Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy là gì?

Khi có cháy nổ xảy ra, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy sẽ giúp mọi người có thể nhận biết được nơi bố trí các thiết bị, phương tiện chữa cháy. Vậy sơ đồ đó là gì?

1. Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy có bắt buộc?

Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy có bắt buộc? (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ theo Điều 20 Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10, quy định cơ sở được bố trí trên phạm vi nhất định, có người quản lý, hoạt động và cần thiết phải có phương án phòng cháy chữa cháy độc lập, đảm bảo thực hiện các yêu cầu cơ bản dưới đây:

- Có quy định và nội quy an toàn phòng cháy chữa cháy.

- Có biện pháp phòng cháy.

- Có hệ thống báo cháy, chữa cháy và ngăn cháy đảm bảo phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở đó.

- Có phương án chữa cháy, thoát nạn và cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan tại cơ sở.

- Bố trí kinh phí cho các hoạt động về phòng cháy chữa cháy.

- Có hồ sơ theo dõi và quản lý hoạt động phòng cháy chữa cháy.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, có quy định về việc đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở như sau:

- Cơ sở thuộc danh mục nêu tại Phụ lục III và Phụ lục IV được ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, đã được thay thế bởi Phụ lục III và Phụ lục IV kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP phải đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy cụ thể như sau:

  • Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ/biển chỉ dẫn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn phù hợp với các quy chuẩn và tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy hoặc đảm bảo đáp ứng các điều kiện Bộ Công an quy định.

Như vậy, theo các quy định trên, có thể thấy rằng có 02 nhóm đối tượng bắt buộc phải có sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, đó là:

  • Cơ sở thuộc quản lý phòng cháy chữa cháy của cơ quan công an (theo danh mục tại Phụ lục III của Nghị định số 50/2024/NĐ-CP), ví dụ như:

+ Trụ sở của cơ quan nhà nước cấp huyện trở lên.

+ Nhà chung cư cao 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3.

+ Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có từ 100 trẻ trở lên hoặc tổng khối tích của các khối học tập và phục vụ cho học tập từ 1.000m3 trở lên.

+ Bệnh viện, phòng khám đa khoa/chuyên khoa, nhà dưỡng lão, trung tâm y tế,... cao từ 3 tầng trở lên hoặc tổng khối tích từ 1.000m3 trở lên.

+ Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách hoặc cơ sở lưu trú khác cao từ 5 tầng trở lên hoặc tổng khối tích của những khối nhà phục vụ cho lưu trú từ 2.500m3 trở lên.

+ Và các cơ sở khác theo quy định.

  • Cơ sở thuộc quản lý của UBND cấp xã (theo danh mục tại Phụ lục IV của Nghị định số 50/2024/NĐ-CP), ví dụ như:

+ Trụ sở của cơ quan nhà nước cấp xã.

+ Nhà cung cư dưới 5 tầng và khối tích dưới 5.000m3.

+ Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non dưới 100 trẻ trở lên và tổng khối tích của các khối học tập và phục vụ cho học tập dưới  1.000m3.

+ Bệnh viện, phòng khám đa khoa/chuyên khoa, nhà dưỡng lão, trung tâm y tế,... dưới 3 tầng và tổng khối tích dưới 1.000m3.

+ Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách hoặc cơ sở lưu trú khác dưới 5 tầng trở lên và tổng khối tích của những khối nhà phục vụ cho lưu trú dưới 2.500m3.

+ Và các cơ sở khác theo quy định.

2. Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy là gì?

Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy là gì? (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, quy định phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể khái niệm sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy là gì.

Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy là bảng đặt cố định, được sử dụng để chỉ dẫn cho người dân biết được vị trí đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy hoặc chỉ dẫn các lối thoát hiểm trong trường hợp xảy ra cháy nổ.

Sơ đồ thoát hiểm phải được đặt ở nơi dễ dàng nhìn thấy và có nhiều người thường xuyên qua lại, ví dụ như: cửa ra vào, thang máy, cầu thang bộ. Điều này để đảm bảo tất cả mọi người khi bước vào sẽ dễ dàng nhìn thấy sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy.

Căn cứ tiểu mục 5.2.9 Mục 5.2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13456:2020 về PCCC - Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn - Yêu cầu thiết kế, lắp đặt thì kích thước của sơ đồ chỉ dẫn PCCC phụ thuộc vào đặc tính và tính chất hoạt động, diện tích tầng, phòng; phương án thoát nạn nhưng đảm bảo không nhỏ hơn:

  • 600x400mm: Đối với sơ đồ chỉ dẫn PCCC tại tầng.

  • 400x300mm: Đối với sơ đồ chỉ dẫn PCCC tại phòng.

3. Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy gồm nội dung gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 149/2020/TT-BCA, có thể thấy sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy phải được thể hiện các nội dung bao gồm: Đường, lối thoát nạn, vị trí bố trí phương tiện và thiết bị chữa cháy của khu vực và tầng nhà.

Tùy theo tính chất và đặc điểm hoạt động cụ thể của cơ sở mà sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy có thể được tách thành các sơ đồ chỉ dẫn riêng biệt để thể hiện một hay một số nội dung nêu trên.

Việc thể hiện những nội dung chỉ dẫn như trên tại sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy nhằm mục đích khi có sự cố cháy nổ xảy ra thì mọi người có thể nhanh chóng tìm được phương án để di chuyển thoát nạn an toàn.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy gồm những nội dung: Đường, lối thoát nạn, vị trí bố trí phương tiện và thiết bị chữa cháy của khu vực và tầng nhà.

Trên đây là những thông tin về Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy là gì?
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục