- 1. Súc vật là gì?
- 1.1 Khái niệm về súc vật là gì?
- 1.2 Các đặc điểm của súc vật
- 2. Súc vật và thú dữ khác gì nhau?
- 3. Quy định về trách nhiệm và bồi thường do súc vật gây ra
- 3.1 Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
- 3.2 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
- 4. Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến súc vật
1. Súc vật là gì?
1.1 Khái niệm về súc vật là gì?
Hiện nay, dựa trên pháp luật thì vẫn chưa có khái niệm chính xác nào được đưa ra về súc vật là gì. Nhưng theo từ điển định nghĩa thì các loài động vật hoang dã được con người thuần hóa và huấn luyện thành thú nuôi trong nhà được gọi là súc vật.
Khi đã được con người thuần dưỡng, súc vật sẽ trở nên lành tính và dễ dàng sống thân thiện với mọi người. Tùy từng đặc điểm riêng của mỗi loài thì chúng sẽ có mục đích riêng phù hợp phục vụ cho nhu cầu của con người.
1.2 Các đặc điểm của súc vật
Từ định nghĩa trên, có thể thấy bản chất của súc vật là từ động vật hoang dã với bản năng, đặc tính của loài thú dễ dàng để con người có thể thuần hóa được. Với các đặc điểm đó, súc vật được sử dụng với nhiều mục đích trong đời sống con người như: công nghiệp, nông nghiệp, thể thao, giải trí, cứu hộ,...
Súc vật có thể thuần hóa, huấn luyện gồm các loại: gia súc, thú cưng, vật nuôi,...
Ví dụ: Chó được huấn luyện phục vụ trong quân đội, trâu giúp nông dân cày cấy.
2. Súc vật và thú dữ khác gì nhau?
Cũng giống như súc vật, thú dữ chưa có định nghĩa, quy định rõ ràng nào về mặt pháp lý. Dù bản chất của súc vật và thú dữ đều từ là loài động vật hoang dã, nhưng giữa chúng lại có sự khác biệt rõ ràng.
Cùng xem qua những điểm khác biệt giữa thú dữ và súc vật ở bảng dưới đây:
Thú dữ |
Súc vật |
|
Khái niệm |
Được mô tả là những loài động vật hoang dã ăn thịt, to lớn, hung hăng,... Ví dụ: Hổ, sư tử, gấu, chó sói,... |
Là loài động vật hoang dã đã được con người thuần hóa, huấn luyện thành thú nuôi trong nhà. Ví dụ: Chó, mèo, trâu, bò, ngựa,... |
Thuần dưỡng |
Không chấp nhận việc bị kiểm soát và chống đối mạnh mẽ khi bị đe dọa bởi con người. |
Dễ dàng để con người có thể thuần dưỡng và huấn luyện. |
Mức độ nguy hiểm |
Theo Bộ Luật dân sự 2015 tại khoản 1 Điều 601 liệt kê thú dữ vào danh mục các loại nguồn nguy hiểm cao độ. |
Bản chất của súc vật đều không dữ để có thể đe dọa, gây hại đến sức khỏe và tính mạng của con người. |
3. Quy định về trách nhiệm và bồi thường do súc vật gây ra
Khi súc vật đã được thuần hóa, chúng sẽ có khuynh hướng chấp nhận sự kiểm soát và nhận lệnh từ con người. Tuy nhiên cũng có trường hợp súc vật vượt khỏi tầm kiểm soát của con người gây ra các thiệt hại về tài sản và sức khỏe của người khác.
3.1 Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Vậy căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật là gì. Theo Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015:
-
Yêu cầu bồi thường đối với người nào có các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe hoặc uy tín, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác (trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác).
-
Đối với trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc do hoàn toàn lỗi của bên bị thiệt hại, thì không cần phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc quy định khác).
-
Đối với trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu tài sản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (ngoại trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định ở Khoản 2 đã nêu trên).
3.2 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
Tại Điều 603 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại có nội dung như sau:
-
Đối với chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Đối với người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật (ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
-
Đối với trường hợp hoàn toàn lỗi do người thứ ba khiến cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người đó phải bồi thường thiệt hại. Còn nếu cả người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường.
-
Đối với trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây ra thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường. Còn nếu do chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường.
-
Đối với trường hợp chủ sở hữu súc vật thả rông theo tập quán mà gây ra thiệt hại, thì người đó đó phải bồi thường theo tập quán đúng với pháp luật, không được trái đạo đức xã hội.
4. Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến súc vật
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đối với các hành vi như sau:
Đối với người điều khiển xe máy: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi: Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe có hành vi bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh.
Đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc của giao thông đường bộ:
- Phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với các hành vi sau:
-
Không đủ dụng cụ đựng chất thải hoặc dọn không sạch chất thải do súc vật thải ra trên đường phố.
-
Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường, khu vực cấm, phần đường của xe cơ giới.
-
Để súc vật đi trên đường bộ không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông.
-
Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển.
- Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ.
- Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với hành vi dẫn dắt, điều khiển xe súc vật đi vào đường cao tốc.
Đối với vi phạm quy định về việc quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Cảnh cáo hoặc phạt từ 60.000 - 100.000 đồng đối với cá nhân chăn dắt súc vật ở mái đường, buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường, hoặc cọc tiêu, biển báo, rào chắn, công trình phụ trợ của giao thông đường bộ.
Đối với người đua xe, cổ vũ đua xe trái phép: Phạt từ 01 - 02 triệu đồng đối với các hành vi chạy đua trái pháp như đua xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô, xe do súc vật kéo, cưới súc vật.
Đối với vi phạm về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt: Cảnh cáo hoặc phạt từ 300.000 - 500.000 đồng đối với cá nhân và từ 600.000 đồng - 01 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi chăn thả súc vật, mua bán hàng hóa, họp chợ trên đường sắt hoặc trong phạm vi công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Với những thông tin ở bài viết trên, hy vọng các bạn đã hiểu về khái niệm súc vật là gì cũng như nắm rõ các quy định của pháp luật. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ ngay cho LuatVietnam theo số: 19006192 .