Thông báo 223/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với tỉnh Bình Dương
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Thông báo 223/TB-VPCP
Cơ quan ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 223/TB-VPCP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Thông báo |
Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 23/08/2010 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Lĩnh vực khác |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Số: 223/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2010 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TỈNH BÌNH DƯƠNG
Ngày 10 tháng 8 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Tham dự cuộc họp với lãnh đạo Tỉnh có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải và Tài nguyên và Môi trường. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) và 7 tháng đầu năm 2010; nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong các năm qua: tăng trưởng kinh tế GDP bình quân trong 5 năm (2006 - 2010) đạt 14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó công nghiệp - xây dựng 63%; dịch vụ 32,6%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,4%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%; tổng vốn đầu tư xã hội tăng bình quân 14,7%/năm, gấp 1,98 lần so với năm 2005.
Trong 6 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng GDP của Tỉnh đạt 12,9%, trong đó công nghiệp và xây dựng tăng 9,6%; dịch vụ tăng 22%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 54.900 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ; thu ngân sách ước thực hiện trên 10.500 tỷ đồng, tăng 42%; chi ngân sách 3.400 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo có sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả tốt: thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1% theo chuẩn mới; giải quyết việc làm mới cho trên 46.000 lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp thấp nhất cả nước (dưới 18%). Công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, để Bình Dương tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đi liền với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh với cơ cấu lao động công nghiệp và phát triển hạ tầng đồng bộ, cần chú trọng các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế và bảo vệ môi trường bền vững.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản thống nhất với mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp của Tỉnh đề ra cho thời gian tới, nhấn mạnh thêm một số điểm:
1. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đã đề ra, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo (2011 - 2015).
2. Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần chỉ đạo, tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp. Nghị quyết Đại hội cần xác định, cụ thể hóa từng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm thiết thực và có tính khả thi cao, nhất là khâu tổ chức thực hiện; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội, thực hiện đúng quy trình, quy hoạch cán bộ, gắn với nâng cao hiệu quả công việc.
3. Xây dựng tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, trong đó Tỉnh cần phân tích, làm rõ những kết quả đạt được và kinh nghiệm để tiếp tục phát huy; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để có giải pháp khắc phục; tiếp tục huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương là Tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi, đất đai bằng phẳng và nền đất thuận lợi trong xây dựng cơ bản với suất đầu tư thấp, có các trục lộ giao thông huyết mạch của quốc gia, gần sân bay quốc tế và các cảng biển để phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong đó chú trọng:
- Rà soát, cập nhật quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch các ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, trong đó chú trọng quy hoạch các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị. Quy hoạch và phát triển đô thị cần tính toán đồng bộ từ nhà ở đến các công trình phúc lợi để trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Quy hoạch đô thị Bình Dương phải hiện đại về kiến trúc từ nhà ở đến hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước và gắn với quy hoạch vùng.
- Huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, trước hết là hạ tầng giao thông và các hạ tầng kỹ thuật quan trọng, bức thiết; làm tốt công tác cải cách hành chính để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp công nghệ cao và các dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến; phấn đấu trong 5 năm tới đạt tốc độ tăng trưởng trên 13%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ.
4. Tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; đặc biệt là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động (nhà ở, tiền lương…) và kiểm soát tốt vấn đề bảo vệ môi trường; tiếp tục giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về việc tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu để lại cho ngân sách địa phương từ 40% lên 50%: Bộ Tài chính làm việc cụ thể với Tỉnh, đề xuất xử lý chung theo hướng tạo điều kiện cho địa phương có nguồn lực phục vụ phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về việc đầu tư nhà máy nhiệt điện: Tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển nguồn điện theo hướng sử dụng nguồn nhiên liệu sạch, đảm bảo môi trường; Nhà nước khuyến khích đầu tư, xây dựng nhà máy điện sử dụng công nghệ khí hóa lỏng;
3. Về việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư ký túc xá sinh viên: đồng ý, Tỉnh làm việc với Bộ Xây dựng các cơ quan liên quan bổ sung vào danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 để thực hiện.
4. Về việc vay vốn từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình quan trọng, bức thiết: đồng ý về nguyên tắc, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xem xét cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây