VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------------------ Số: 171/TB-VPCP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------------- Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 2012 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA HỘI NHẬP QUỐC TẾ VỀ GIÁO DỤC VÀ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ TẠI PHIÊN HỌP CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Ngày 27 tháng 4 năm 2012, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh; đại biểu mời dự có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo; ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận:
Hoạt động hợp tác quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai từ nhiều năm qua và đạt được các kết quả tích cực. Tuy nhiên, hoạt động này còn phân tán, trùng lắp, thiếu tính kế thừa, hiệu quả chưa cao, chưa có nhiều nhiệm vụ cấp quốc gia, tạo sự đột phá trong phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ của đất nước. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định đất nước ta chuyển sang giai đoạn chiến lược phát triển mới với nhiều thời cơ mới trong hội nhập quốc tế với các nước là đối tác chiến lược, các nước mạnh về giáo dục và khoa học, công nghệ, có quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam; mạng lưới cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài không ngừng mở rộng; quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế có uy tín không ngừng phát triển. Bên cạnh đó cũng có một số thách thức xuất hiện trong quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ. Đó là việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế nước ta từ bề rộng sang chiều sâu cần dựa vào các lợi thế về nhân lực, lợi thế ứng dụng khoa học, công nghệ của quốc gia; giáo dục và khoa học, công nghệ được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước nên đã tạo ra cả động lực và sức ép để 2 lĩnh vực này có sự chuyển biến tích cực; hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa nền giáo dục và khoa học của đất nước trong khi các cơ hội hợp tác quốc tế là có giới hạn và tính cạnh tranh cao; các nguồn lực phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ của quốc gia còn nhiều hạn chế vì vậy cần có sự đổi mới tư duy, cách làm, hoàn thiện thể chế về tổ chức và quản lý để các nguồn lực này được sử dụng có hiệu quả cao.
Để chuẩn bị triển khai mạnh mẽ chương trình hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ, thời gian tới cần tập trung làm tốt một số việc trọng tâm sau đây:
1. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Báo cáo khái quát bằng văn bản việc triển khai các hoạt động hợp tác quốc tề về khoa học và công nghệ do Bộ chủ trì, gửi các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
b) Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ của Đề án hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại Quyết định số 735/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2011. Đối với các chương trình, nhiệm vụ có tính liên ngành cần tập trung báo cáo Ban Chỉ đạo.
c) Chuẩn bị danh mục các nhiệm vụ quốc gia thực hiện hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ (bao gồm cả các nhiệm vụ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam), gửi các thành viên Ban Chỉ đạo cuối tháng 6 năm 2012, trước khi báo cáo tại phiên họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo dự kiến trong tháng 7 năm 2012.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 7 năm 2012.
b) Chuẩn bị danh mục các Đề án, Dự án hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo của quốc gia, có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương, gửi các thành viên Ban Chỉ đạo cuối tháng 6 năm 2012, trước khi báo cáo tại phiên họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo.
3. Bộ Ngoại giao:
a) Báo cáo về hiện trạng mạng lưới cơ quan đại diện giáo dục và khoa học, công nghệ của Việt Nam ở nước ngoài và thuộc các Ủy ban hợp tác song phương với các nước, các kiến nghị cần thiết để phát huy hiệu quả các mạng lưới và Ủy ban hợp tác song phương trên lĩnh vực giáo dục và khoa học, công nghệ, gửi các thành viên Ban Chỉ đạo vào cuối tháng 6 năm 2012.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch khảo sát tại một số nước đối tác chiến lược về giáo dục và khoa học, công nghệ vào cuối năm 2012 và năm 2013.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan rà soát, hướng dẫn cụ thể cơ chế quản lý hoạt động hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ của các Bộ, ngành, địa phương để có quy định tạm thời trong trường hợp cần thiết, báo cáo tại phiên họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo.
4.Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, hướng dẫn cụ thể cơ chế tài chính cho hoạt động hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ của các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo tại phiên họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo.
5. Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị cấu phần hội nhập quốc tế về dạy nghề trong Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục.
6. Giao Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ động xây dựng đề án hội nhập quốc tế của cơ quan mình, báo cáo tại phiên họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo.
7. Giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh chủ động đề xuất các nội dung cần thiết mà Ban Chỉ đạo cần quan tâm, hỗ trợ để phát triển nhanh hai Khu công nghệ cao trong thời gian tới, báo cáo tại phiên họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo.
8. Về hoạt động của Ban Chỉ đạo:
a) Các thành viên Ban chỉ đạo góp ý bằng văn bản Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo quốc gia, gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 2012 để hoàn thiện, ban hành chính thức.
b) Giao Văn phòng Chính phủ:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất thành lập Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia;
- Chủ trì xây dựng tài liệu tóm tắt các quan điểm, nguyên tắc và các nhiệm vụ chủ yếu của việc tổ chức hoạt động hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ ở cấp quốc gia.
c) Phiên họp tiếp theo của Ban chỉ đạo sẽ mời đại biểu của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Bộ, ngành có liên quan tham dự.
d) Ban Chỉ đạo chuẩn bị dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ, trình Ban Bí thư vào cuối năm 2012; xây dựng Báo cáo quốc gia hàng năm về hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ, trước mắt xây dựng Báo cáo năm 2012, dự kiến công bố vào tháng 01 năm 2013.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để b/c); - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Ban Tuyên giáo Trung ương; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; - Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; - Các thành viên BCĐQG Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Cổng TTĐT; - Lưu: Văn thư, KGVX (4). | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Hữu Vũ |