.
12. Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của Bên B
1. Yêu cầu Bên A: bảo đảm chất lượng điện năng tại vị trí đã thỏa thuận trong hợp đồng; kiểm tra chất lượng điện, tính chính xác của thiết bị đo đếm điện, số tiền điện phải thanh toán; kịp thời khôi phục việc cấp điện sau khi mất điện.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho Bên A kiểm tra, ghi chỉ số công tơ, sửa chữa, thay thế thiết bị đo đếm điện đối với thiết bị đo đếm điện đặt trong khu vực quản lý của Bên B.
3. Thông báo ngay cho Bên A khi phát hiện thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng hoặc nghi ngờ chạy không chính xác, khi phát hiện những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện, mất an toàn cho người và tài sản.
4. Thông báo cho Bên A trước 15 ngày trong trường hợp thay đổi mục đích sử dụng điện dẫn đến thay đổi giá điện; thông báo ngay cho Bên A khi thay đổi số hộ dùng chung đã đăng ký trong hợp đồng, thay đổi định mức sinh hoạt, có nhu cầu chấm dứt hợp đồng.
5. Thông báo cho Bên A biết trước 05 ngày kể từ ngày có nhu cầu tạm ngừng sử dụng điện liên tục trên 06 tháng; thông báo ngay cho Bên A khi Bên B không còn quyền sở hữu, quản lý, sử dụng hợp pháp địa điểm sử dụng điện.
6. Chịu trách nhiệm quản lý tài sản, đảm bảo an toàn đối với đường dây dẫn điện từ sau thiết bị đo đếm điện đến nơi sử dụng điện. Không được tự ý cung cấp điện cho hộ sử dụng điện khác.
7. Thanh toán tiền điện hàng tháng đầy đủ, đúng thời hạn theo hợp đồng.
8. Không được tự ý tháo gỡ, di chuyển thiết bị đo đếm điện. Khi có nhu cầu di chuyển thiết bị đo đếm điện sang vị trí khác phải được sự đồng ý của Bên A và phải chịu toàn bộ chi phí di chuyển.
9. Không trộm cắp điện dưới mọi hình thức. Trường hợp có hành vi trộm cắp điện, Bên B sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự và nếu gây ra thiệt hại khác cho Bên A thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.
10. Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng
1. Các hành vi vi phạm hợp đồng
a) Các hành vi vi phạm của Bên A
Không bảo đảm chất lượng điện năng quy định tại Điều 1 (Các điều khoản chung) của hợp đồng này, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự; ghi sai chỉ số công tơ, tính sai tiền điện trong hóa đơn; khi Bên B có văn bản đề nghị và đáp ứng đủ điều kiện về việc tăng số hộ dùng chung mà Bên A không thực hiện điều chỉnh; các hành vi khác vi phạm các quy định pháp luật về mua bán điện.
b) Các hành vi vi phạm của Bên B
Sử dụng điện sai mục đích có mức giá cao hơn mức giá đã thỏa thuận trong hợp đồng; chậm trả tiền điện theo quy định của pháp luật; khi giảm số hộ dùng chung mà không thông báo cho Bên A; các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.
2. Bồi thường thiệt hại
a) Khi Bên A có các hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này và gây ra thiệt hại cho Bên B thì phải bồi thường;
b) Khi Bên B có các hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1 Điều này và gây ra thiệt hại cho Bên A thì phải bồi thường;
c) Số tiền bồi thường được xác định theo phương pháp tại quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện do Bộ Công Thương ban hành.
3. Phạt vi phạm hợp đồng
Ngoài việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều này các bên bị phạt vi phạm hợp đồng như sau:
a) Khi Bên A có các hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này và gây ra thiệt hại cho Bên B thì Bên A bị phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng với mức phạt do hai bên thỏa thuận quy định tại khoản 9 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này;
b) Khi Bên B có các hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1 Điều này và gây ra thiệt hại cho Bên A thì Bên B bị phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng với mức phạt do hai bên thỏa thuận quy định tại khoản 9 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này.
Điều 6. Giải quyết tranh chấp
1. Hai bên cam kết thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng, bên nào vi phạm sẽ bị xử lý theo thỏa thuận tại hợp đồng này và quy định của pháp luật.
2. Trường hợp phát sinh tranh chấp, hai bên giải quyết tranh chấp theo phương thức đã được hai bên thỏa thuận tại khoản 10 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về điện lực./.
3. Bảng giá bán lẻ điện sinh hoạt
Bảng giá bán lẻ điện sinh hoạt được Tập đoàn Điện lực Việt Nam quy định tại Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023.
Trên đây là hướng dẫn thủ tục đăng ký mua điện sinh hoạt mới nhất. Nếu có vướng mắc, bạn đọc gọi ngay tới tổng đài 19006192 để được giải đáp.