Tàng trữ trái phép chất ma túy: Mức phạt mới nhất 2025

Tàng trữ trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật phổ biến và đang có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên trên thực tế không phải ai cũng hiểu rõ về hành vi vi phạm này để phân biệt với các hành vi khác như: Vận chuyển trái phép chất ma túy, buôn bán trái phép chất ma túy…

1. Thế nào là tàng trữ trái phép chất ma túy?

“Tàng trữ trái phép” được hiểu là hành vi cất giấu, giấu giếm một lượng vật thể, hàng hóa nào đó ở bất cứ đâu như: Trong nhà, ngoài vườn, trong xe, trong người,… trái với quy định của pháp luật.

Tại Thông tư liên tịch số 17/2007 giải thích “chất ma túy” là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.

Như vậy, có thể hiểu “tàng trữ trái phép chất ma túy” là cất giấu, cất giữ một cách trái pháp luật chất ma túy ở bất cứ đâu (giấu trên người hoặc một địa điểm nào đó) mà không nhằm mục đích để buôn bán hay vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy.

Tại Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 có quy định về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, theo đó các yếu tố cấu thành tội này như sau:

- Về mặt chủ thể: Chủ thể của Tội tàng trữ trái phép chất ma túy là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, với người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội tàng trữ trái phép chất ma túy khi phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

- Về mặt khách thể: Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý chất ma túy.

- Về mặt khách quan: Tàng trữ trái phép chất ma túy được thực hiện dưới các hành vi cất giấu, cất giữ bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ đâu mà không nhằm mục đích để buôn bán hay sản xuất, vận chuyển chất ma túy.

Ngoài ra, hậu quả của hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy không phải là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm.

- Về mặt chủ quan: Người phạm Tội tàng trữ trái phép chất ma túy thực hiện hành vi vi phạm với lỗi cố ý. Tức, họ biết hành vi của mình có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho người khác và xã hội, xâm phạm đến các mối quan hệ được pháp luật bảo vệ nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra.

2. Phân biệt tàng trữ trái phép chất ma túy với vận chuyển trái phép chất ma túy

Thực tế, có không ít người đã nhầm lẫn giữa hai hành vi “tàng trữ trái phép chất ma túy” và “vận chuyển trái phép chất ma túy”. Dưới đây là một số điểm khác biệt cơ bản giữa hai hành vi này.

- Về khái niệm:

+ Tàng trữ trái phép chất ma túy: Là hành vi cất giấu, cất giữ bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ đâu như trên người, trong túi xách, trong nhà, ngoài vườn… mà không nhằm mục đích vận chuyển, buôn bán hay sản xuất trái phép ma túy để thu lợi.

+ Vận chuyển trái phép chất ma túy: Là hành vi dịch chuyển chất ma túy trái phép bằng bất cứ phương tiện nào, trên mọi tuyến đường: đường bộ, đường sắt, đường biển,… mà không nhằm mục đích sản xuất, buôn bán hay tàng trữ trái phép chất ma túy.

- Về dấu hiệu cấu thành tội phạm:

+ Mặt khách quan: Tàng trữ trái phép chất ma túy được thực hiện thông qua hành vi cất giấu, cất giữ ma túy trái phép.

Trong khi đó, vận chuyển trái phép chất ma túy được thực hiện qua việc sử dụng các phương tiện để dịch chuyển ma túy từ nơi này đến nơi khác mà không nhằm mục đích tàng trữ hay buôn bán trái phép ma túy.

+ Mặt chủ quan: Hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, nhằ mục đích sử dụng ma túy hoặc mục đích khác mà không phải để buôn bán, vận chuyển, sản xuất trái phép ma túy.

Với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy cũng được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp nhưng không nhằm mục đích tàng trữ, buôn bán, sản xuất trái phép chất ma túy…

Xem thêm:… 

tang tru trai phep chat ma tuy
Tàng trữ trái phép chất ma túy bị phạt thế nào? (Ảnh minh họa)

3. Xử phạt hành chính tàng trữ trái phép chất ma túy

Trường hợp tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy có thể bị xử phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng (theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện của người có hành vi vi phạm. Trường hợp là người nước ngoài tàng trữ trái phép chất ma túy còn bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

4. Tàng trữ trái phép chất ma túy đi tù bao nhiêu năm?

Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định cụ thể về các mức phạt đối với Tội tàng trữ trái phép chất ma túy như sau:

Khug hình phạt

Hành vi phạm tội

Mức phạt

Hình phạt chính

Khung 01

Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc đã bị kết án về Tội này hoặc một trong các tội: Vận chuyển trái phép chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy…, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 - dưới 500g;

- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 - dưới 05g;

- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy có khối lượng từ 01 - dưới 10kg;

- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 - dưới 50kg;

- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 - dưới 10kg;

- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 - dưới 20g;

- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 - dưới 100ml;

- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.

Phạt tù từ 01 - 05 năm

Khung 02

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Có tổ chức;

- Phạm tội 02 lần trở lên;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

- Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500g - dưới 01kg;

- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 - dưới 30g;

- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy có khối lượng từ 10 - dưới 25kg;

- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 - dưới 200 kg;

- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 - dưới 50 kg;

- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 - dưới 100g;

- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 -dưới 250ml;

- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự.

- Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tù từ 05 - 10 năm

Khung 03

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 - dưới 05kg;

- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 - dưới 100g;

- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy có khối lượng từ 25 - dưới 75kg;

- Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 - dưới 600kg;

- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 - dưới 150kg;

- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 - dưới 300g;

- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 - dưới 750ml;

- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều 149 Bộ luật Hình sự.

Phạt tù từ 10 - 15 năm

Khung 04

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05kg trở lên;

- Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100g trở lên;

- Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy có khối lượng 75kg trở lên;

- Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600kg trở lên;

- Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150kg trở lên;

- Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300g trở lên;

- Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750ml trở lên;

- Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều 249 Bộ luật Hình sự.

Phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc tù chung thân.

Hình phạt bổ sung

- Phạt tiền từ 05 - 500 triệu đồng;

- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Tàng trữ trái phép bao nhiêu ma túy thì bị tử hình?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, khung hình phạt cao nhất với Tội tàng trữ trái phép chất ma túy là từ 15 - 20 năm tù hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

-Tàng trữ trái phép nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05kg trở lên;

- Tàng trữ trái phép Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100g trở lên;

- Tàng trữ trái phép lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy có khối lượng 75kg trở lên;

- Tàng trữ trái phép quả thuốc phiện khô có khối lượng 600kg trở lên;

- Tàng trữ trái phép quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150kg trở lên;

- Tàng trữ trái phép các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300g trở lên…

Như vậy, có thể thấy, theo quy định hiện hành thì không quy định hình phạt tử hình đối với người phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy mà chỉ quy định mức phạt cao nhất là tù chung thân.

6. Tàng trữ trái phép chất ma túy có được hưởng án treo không?

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng dựa trên những căn cứ sau đây:

- Người được xem xét áp dụng án treo là người bị phạt tù không quá 03 năm;

- Căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Tòa án quyết định việc cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách là từ 01 - 05 năm (căn cứ theo khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015).

Về điều kiện hưởng án treo được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018, theo đó một người được xem xét cho hưởng án treo khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Bị phạt tù không quá 03 năm;

- Có nhân thân tốt;

- Đảm bảo có đủ tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng hoặc trường hợp có tình tiết tăng nặng thì số tình tiết giảm nhẹ phải lớn hơn theo quy định pháp luật;

- Có nơi tạm trú, thường trú rõ ràng hoặc có nơi làm việc ổn định;

- Người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Như vậy, theo các quy định nêu trên, người phạm tội tàng trữ trái phép ma túy sẽ được xem xét cho hưởng án treo khi:

- Bị xử lý hình sự về Tội này theo khung hình phạt thứ nhất có mức phạt tù từ 01 - 05 năm.

- Đồng thời, đáp ứng các điều kiện khác như: Nhân thân tốt, có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội...

Trên đây là giải đáp về Tàng trữ trái phép chất ma túy. Nếu vẫn còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.

>> Người dưới 18 tuổi nghiện ma túy: Có bắt buộc phải đi cai nghiện?

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục