Thông báo 88/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông báo 88/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 88/TB-VPCP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo |
Người ký: | Văn Trọng Lý |
Ngày ban hành: | 25/03/2010 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác, Chính sách |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 88/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2010 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC
VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày 17 tháng 3 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Lãnh đạo Thành phố Hà Nội. Tham dự có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và quý I năm 2010, tình hình thực hiện các dự án đầu tư lớn của Thành phố, các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông và việc chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Thường trực Chính phủ biểu dương Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trong năm 2009 và quý I/2010 đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 đạt 6,7%, (quý I/2010 dự kiến đạt 8,7%) cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Sau hơn một năm hợp nhất mở rộng, Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, quản lý đô thị có nhiều chuyển biến tốt, nhiều công trình hạ tầng lớn được hoàn thành phục vụ nhân dân; an sinh xã hội được đảm bảo; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy vậy còn một số mặt cần lưu ý, đó là: gắn với tăng trưởng phải kiềm chế lạm phát; phấn đấu tỷ lệ tăng trưởng cao hơn nữa (trên 10%); phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông.
Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cần quyết tâm hơn nữa, phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế để hoàn thành kế hoạch năm 2010 làm động lực cho phát triển những năm tới và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng phải được thảo luận trong Đại hội Đảng bộ Thành phố sắp tới nhằm tiếp tục xây dựng Thủ đô nghìn năm văn hiến ngày càng hiện đại và văn minh.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU TRONG THỜI GIAN TỚI:
Năm 2010 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Năm cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 – 2010); năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XV, tiến tới Đại hội XI của Đảng; năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và dân tộc, đặc biệt là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vì vậy, Thành phố cần bám sát chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tình hình mới, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chỉ đạo quyết liệt để giành kết quả cao hơn về mọi mặt, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Trước hết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cần làm tốt công tác tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong đó tập trung 2 nhiệm vụ quan trọng: đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng và làm tốt công tác văn hóa, thông tin tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; gắn với hoạt động kỷ niệm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm hợp lực của toàn xã hội, sự ủng hộ của Trung ương, các địa phương, nhân dân cả nước nhằm tạo một niềm tin lớn cho nhân dân cả nước phấn khởi, tự tin vào tương lai của dân tộc, của đất nước.
- Làm tốt công tác giữ vững, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng, quân sự địa phương; Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các hội nghị quốc tế lớn trên địa bàn, nhất là Hội nghị cấp cao các nước ASEAN sắp tới được tổ chức ở Thủ đô.
- Tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Rà soát, hoàn thiện các quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và vốn; tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư cho các công trình, dự án có hiệu quả, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng; chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2010 với tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng cao hơn 10%, gắn với kiềm chế lạm phát.
- Làm tốt công tác quy hoạch đô thị, cùng với quá trình thẩm định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Thủ đô, phải làm ngay các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, bảo đảm sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt, các quy hoạch ngành cũng được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào cuối năm 2010. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần khẩn trương lập và ban hành Quy chế quản lý xây dựng sau khi Quy hoạch chung Hà Nội được duyệt. Chú trọng chất lượng quy hoạch và công tác quản lý các quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt, cần có kế hoạch triển khai các dự án đầu tư (các tuyến trục xuyên tâm, các đường vành đai, các dự án đầu tư xây dựng cầu, …), trong đó lưu ý các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội nhất là hạ tầng giao thông đô thị (Hà Nội là địa phương có tiềm năng rất lớn trong việc thu hút vốn từ xã hội cho đầu tư phát triển). Ưu tiên các nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
- Tăng cường công tác quản lý đô thị, tạo chuyển biến mạnh trong công tác quản lý đất đai, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn, quan trọng của thành phố; công tác quản lý trật tự đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng và trật tự giao thông, khắc phục tiến tới giảm dần ùn tắc giao thông đô thị, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong đó lưu ý công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và văn hóa của người dân trong việc chấp hành quy định về giao thông đường bộ, gắn với tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường đô thị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; rà soát, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường, cảnh quan của Thành phố.
- Tiếp tục phát triển các lĩnh vực văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tạo chuyển biến mạnh trong việc xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội thanh lịch và văn minh. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Tăng cường mở rộng hoạt động đối ngoại, tạo nguồn lực cho sự phát triển và nâng cao vị thế của Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA THÀNH PHỐ:
1. Về dự án Luật Thủ đô: Ủy ban nhân dân Thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ theo quy trình ban hành Luật; nhất trí có những cơ chế đặc thù theo hướng phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho Thành phố. Trong dự án Luật Thủ đô cần nêu rõ tính đặc thù, vị trí quan trọng của Thủ đô và đề xuất quy định nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan của Thành phố cho phù hợp.
Từ nay đến khi Luật Thủ đô được ban hành, Thành phố phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất cụ thể những cơ chế đặc thù trong quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Đối với các dự án đầu tư lớn
a) Về cơ chế, chính sách:
- Cho phép áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư đàm phán đối với các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT như kiến nghị của Thành phố, cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường 69; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 70 theo quy hoạch: đoạn Hà Đông – Văn Điển và đoạn từ đường Láng – Hòa Lạc đến Nhổn; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 6 – đoạn trên địa bàn Thành phố đã được Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho Thành phố quản lý; dự án cải tạo môi trường các hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Đồng ý cho Thành phố thực hiện thí điểm đầu tư một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lớn theo hình thức đầu tư Nhà nước – Tư nhân (PPP) nhằm khai thác và huy động các nguồn vốn, đẩy mạnh tiến độ đầu tư tầng kỹ thuật đô thị, giải quyết các nhu cầu bức xúc dân sinh trên địa bàn. Trên cơ sở khung chính sách đầu tư theo hình thức PPP được phê duyệt (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ), Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn thành phố thực hiện đầu tư theo hình thức PPP đối với các dự án: Xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – các đoạn còn lại trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Xây dựng một số tuyến đường bộ trên cao (theo các tuyến đường: Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng, Ngã tư Vọng – Minh Khai – cầu Vĩnh Tuy, Ngã tư Sở - Cầu Giấy, Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương, Mương La Pho – Cống Đõ (đường Bưởi); Cải tạo sông Tô Lịch; xây dựng tuyến giao thông Nhật Tân – Nội Bài.
- Tiếp tục thực hiện các dự án thủy lợi cấp bách: tiêu thoát nước chống úng ngập cho Hà Nội, cấp nước đô thị, tiếp nước cải tạo làm sống lại các sông: sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch …, tu bổ cải tạo, nâng cấp đê, kè sông Hồng, sông Đà, sông Đuống đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt, bão cho Thủ đô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 08/TB-VPCP ngày 06 tháng 01 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ và công văn số 455/TTg-KTN ngày 31 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ động cân đối từ vốn ngân sách hàng năm của Thành phố, nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
- Đối với các dự án nhóm A đã phân cấp cho Thành phố, khi thực hiện Thành phố xin ý kiến thỏa thuận của các Bộ, ngành chuyên môn về quy hoạch ngành, lĩnh vực, yêu cầu các Bộ, ngành hướng dẫn Thành phố thực hiện theo hướng cải cách thủ tục hành chính.
b) Về huy động các nguồn vốn:
- Về nguyên tắc, đồng ý cho phép Hà Nội được vay vốn của các tổ chức tài chính nước ngoài, hợp tác đầu tư theo hình thức PPP (cả trong nước và nước ngoài) để thực hiện các dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, xử lý môi trường.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh sách ngắn các dự án vận động ODA để tạo nguồn triển khai một số dự án lớn của Hà Nội như: dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 – đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Ga Hà Nội – Hoàng Mai, dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn tại Yên Xá – Thanh Trì.
- Giao thành phố Hà Nội làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn cụ thể để đầu tư cho một số công trình có quy mô đầu tư lớn, nhu cầu cấp bách như: Đường Mai dịch – Nội Bài (giai đoạn 1 và 2); Đường vành đai 2: đoạn Trường Chinh – Đại La – Minh Khai; Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Giao Bộ Xây dựng tổng hợp, đánh giá chung và đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ cho vay vốn đầu tư (khoảng 2.000 – 3.000 tỷ đồng) không lãi để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn Thành phố.
- Giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phối hợp với Thành phố Hà Nội rà soát và bổ sung, hỗ trợ ngân sách Thành phố Hà Nội đảm bảo đủ nguồn vốn cho các công trình, dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long theo danh mục do Thành phố đề nghị.
c) Về giải phóng mặt bằng:
- Về việc thực hiện Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ:
+ Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp làm việc với Thành phố về việc thực hiện Điều 122 Luật Đất đai và Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ để giải quyết theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh cho các dự án trên địa bàn Thủ đô.
+ Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định về Quỹ phát triển đất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Giao Bộ Xây dựng tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc áp dụng nhà ở tái định cư là một dạng nhà ở xã hội để có các cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, bố trí, huy động nguồn vốn phù hợp, tạo điều kiện để Thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án trên địa bàn.
- Giao Bộ Tài chính hướng dẫn Thành phố việc phân bổ nguồn vốn thu từ đất vào kế hoạch ngân sách hàng năm để ứng vốn xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc cụ thể với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xử lý các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng theo các chính sách chung và chính sách đặc thù đối với Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc và các dự án tại khu vực Hòa Lạc trên địa bàn huyện Thạch Thất.
3. Về chống ùn tắc giao thông:
a) Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông
- Giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, giải quyết kiến nghị của Thành phố về việc đưa các dự án hạ tầng giao thông lớn của Thành phố như các tuyến đường sắt, đường bộ trên cao, đường sắt ngầm … vào danh mục các công trình giao thông trọng điểm để tập trung nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sớm khắc phục ùn tắt giao thông Thủ đô trước mắt cũng như lâu dài (cụ thể: Các tuyến đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông, tuyến Nhổn – ga Hà Nội, tuyến Nam Thăng Long – Thượng Đình, tuyến Yên Viên – Ngọc Hồi; Các đường vành đai 3,5 vành đai 4, vành đai 5).
b) Các biện pháp tăng cường quản lý
- Giao Bộ Công an khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú và đề xuất các quy định nhằm hạn chế sự tăng dân số cơ học tại các đô thị đặc biệt như thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Giao Bộ Công an phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số loại phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và một số thành phố lớn khác.
- Giao Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành quy định khung mức tăng phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện cá nhân lưu hành trên địa bàn các thành phố lớn cũng như tăng mức xử phạt cao hơn quy định hiện hành đối với một số hành vi vi phạm quy định về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm … để các địa phương quy định phù hợp với tình hình thực tế nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, tạo thêm nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân.
c) Về một số đề nghị cụ thể
- Giao các Bộ: Xây dựng, Giáo dục – Đào tạo, Y tế, Công thương đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt Quy hoạch ngành (mạng lưới các trường đại học và bệnh viện lớn) trong vùng Thủ đô cũng như trên địa bàn Thành phố, đẩy nhanh tiến độ di chuyển cơ sở đào tạo, y tế và nhà máy ra ngoài khu vực trung tâm; sau khi di chuyển, giao cơ sở hiện có trong nội thành để Thành phố quản lý, đầu tư để thực hiện mục tiêu giảm mật độ, dân số và tăng cường công trình công ích, công cộng. Trước mắt, không cho phép xây thêm làm tăng mật độ tại các trường Đại học, các bệnh viện và các nhà máy hiện có trong nội thành Hà Nội.
- Giao Bộ Tài chính sớm hoàn chỉnh, trình Thủ tướng sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách di dời các cơ quan, trụ sở, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô và đề xuất cơ chế giao cho Thành phố Hà Nội tiếp nhận, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất của các Bộ, ngành sau khi di chuyển nơi làm việc đến địa điểm mới.
- Giao Bộ Xây dựng phối hợp với Thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết (hoặc Nghị định) thay thế Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP của Chính phủ về cải tạo nhà chung cư cũ theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế, cư dân và nhà nước cùng tham gia đầu tư để bảo đảm cải thiện nhà ở cho người dân, cải tạo, xây dựng các khu nhà ở đồng bộ với việc mở rộng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, xã hội và phù hợp với quy hoạch; đồng thời phối hợp với Thành phố Hà Nội đề xuất quy chế quản lý, khai thác sử dụng các khu đô thị, các khu chung cư phù hợp với thực tế của Thủ đô.
- Đồng ý về chủ trương cho phép Thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu liên cơ quan hành chính Thành phố theo hình thức Hợp đồng BT trên cơ sở phù hợp với định hướng của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Thành phố thực hiện theo quy định của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
- Đồng ý giao Thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư dự án xây dựng Cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà.
- Đồng ý về chủ trương cho Hà Nội thành lập Sở Phòng cháy chữa cháy để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, giao Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Công an và Bộ Nội vụ xây dựng đề án, trình duyệt theo quy định.
- Về việc bổ sung biên chế, trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội: Thành phố phối hợp với Bộ Công an thực hiện tốt Đề án Tăng cường hiện đại hóa công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT theo quyết định 617/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
- Yêu cầu các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của các đơn vị và tại các tỉnh, thành phố theo đúng chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Thành phố Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban ngành đôn đốc, phối hợp với các cơ quan liên quan có trụ sở, nơi làm việc trên địa bàn thành phố thực hiện trang trí, sơn tường, hàng rào, trụ sở, nơi làm việc …một số tuyến đường, trục chính theo ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 292/TTg-KGVX ngày 11 tháng 2 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Giao Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch diễu binh, diễu hành theo nghi thức quốc gia tại Lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào sáng ngày 10 tháng 10 năm 2010, tại Quảng trường Ba Đình; Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Thường trực Tổng Đạo diễn Chương trình này.
- Đồng ý tổ chức Khai mạc 10 ngày Đại lễ, bắt đầu vào sáng ngày 1 tháng 10 năm 2010 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm; tổ chức Đêm hội văn hóa nghệ thuật chào mừng 1000 năm Thăng Long vào tối ngày 10 tháng 10 năm 2010 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây