Hướng dẫn thông báo thiệt hại đối với môi trường mới nhất

Thiệt hại đối với môi trường không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài cho hệ sinh thái. Để bảo đảm mọi thiệt hại về môi trường được ghi nhận và xử lý kịp thời, dưới đây là hướng dẫn thông báo thiệt hại đối với môi trường mới nhất.

1. Quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường

Môi trường bị ô nhiễm, suy thoái có thể dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho cả con người và tự nhiên, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì những thiệt hại này là:

- Sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

- Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Người nào gây ra những thiệt hại về môi trường nêu trên phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra. Đồng thời, họ phải chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc xác định thiệt hại và thực hiện các thủ tục yêu cầu bồi thường.

Theo đó, Điều 132 Luật này giải thích thêm về việc xác định thiệt hại do suy giảm chức năng và giá trị của môi trường gồm:

- Xác định phạm vi, diện tích và khu vực bị ô nhiễm hoặc suy thoái.

- Xác định số lượng thành phần môi trường bị ảnh hưởng, bao gồm các hệ sinh thái và loài bị thiệt hại.

- Xác định mức độ thiệt hại của từng thành phần môi trường, hệ sinh thái và các loài.

Có thể thấy, việc xác định thiệt hại đối với môi trường là không hề đơn giản và cần tính chuyên môn cao cao. Vì vậy, pháp luật quy định quá trình này có thể được thực hiện độc lập hoặc phối hợp giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại.

Thêm vào đó, nếu có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường sẽ hướng dẫn cách tính thiệt hại hoặc chứng kiến quá trình xác định thiệt hại theo quy định.

2. Hướng dẫn thông báo thiệt hại đối với môi trường mới nhất

Theo khoản 1 Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân khi phát hiện môi trường có dấu hiệu ô nhiễm hoặc suy thoái phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bồi thường.

Việc thông báo thiệt hại đối với môi trường là bước quan trọng để các cơ quan chức năng có thể can thiệp và giải quyết kịp thời. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện thông báo thiệt hại môi trường theo quy định mới nhất tại Điều 112 Nghị định 08/2022/NĐ-CP:

Bước 1. Chuẩn bị thông tin cần thiết: 

Trước khi thực hiện thông báo, cần thu thập đầy đủ các thông tin về sự cố hoặc hoạt động gây thiệt hại môi trường, bao gồm:

- Thông tin của tổ chức, cá nhân phát hiện môi trường có dấu hiệu bị ô nhiễm, suy thoái;

- Dấu hiệu, địa điểm về môi trường bị ô nhiễm, suy thoái;

- Nguồn nghi gây ô nhiễm, suy thoái;

- Các thiệt hại ban đầu xảy ra (nếu có);

- Chứng cứ khác có liên quan (nếu có);

- Các tài liệu khác có liên quan kèm theo (nếu có).

Bước 2. Gửi thông báo bằng văn bản: 

Thông báo thiệt hại phải được thực hiện bằng văn bản và gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Nội dung thông báo cần đảm bảo có đủ các nội dung tại Bước 1.

Bước 3. Theo dõi và phối hợp: 

Sau khi gửi thông báo, cần theo dõi và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để đảm bảo thiệt hại được xử lý kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, cần cung cấp thêm thông tin và hỗ trợ cơ quan chức năng trong quá trình điều tra và khắc phục thiệt hại.

3. Cơ quan nào nào có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường

Căn cứ nội dung tại Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường 2020, tổ chức hoặc cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường có thể tự mình hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường.

Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường và thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại được quy định như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường trong phạm vi quản lý của mình. Nếu cần, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện hỗ trợ trong việc thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ đối với các thiệt hại môi trường xảy ra trên địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên, hoặc theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đảm nhận trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ đối với các thiệt hại môi trường xảy ra trên địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ đối với các thiệt hại môi trường xảy ra trên địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

Tóm lại, bảo vệ môi trường và xử lý các thiệt hại môi trường là vấn đề quan trọng, cần tính chuyên môn cao. Việc xác định, thông báo và yêu cầu bồi thường thiệt hại môi trường đúng cách theo hướng dẫn trên không chỉ giúp khắc phục các tổn thất đã xảy ra mà còn góp phần ngăn ngừa các sự cố tương tự trong tương lai.

Trên đây là nội dung chi tiết hướng dẫn thông báo thiệt hại đối với môi trường mới nhất.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường dựa vào căn cứ nào?

Việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường là bước quan trọng để xử lý và khắc phục hậu quả và yêu cầu bồi thường từ các bên gây ra thiệt hại. Quy định về xác định thiệt hại này nhằm bảo vệ quyền lợi của các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng và đảm bảo rằng người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm.