Thông quan là gì? Quy trình thông quan hàng hóa xuất khẩu

Thông quan là một trong những thủ tục bắt buộc trước khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông quan là gì, điều kiện và quy trình thông quan hàng hóa xuất khẩu như thế nào trong bài viết sau.

1. Thông quan là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014:

“Thông quan là việc hoàn thành các thủ tục hải quan để hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ hải quan khác.”

Thông quan là việc hoàn thành các thủ tục hải quan để hàng hóa được xuất, nhập khẩu (Ảnh minh họa)

Như vậy, thông quan là một thủ tục hành chính bắt buộc phải thực hiện khi giao dịch quốc tế về xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện. Thủ tục thông quan giúp cơ quan quản lý nắm được thông tin và đảm bảo tính hợp pháp của hàng hóa.

2. Điều kiện cần có của thông quan hàng hóa

Ở phần trên, LuatVietnam đã giải thích về thông quan là gì? Mỗi loại hàng hóa khác nhau sẽ có điều kiện để được thông quan khác nhau. Việc thông quan sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành thủ tục hải quan. Một số vấn đề cần lưu ý trong thủ tục hải quan như sau:

2.1 Đối tượng được phép thông quan hàng hóa

Hai nhóm được áp dụng thủ tục thông quan này là hàng hóa và phương tiện, không áp dụng cho nhóm đối tượng con người.

Đối với hàng hóa, phải là những loại không nằm trong danh mục cấm xuất nhập khẩu do pháp luật Việt Nam quy định. Ngoài ra hàng hóa thông quan cũng cần đáp ứng một số yêu cầu về chủng loại, mẫu mã, số lượng, tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh hoặc quá cảnh, cần đáp ứng những quy tắc được quy định trong Hồ sơ hải quan phương tiện. Trong này có nêu rõ từng loại phương tiện như máy bay, tàu biển, ô tô, đường sắt quốc tế và các loại phương tiện vận tải khác, của các cá nhân, cơ quan, tổ chức tạm nhập - tái xuất hoặc tạm xuất - tái nhập không nhằm phục vụ cho mục đích thương mại.

Như vậy, hàng hóa và phương tiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chứng từ, hóa đơn đi kèm thì sẽ được pháp thông quan.

2.2 Đảm bảo thủ tục thông quan

Để hàng hóa và phương tiện được phép thông quan, cần phải đảm bảo hoàn thành đầy đủ thủ tục hải quan. Có nghĩa là hoàn thành các bước, các trình tự theo đúng quy trình đã được quy định. Việc tiến hành thủ tục thông quan phải tuân thủ theo nguyên tắc do pháp luật đề ra.

Cần chú ý đến việc xác định người chịu trách nhiệm tiến hành thủ tục thông quan và thực hiện các nghiệp vụ hải quan. Người này cần có kiến thức, hiểu biết để đảm bảo quá trình thông quan diễn ra chính xác và hợp lệ.

3. Quy trình thông quan cơ bản của hàng xuất khẩu 

Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu thông quan là gì, LuatVietnam sẽ giới thiệu tới bạn đọc quy trình thông quan. Theo đó, quy trình thông quan cho hàng hóa và phương tiện xuất khẩu được quy định theo 3 bước như sau:

3.1 Đăng ký và khai báo hải quan

Người khai có thể đăng ký tờ khai hải quan thông qua đăng ký điện tử hoặc đăng ký trực tiếp ngay tại cơ quan hải quan. Người khai có trách nhiệm kê khai chính xác các thông tin chi tiết của hàng hóa như chủng loại, số lượng, mẫu mã,...

Người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình các loại giấy tờ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu như hóa đơn, hợp đồng mua bán, chứng từ giao nhận, hợp đồng vận tải, giấy phép xuất khẩu và các chứng từ liên quan khác theo quy định của pháp luật

Chứng từ giấy hay chứng từ điện tử đều được chấp nhận trong hồ sơ hải quan. Yêu cầu chứng từ phải đúng, phù hợp, còn nguyên vẹn và hợp pháp.

3.2 Đưa hàng hóa đến điểm tập kết

Hàng hóa xuất khẩu được đưa đến khu vực riêng để cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, xác nhận thực tế.

Địa điểm tập kết hàng hóa được quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Hải quan 2014, cụ thể như sau:

  • Khu vực cửa khẩu (bao gồm cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế)

  • Khu vực cửa khẩu bưu điện quốc tế

  • Khu vực cảng biển hoặc cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Các cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa

  • Trụ sở của Chi cục Hải quan (nơi người khai hải quan nộp hồ sơ)

  • Các khu vực khác theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

  • Các cơ sở sản xuất, công trình, nơi tổ chức hội chợ, triển lãm

  • Kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ

  • Khu vực là địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng ở cửa khẩu đường bộ;

  • Trong trường hợp cần thiết, địa điểm kiểm tra ở tại khu vực, địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.

3.3 Nộp thuế phí, lệ phí

Người khai hải quan thực hiện nộp các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật trước khi được phép mang hàng hóa ra khỏi biên giới.

Người khai phải nộp thuế phí trước khi thông quan (Ảnh minh họa)

Các loại thuế, phí, lệ phí có thể bao gồm: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, phí hải quan, phí bốc xếp hàng hóa, vé xe, thuế 26,...

4. Chi phí thông quan là bao nhiêu?

Chi phí thông quan hay lệ phí hải quan người khai phải nộp cho cơ quan chức năng để chuẩn bị chứng từ, vận chuyển hàng hóa hoặc các chi phí phát sinh khác.

Người nộp thuế phí có thể lựa chọn nộp trực tiếp tại Chi cục hải quan, nộp tại kho bạc nhà nước có tài khoản do Chi cục hải quan mở hoặc chuyển khoản qua các ngân hàng thương mại.

Mức phí hải quan được ban hành theo Thông tư 14/2021/TT-BTC quy định cụ thể như sau:

Biểu mức thu phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh

Nội dung thu

Mức thu

Phí hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh

20.000 đồng/tờ khai

Phí hải quan kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

200.000 đồng/01 đơn

Phí hải quan cấp sổ ATA

1.000.000 đồng/sổ

Phí hải quan cấp lại sổ ATA

500.000 đồng/sổ

Lệ phí đối với hàng hoá quá cảnh

200.000 đồng/tờ khai

Lệ phí đối với phương tiện vận tải quá cảnh đường bộ (gồm: ô tô, đầu kéo, máy kéo)

200.000 đồng/phương tiện

Lệ phí đối với phương tiện vận tải quá cảnh đường thủy (gồm: tàu, ca nô, đầu kéo, sà lan)

500.000 đồng/phương tiện

Các trường hợp được miễn thu phí hải quan được quy định tại Điều 3 Thông tư 14/2021/TT-BTC, áp dụng đối với các loại hàng viện trợ nhân đạo, quà tặng cho cơ quan nhà nước, hàng hóa có tổng số tiền thuế dưới 50.000 Việt Nam đồng hay các phương tiện thường xuyên qua lại biên giới.

5. Giải đáp một số thắc mắc về thông quan hàng hóa 

Dưới đây là những thắc mắc phổ biến được nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về thông quan hàng hóa.

5.1 Đơn hàng Shopee đã được thông quan có nghĩa là gì?

Đơn hàng đã được thông quan Shopee là đơn hàng đã được kiểm tra tại cửa khẩu, đáp ứng đủ các đủ tiêu chuẩn, yêu cầu và đang được vận chuyển về Việt Nam.

Đơn hàng đến cửa khẩu Việt Nam sẽ được vận chuyển trực tiếp về kho tổng của Shopee. Nhân viên tiến hành kiểm tra, phân loại và điều phối đơn hàng đến các kho ở địa phương và giao tới tay khách hàng.

5.2 Kiểm tra sau thông quan là gì? 

Kiểm tra sau thông quan là việc cơ quan hải quan kiểm tra lại các loại hàng hóa, phương tiện vận tải về tính trung thực, hợp lý, độ tin cậy thông qua hồ sơ hải quan, các loại chứng từ thương mại, chứng từ kế toán và các tài liệu có liên quan khác trong trường hợp cần thiết.

Kiểm tra sau thông quan được thực hiện khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan về xuất nhập khẩu và các trường hợp nhằm quản lý rủi ro.

Thông quan là một trong những quy trình bắt buộc và quan trọng trong việc quản lý các giao dịch vận chuyển hàng hóa, phương tiện ra vào lãnh thổ Việt Nam. Cần hiểu rõ khái niệm thông quan là gì, các điều kiện thông quan cũng như quy trình chuẩn của thông quan để áp dụng đúng và chính xác theo quy định của pháp luật. Mọi vấn đề vướng mắc xin vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục