- 1. Thẻ ghi nợ quốc tế là gì? Có những loại nào?
- 1.1 Thẻ ghi nợ quốc tế là gì?
- 1.2 Có những loại thẻ ghi nợ quốc tế nào?
- 2. Đặc điểm của thẻ ghi nợ quốc tế
- 3. Thẻ ghi nợ quốc tế có những tính năng nào?
- 4. Ưu, nhược điểm khi sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế
- 4.1 Ưu điểm của thẻ ghi nợ quốc tế
- 4.2 Nhược điểm của thẻ ghi nợ quốc tế
1. Thẻ ghi nợ quốc tế là gì? Có những loại nào?
1.1 Thẻ ghi nợ quốc tế là gì?
Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về thẻ ghi nợ như sau:
2. Thẻ ghi nợ (debit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài khoản thanh toán của chủ thẻ mở tại tổ chức phát hành thẻ.
Hiện nay có 02 loại thẻ hi nợ là thẻ ghi nợ nội địa và thẻ ghi nợ quốc tế. Trong đó, thẻ ghi nợ quốc tế được sử dụng để thanh toán các sản phẩm và dịch vụ trên toàn thế giới.
Thẻ ghi nợ quốc tế thường được sử dụng bởi những ai thường xuyên đi du lịch, đi công tác ở nước ngoài,… theo đó người sử dụng thẻ có thể dễ dàng rút tiền mặt ngoại tệ, thực hiện chuyển khoản…một cách nhanh chóng.
1.2 Có những loại thẻ ghi nợ quốc tế nào?
Hiện nay có 02 loại thẻ ghi nợ quốc tế được sử dụng phổ biến nhất là: Thẻ Visa và thẻ MasterCard. Cụ thể:
1.2.1 Thẻ ghi nợ quốc tế Visa (Visa Debit)
Thẻ ghi nợ quốc tế Visa (Visa Debit) là loại thẻ được phát hành bởi các ngân hàng có liên kết với tổ chức Visa. Theo đó, các giao dịch sẽ được thục hiện thông qua nền tảng thanh toán an toàn Verified by Visa.
Thẻ ghi nợ quốc tế Visa Debit được sử dụng để chi tiêu trên phạm vi toàn thế giới và thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ có logo Visa.
1.2.2 Thẻ ghi nợ quốc tế MasterCard
Thẻ ghi nợ quốc tế MasterCard được phát hành bởi các ngân hàng có liên kết với tổ chức MasterCard Worldwide, trong đó các giao dịch được tiến hành thông qua nền tảng thanh toán SecureCode.
Tương tự như Thẻ ghi nợ quốc tế Visa Debit, thẻ ghi nợ quốc tế MasterCard cũng được sử dụng để chi tiêu trên phạm vi toàn thế giới và thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ có logo MasterCard.
2. Đặc điểm của thẻ ghi nợ quốc tế
Phần trên đã giải thích tương đối cụ thể về thẻ ghi nợ quốc tế là gì. Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật của thẻ ghi nợ quốc tế:
- Thẻ ghi nợ quốc tế liên kết trực tiếp tới tài khoản ngân hàng của khách hàng. Do đó, khi thực hiện giao dịch, ngân hàng sẽ trừ trực tiếp số tiền chi tiêu vào tài khoản ngân hàng của khách hàng sử dụng thẻ.
- Khách hàng chỉ có thể chi tiêu với số tiền có sẵn trong thẻ mà không được tiêu trước trả sau như thẻ tín dụng.
- Thẻ ghi nợ quốc tế có thể được sử dụng cả trong và ngoài nước.
- Khi rút tiền ở các cây ATM khác ngân hàng hay ở nước ngoài sẽ bị tính thêm phí giao dịch quốc tế. Mức phí này sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng.
3. Thẻ ghi nợ quốc tế có những tính năng nào?
Với những tính năng nổi bật góp phần giúp cho giao dịch thanh toán trở nên thuận lợi hơn, thẻ ghi nợ quốc tế được khá nhiều người ưa chuộng và sử dụng phổ biến. Một số tính năng của thẻ ghi nợ quốc tế phải kể đến như:
- Rút tiền mặt tại ATM: Theo đó, khách hàng không cần đến ngân hàng mà có thể rút tiền trực tiếp tại ATM hay máy POS với phí thấp hoặc không mất phí.
- Liên kết ví điện tử: Việc liên kết thẻ ghi nợ quốc tế với các ví điện tử như ví Momo, ví Shopee, ví Zalo Pay,…khách hàng có thể dễ dàng mua sắm và thực hiện thanh toán.
- Chuyển tiền 24/7: Với thẻ ghi nợ quốc tế, khách hàng có thể chuyển tiền nội bộ hoặc liên ngân hàng tại các máy ATM hoặc thực hiện online qua các app.
- Gửi tiết kiệm trực tuyến: Khách hàng có thể mở sổ tiết kiệm online trên các ứng dụng (app) của ngân hàng mà không cần phải đến tận điểm giao dịch để làm thủ tục.
4. Ưu, nhược điểm khi sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế
Không chỉ dừng lại ở việc hiểu thẻ ghi nợ quốc tế là gì và đặc điểm của thẻ ghi nợ quốc tế mà còn cần nắm rõ những ưu, nhược điểm của thẻ ghi nợ quốc tế để có thể lựa chọn hình thức thẻ phù hợp. Các ưu, nhược điểm khi sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế như sau:
4.1 Ưu điểm của thẻ ghi nợ quốc tế
- Khách hàng có thể thực hiện giao dịch, thanh toán mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn trong hay ngoài nước cũng như loại ngoại tệ.
- Thẻ ghi nợ quốc tế hiện nay hầu như đều được gắn chip bảo mật, do đó việc sử dụng thẻ được đảm bảo hơn, hạn chế tình trạng bị đánh căp dữ liệu.
Đồng thời, khách hàng dễ dàng kiểm soát các giao dịch, quản lý chi tiêu thông qua các ứng dụng của ngân hàng.
- Thẻ ghi nợ quốc tế có thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, có thể mang theo người, do đó việc thanh toán có thể được thực hiện ở mọi lúc mọi nơi, tiện lợi hơn rất nhiều so với việc cầm tiền mặt để thanh toán.
- Hưởng lãi suất từ số dư trong thẻ dù số dư trong tài khoản không phải tiền gửi nhưng vẫn được hưởng mức lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng phát hành thẻ.
4.2 Nhược điểm của thẻ ghi nợ quốc tế
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật nêu trên, việc sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế cũng có một số nhược điểm nhất định:
- Khi sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế để chuyển tiền, khách hàng có thể sẽ bị mất phí chuyển đổi ngoại tệ;
- Do không có tính năng trả sau nên khách hàng muốn sử dụng thẻ cần phải nạp tiền vào trước.
- Chủ thẻ không được chi tiêu vượt quá số dư tối thiểu có trong thẻ.
5. Hạn mức thẻ ghi nợ quốc tế là bao nhiêu?
5.1 Hạn mức rút tiền của thẻ ghi nợ quốc tế
Hiện nay, hạn mức rút tiền tại cây ATM của mỗi ngân hàng sẽ khác nhau, tuy nhiên hạn mức này sẽ thường dao động tối đa từ 05 - 20 triệu đồng/giao dịch và từ 50 - 100 triệu đồng/ngày.
Trường hợp rút tiền tại ngân hàng thì hầu hết các ngân hàng cho phép rút hết số tiền tối đa có trong thẻ, chỉ có một số ngân hàng giới hạn số tiền rút mỗi ngày.
5.2 Hạn mức chuyển tiền của thẻ ghi nợ quốc tế
Hạn mức chuyển tiền của thẻ ghi nợ quốc tế cũng phụ thuộc vào từng ngân hàng, theo đó mỗi ngân hàng sẽ quy định hề hạn mức chuyển tiền khác nhau.
Thông thường thì hạn mức chuyển tiền sẽ dao động từ 500 triệu - 01 tỷ đồng, nếu khách hàng thuộc nhóm VIP sẽ có hạn mức cao hơn.
6. Hướng dẫn mở thẻ ghi nợ quốc tế
6.1 Điều kiện mở thẻ ghi nợ quốc tế
Hiện nay, việc sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế tương đối phổ biến và thông dụng. Căn cứ Điều 15 Thông tư 18/2024/TT-NHNN, khách hàng chỉ cần đáp ứng điều kiện dưới đây là có thể mở thẻ ghi nợ quốc tế:
- Đối với chủ thẻ chính là cá nhân:- Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Đối với chủ thẻ chính là tổ chức: pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp. Chủ thẻ là tổ chức được ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân sử dụng thẻ của tổ chức đó hoặc cho phép cá nhân sử dụng thẻ phụ.
- Đối với chủ thẻ phụ:
Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó (chủ thẻ chính) đồng ý bằng văn bản
6.2 Các bước mở thẻ ghi nợ quốc tế
6.2.1 Mở Thẻ ghi nợ quốc tế tại ngân hàng
Bước 01:
Điền thông tin vào Đơn xin mở thẻ ghi nợ của ngân hàng
Bước 02:
Xuất trình các giấy tờ:
- Giấy chứng minh thu nhập của bạn trong vòng 03 tháng, sao kê lương của ngân hàng và các giấy tờ liên quan.
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân bản gốc hoặc bản sao đã được công chứng, chứng thực.
Bước 03:
Giao dịch viên tiếp nhận hồ sơ, sau đó thực hiện xác minh, thẩm định lại thông tin của khách hàng.
Bước 04:
- Trường hợp hồ sơ, thông tin hợp lệ, ngân hàng sẽ tiến hành mở thẻ ghi nợ quốc tế cho khách hàng.
- Giao dịch viên nhập thông tin cá nhân của khách hàng vào hệ thống quản lý, hẹn ngày cấp thẻ và mã thông tin cho khách.
- Yêu cầu khách hàng ký tên vào biên lai và đăng ký chữ ký mẫu xác nhận tại ngân hàng.
Bước 05:
Khách hàng đến nhận thẻ theo ngày hẹn ghi trên biên lai.
6.2.2 Mở thẻ ghi nợ quốc tế online
Bước 01:
Truy cập vào website ngân hàng bạn muốn mở thẻ.
Bước 02:
Tìm, tải và điền biểu mẫu mở thẻ có sẵn.
Bước 03:
Upload các thông tin cá nhân như: Tên, địa chỉ, thông tin Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân, thông tin tài chính cá nhân…
Bước 04:
Hoàn tất và đợi liên hệ nhận thẻ.
6.3 Phí khi mở thẻ ghi nợ quốc tế là bao nhiêu?
Phí làm thẻ ghi nợ quốc tế cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm khi làm thẻ. Theo đó, phí mở thẻ như sau:
- Phí phát hành
Loại phí này được thu khi khách hàng có nguyện vọng mở thẻ tại ngân hàng. Cụ thể, sau khi đã hoàn thành đầy đủ thủ tục giấy tờ pháp lý liên quan, ngân hàng sẽ yêu cầu chủ thẻ nộp một khoản phí cho ngân hàng để được nhận thẻ. Mức phí này sẽ khoảng từ 50 - 100.000 đồng, tùy từng ngân hàng.
Với dịch vụ phát hành thẻ nhanh, mức phí cho dịch vụ mở thẻ theo yêu cầu từ 100 - 200.000 đồng. Biểu phí này tùy từng đơn vị và có mức điều chỉnh khác nhau.
Trường hợp không may làm mất thẻ hoặc hư hỏng, khi muốn cấp lại thẻ, khách hàng phải nộp khoản phí phát hành tối thiểu là 50.000 đồng.
- Phí thường niên:
Đây là khoản phí khách hàng thường xuyên phải nộp để duy trì hoạt động của thẻ. Nếu khách hàng không nộp đúng theo quy định của ngân hàng sẽ bị khóa thẻ. Khi đó, muốn mở lại thẻ khách hàng phải đến ngân hàng giải trình và nộp phạt. Thông thường, phí thường niên phải nộp cho thẻ chính sẽ nhiều hơn thẻ phụ khoảng 15%.
7. 5 lưu ý để sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế an toàn, hiệu quả
Khi sử dụng thẻ, khách hàng sẽ đặc biệt quan tâm tới việc làm thế nào để sử dụng thẻ được an toàn, hiệu quả. Dưới đây là một số lưu ý với khách hàng khi sử dụng thẻ:
- Thứ nhất, hạn chế việc dùng chung hay cho người khác mượn thẻ: Khi cho người khác sử dụng chung thẻ hoặc mượn thẻ, nguy cơ bị lộ thông tin là rất cao. Hơn nữa, do giao dịch thanh toán bằng thẻ tương đối dễ dàng nên khi để lộ thông tin thẻ, chủ thẻ có thể bị mất tiền trong tài khoản.
- Thứ hai, nên đăng ký nhận thông báo khi phát sinh giao dịch thanh toán qua SMS: Việc đăng ký bảo mật sẽ giúp cho khách hàng kịp thời phát hiện những giao dịch không tin cậy và bằng thông báo cho ngân hàng khóa tài khoản, tránh mất tiền oan.
- Thứ ba, chỉ nên giao dịch ở những nơi uy tín: Việc mua hàng trực tuyến nên mua trực tiếp từ website chính hãng, uy tín thay vì các đường liên kết trung gian để hạn chế rủi ro đánh cắp thông tin.
- Thứ tư, thay đổi mã PIN, mật khẩu sử dụng Internet Banking định kỳ: Khách hàng không nên đặt mã PIN và mật khẩu sử dụng Internet Banking quá đơn giản, đồng thời thay đổi các thông tin này định kỳ (ít nhất 06 tháng/lần) để đảm bảo tính bảo mật.
- Thứ năm, tuyệt đối không được cung cấp thông tin, ảnh chụp thẻ cho người lạ và những tổ chức không uy tín bởi có thể căn cứ vào thông tin trên thẻ, các đối tượng sẽ thực hiện các chiêu trò lừa đảo khiến chủ thẻ mất tiền oan. Khi đó, việc lấy lại tiền sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
8. Ngân hàng nào mở thẻ ghi nợ quốc tế uy tín?
Hiện nay, có rất nhiều ngân hàng phát hành thẻ ghi nợ quốc tế để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Dưới đây là một số ngân hàng cho phép mở thẻ ghi nợ quốc tế được đánh giá là uy tín:
- Ngân hàng VPBank: Phát hành thẻ Visa Debit.
- Ngân hàng số Cake by VPBank: Phát hành thẻ Mastercard Debit.
- Ngân hàng Vietinbank: Phát hành thẻ Visa Debit.
- Ngân hàng Sacombank: Phát hành thẻ Mastercard Debit hoặc Visa Debit.
- Ngân hàng TPBank: Phát hành thẻ Visa Debit.
- Ngân hàng Techcombank: Phát hành thẻ Visa Debit.
- Ngân hàng MBBank: Phát hành thẻ Visa Debit.
- Ngân hàng VIB: Phát hành thẻ Mastercard Debit...
Đáng lưu ý, các ngân hàng được liệt kê trên đây hiện nay đã cho phép khách hàng mở thẻ online, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu mở thẻ.
Trên đây là toàn bộ vấn đề liên quan đến Thẻ ghi nợ quốc tế là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.