- 1. Tập trung dân chủ là gì? Cho ví dụ
- 2. Nội dung của tập trung dân chủ trong Đảng cộng sản Việt Nam
- 3. 5 nguyên tắc tập trung dân chủ trong nhà nước Việt Nam
- 3.1. Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân
- 3.2. Cấp dưới phục tùng cấp trên
- 3.3. Nguyên tắc về phân cấp quản lý
- 3.4. Nguyên tắc hướng về cơ sở
- 3.5. Nguyên tắc phụ thuộc hai chiều
1. Tập trung dân chủ là gì? Cho ví dụ
Tập trung dân chủ là một nguyên tắc của hoạt động Đảng, được kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố “tập trung” và “dân chủ” để tạo thành một thể thống nhất. Theo đó, dân chủ là điều kiện tiền đề của tập trung, còn tập trung là cơ sở cho dân chủ được thực hiện.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc căn bản nhất trong 5 nguyên tắc của hoạt động Đảng, đóng vai trò chi phối các nguyên tắc khác. Thực hiện tốt tập trung dân chủ sẽ giúp công cuộc xây dựng Đảng được trong sạch và vững mạnh hơn.
Để hiểu thêm về khái niệm tập trung dân chủ là gì, chúng tôi sẽ đưa ra ví dụ cụ thể như sau:
Tập trung dân chủ thể hiện ở chính sách tập trung quyền lực vào nhân dân thông qua cơ quan nhà nước. Bản chất của nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân. Nhà nước dân chủ là dân chủ thật sự, dân chủ trực tiếp.
Trong bản Hiến pháp 2013 đã ghi nhận nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Sự thống nhất, phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong lập pháp, hành pháp, tư pháp chính là quyền lực nhà nước.
Như vậy có thể thấy rằng, nhân dân được sử dụng quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan do chính họ bầu ra để thay họ thực hiện những quyền lực đó.
2. Nội dung của tập trung dân chủ trong Đảng cộng sản Việt Nam
Nội dung của tập trung dân chủ được thể hiện trong Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam năm 2011, bao gồm:
- Thực hiện cơ chế bầu cử để lập ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Mọi thành viên có quyền ngang nhau trong biểu quyết các công việc chung của đơn vị. Nêu cao tinh thần xây dựng tập thể. Tập thể lãnh đạo hoạt động và các cá nhân tự chịu trách nhiệm.
- Đại hội đại biểu toàn quốc là lãnh đạo cao nhất của Đảng. Trong mỗi cấp lại phân chia theo đại hội đại biểu, đại hội đảng viên. Các cấp, các bộ phận phối hợp, kiểm soát, thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị. Bộ máy hoạt động giữa các cấp từ cơ sở đến cấp cao đều có tác động và ràng buộc lẫn nhau.
- Cấp ủy các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Chứng tỏ được khả năng thực hiện nhiệm vụ được phân công. Thông báo định kỳ đến các tổ chức Đảng về tình hình hoạt động của mình, thực hiện phê bình và tự phê bình.
- Đảng viên nghiêm túc chấp hành nghị quyết Đảng, theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.
- Các ý kiến đóng góp, biểu quyết được thực hiện bình đẳng. Nghị quyết chỉ có giá trị thi hành khi được 50% thành viên đồng ý.
- Những ý kiến thiểu số được phép báo cáo lên cấp trên. Cấp ủy có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét ý kiến và không phân biệt đối xử giữa các đảng viên thiểu số.
- Các tổ chức Đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi của mình nhưng không được trái với nguyên tắc Đảng và pháp luật nhà nước. Tổ chức Đảng giữ vai trò định hướng cho đường lối chung của đất nước.
3. 5 nguyên tắc tập trung dân chủ trong nhà nước Việt Nam
Hoạt động quản lý nhà nước Việt Nam thực hiện theo 5 nguyên tắc tập trung dân chủ sau đây:
3.1. Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân
Người dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan quyền lực do chính họ bầu ra để thay họ thực hiện quyền lực đó. Cơ quan quyền lực nhà nước có quyền nhất định trong việc thành lập hoặc giải thể các cơ quan cùng cấp.
Hội đồng nhân dân lập ra ủy ban nhân dân để thực hiện việc quản lý hành chính ở địa phương. Các cơ quan hành chính luôn chịu sự giám sát, chỉ đạo và chịu trách nhiệm báo cáo với cơ quan quyền lực nhà nước.
Tất cả những sự phụ thuộc qua về đó đều thể hiện sự thống nhất trong hoạt động, đảm bảo phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.
3.2. Cấp dưới phục tùng cấp trên
Sự phục tùng này là cơ sở để cấp trên thực hiện trách nhiệm chỉ đạo và giám sát cấp dưới hoạt động. Nếu không có sự phục tùng của cấp dưới đối với cấp trên, quá trình quản lý sẽ bị buông lỏng, làm nảy sinh tình trạng vô chính phủ.
3.3. Nguyên tắc về phân cấp quản lý
Trung ương có quyền quyết định trong những vấn đề then chốt, có ý nghĩa chiến lược, đảm bảo sự phát triển cân đối của toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn trao quyền cho các đơn vị địa phương để phát huy tính chủ động và sáng tạo trong quản lý, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
3.4. Nguyên tắc hướng về cơ sở
Nguyên tắc này thể hiện việc các cơ quan hành chính mở rộng dân chủ trên cơ sở quản lý tập trung với toàn bộ hoạt động của hệ thống đơn vị. Các đơn vị đó là tế bào của nền kinh tế, trực tiếp sản xuất sản phẩm, được nhà nước bảo hộ và có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh.
3.5. Nguyên tắc phụ thuộc hai chiều
Nguyên tắc phụ thuộc hai chiều được thể hiện ở mối phụ thuộc ngang và dọc.
Mối phụ thuộc ngang tạo điều kiện cho cấp dưới tự chủ, phát huy thế mạnh tại địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp trên giao phó. Mối phụ thuộc dọc là nền tảng để cấp trên tập trung quyền lực cho chỉ đạo cấp dưới hoạt động.
Hai mối phụ thuộc này tạo nên một hoạt động chung thống nhất về lợi ích giữa nhà nước với địa phương, giữa ngành và các vùng lãnh thổ.
4. Tập trung dân chủ có ý nghĩa như thế nào?
Tập trung dân chủ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của Đảng và công tác quản lý của nhà nước:
- Tập trung dân chủ giúp tập trung được sức mạnh và thống nhất ý chí của Đảng. Toàn bộ tinh thần, năng lực được tập trung để đóng góp vào sự nghiệp chung. Đây là yếu tố cần thiết giúp Đảng hoạt động và phát triển.
- Tập trung dân chủ giúp phát huy quyền làm chủ của đảng viên và các cán bộ, có sự lãnh đạo và triển khai công việc của người đứng đầu.
- Tập trung dân chủ tạo điều kiện cho việc rèn luyện và giáo dục đảng viên, phát huy trí tuệ của nhà nước. Tăng cường và thúc đẩy thường xuyên những tư tưởng tiến bộ trong tổ chức.
5. Vì sao tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản của Đảng?
Tập trung dân chủ được xem là nguyên tắc cơ bản của Đảng, và chi phối các nguyên tắc khác bởi những đặc điểm và vai trò mà tập trung dân chủ mang lại:
- Tập trung dựa trên dân chủ, dân chủ bảo đảm sự tập trung. Giữ vững được việc tập trung thì mới có thể mở rộng dân chủ. Dân chủ càng phát triển, tập trung càng vững chắc.
- Cơ sở của tập trung là dân chủ và ngược lại, tập trung chỉ có thể hiệu quả khi dân chủ thật sự được phát huy.
- Tập trung dân chủ là nguyên tắc xây dựng Đảng trở thành một tổ chức chặt chẽ, phát huy được sức mạnh cá nhân nhưng cũng tạo ra sức mạnh của tổ chức.
- Tập trung dân chủ giúp Đảng xây dựng được đội ngũ kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của tất cả cán bộ, đảng viên.
- Tập trung dân chủ bảo đảm cho Đảng là một tổ chức lãnh đạo, tập trung được toàn bộ trí tuệ và sức mạnh vật chất vào hoạt động quản lý của Đảng.
Trên đây là toàn bộ nội dung để làm rõ khái niệm tập trung dân chủ là gì. Mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, góp phần xây dựng Đảng tiến bộ, trong sạch, văn minh. Mọi vấn đề vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ.