1. Thất nghiệp là gì?
Thất nghiệp là tình trạng khi người lao động có khả năng làm việc nhưng lại không có việc, đang đi tìm việc làm.
2. Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2023 và mục tiêu năm 2024
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14,6 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2023 là 2,28%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm trước
Tại Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 2024 số 103/2023/QH15, Quốc hội đặt mục tiêu năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 4%.
3. Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp là gì?
Bất kỳ quốc gia nào cũng đều có hiện tượng thất nghiệp, tùy theo sự phát triển của mỗi đất nước mà mức độ thất nghiệp khác nhau. Vậy nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp là gì? Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản thấy được từ thị trường lao động Việt Nam:
- Chuyên môn, năng suất lao động thấp
Ngày nay, với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, mặc dù nguồn lao động Việt dồi dào, nhưng lao động trẻ thiếu kỹ năng và tay nghề, không đáp ứng được nhu cầu cho công việc. Cụ thể là trình độ ngoại ngữ còn yếu, tình trạng học ở trường chưa đủ nhu cầu giao tiếp thực tế và phục vụ cho công việc có kỹ năng chuyên môn.
- Thiết bị công nghệ hiện đại thay thế con người
Với sự phát triển của máy móc, thiết bị tự động thì các doanh nghiệp đã tìm cách tận dụng vào quy trình sản xuất, dẫn đến sẽ cắt giảm chi phí nhân công. Nếu người lao động không có kỹ năng điều khiển máy móc, thì sẽ bị mất việc.
- Mức lương chưa hấp dẫn so với năng lực
Ví dụ cụ thể đó là Cử nhân Đại học mới ra trường thường yêu cầu mức lương cao hơn năng lực. Và nhiều lao động có tay nghề, chuyên môn đang loay hoay kiếm việc làm vì họ cho rằng mức lương của thị trường đưa ra chưa xứng đáng với trình độ của họ.
4. Ảnh hưởng của thất nghiệp đến xã hội
Thất nghiệp dẫn đến người lao động không có việc làm, không có thu nhập. Kéo theo nhiều khó khăn cho gia đình họ và gây ra nhiều tác động cho xã hội. Những ảnh hưởng tiêu cực dễ thấy nhất của tình trạng thất nghiệp là:
Nghèo đói: Kinh tế khó khăn, con cái họ có thể không được đi học, người lao động không có chỗ ở, sức khỏe giảm sút,...
Tỷ lệ tội phạm gia tăng: Do thất nghiệp thiếu kinh tế sẽ đẩy con người vào đường cùng, chán nản với cuộc sống, tăng khả năng tham gia vào các hoạt động trái phép.
Chính trị bất ổn: Thất nghiệp xảy ra khiến người dân nảy sinh tâm lý không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính quyền, có thể dẫn đến tình trạng biểu tình, phản đối,...gây rối loạn cho xã hội.
5. Một số chính sách dành cho người thất nghiệp hiện nay
Luật Việc làm đã đưa ra chính sách dành cho người thất nghiệp khi mất việc làm (khi đáp ứng các điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp) như sau:
Trợ cấp thất nghiệp
Theo Điều 50 của Luật Việc làm, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Trong đó, thời gian hưởng tối đa là 12 tháng.
Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Theo Điều 54 của Luật Việc làm, người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Hỗ trợ học nghề
Ngoài được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, được giới thiệu việc làm, người lao động thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề nếu đáp ứng đủ các điều kiện:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ khi chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc chấm dứt hợp đồng để hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (trừ một số trường hợp đặc biệt).
Với những chia sẻ trên, phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề thất nghiệp là gì? Thất nghiệp là tình trạng mà ở bất cứ xã hội nào cũng xảy ra, nhưng tùy vào mỗi quốc gia mà có mức độ khác nhau.
Ở Việt Nam, để đáp ứng và giải quyết vấn đề về thất nghiệp, chính phủ đã có những chính sách và biện pháp hỗ trợ kịp thời.