ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ----------------------- Số: 26/2011/QĐ-UBND | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------------------ TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 05 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ LẦN THỨ IX VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGẬP NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
------------------------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX;
Căn cứ Chương trình hành động số 13-CTrHĐ/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước tại Tờ trình số 1402/TTr-TTCN ngày 13 tháng 12 năm 2010 dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015. Điều 2. Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố quản lý căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung Kế hoạch này để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố quản lý chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH Lê Hoàng Quân |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ LẦN THỨ IX
VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGẬP NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011
của Ủy ban nhân dân thành phố)
Để tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động số 13-CTrHĐ/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2010 - 2015, Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát:
Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm thành phố (khoảng 100km2); kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới trên 5 vùng còn lại (khoảng 580km2); giai đoạn 2016 - 2020, giải quyết cơ bản ngập nước do mưa tại 5 lưu vực ngoại vi và phần diện tích còn lại của thành phố.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Giai đoạn 2011 - 2015:
Giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều tại khu vực trung tâm (diện tích 100km2, dân số khoảng 3,3 triệu người); phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu, kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực bắc Tàu Hũ, Tân Hóa - Lò Gốm (các quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần các quận 6, 8, Bình Thạnh), khắc phục tình trạng ngập do thi công, hạn chế phát sinh các điểm ngập mới.
Đối với 5 vùng thoát nước còn lại (580 km2, dân số khoảng 3,4 triệu người), phấn đấu giảm 70% các điểm ngập nước do mưa, 50% các điểm ngập do triều; kiểm soát, ngăn chặn không cho phát sinh điểm ngập mới.
2.2. Giai đoạn 2016 - 2020:
Giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa tại 5 vùng thoát nước và phần diện tích còn lại của thành phố vào năm 2020.
Mở rộng khu vực bảo vệ chống ngập ngoài phạm vi nghiên cứu quy hoạch tiêu thoát nước (khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh).
2.3. Giai đoạn 2021 - 2025:
Giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa; giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do lũ và triều, có xét đến hiện tượng mực nước biển dâng cao trong tương lai trên toàn địa bàn thành phố.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng:
1.1. Trên cơ sở các quy hoạch Chính phủ phê duyệt và kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học trong, ngoài nước, rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch theo hướng quy hoạch tích hợp để giảm thiểu nguy cơ ngập, làm cơ sở cho việc định hướng đầu tư ưu tiên trong từng giai đoạn, nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, nâng cao hiệu quả quản lý công tác chống ngập trên địa bàn. Tập trung quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng: đối với các khu vực nội thành hiện hữu (13 quận cũ), khu nội thành phát triển (6 quận mới), các khu dân cư nông thôn và khu đô thị mới tại 5 huyện trong vùng bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè thuộc hệ thống đê bao khép kín, có quy định khống chế cao độ nền xây dựng, chú trọng hoàn thiện mặt phủ, tăng diện tích cây xanh, thảm cỏ.
1.2. Tăng cường quản lý các quỹ đất, bảo đảm diện tích mặt nước, hệ thống sông rạch phục vụ tiêu thoát nước và chống ngập; quản lý chặt quỹ đất nông nghiệp, bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước (chiều rộng từ 50 - 800m) để hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái (chiều rộng từ 2.000 - 3.000m) dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè.
- Quản lý chặt chẽ việc san lấp và xây dựng công trình trên sông, kênh, rạch, đầm hồ công cộng; quy hoạch tổng thể hệ thống và xây dựng các hồ điều tiết tại khu vực phù hợp, giảm sự gia tăng dòng chảy để hỗ trợ tiêu thoát nước; bảo đảm diện tích các khu đất ngập nước tại những nơi có địa hình thấp, diện tích sông rạch và tạo cảnh quan đô thị.
- Phải tính toán các tiêu chí về các yếu tố mưa, triều, lũ, sinh thái khi xem xét lập hồ sơ các dự án, thiết kế công trình để khi đưa vào sử dụng bảo đảm tính bền vững thích ứng với biển đổi khí hậu. Tăng cường công tác quản lý đô thị, xây dựng những quy định phù hợp về bù đắp diện tích mặt nước bị san lấp và ngăn chặn việc gia tăng hệ số chảy tràn; quy định các biện pháp chế tài mạnh để bảo vệ có hiệu quả hệ thống cống thoát nước, kênh rạch, vùng đệm, vùng điều tiết nước.
1.3. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu công tác xóa, giảm ngập nước:
- Ưu tiên nguồn vốn ODA cho đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, các công trình hồ điều tiết, đê bao và các cống kiểm soát triều; có kế hoạch bảo đảm đầu tư ngân sách để phát triển hệ thống thoát nước, hệ thống kiểm soát triều.
- Khuyến khích, huy động các nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng hệ thống thoát nước, đặc biệt là các nhà máy xử lý nước thải.
- Xây dựng lộ trình tăng phí thoát nước đảm bảo đến năm 2015, phí thoát nước đáp ứng đủ cho nhu cầu quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, xử lý môi trường nước.
2. Nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp giảm ngập nước, từng bước xóa ngập trên địa bàn
2.1. Tập trung chỉ đạo xử lý có hiệu quả các điểm ngập nước hiện hữu; chủ động phối hợp với các Bộ - ngành Trung ương tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án thoát nước mưa, kiểm soát triều; thực hiện các giải pháp kỹ thuật thoát nước cấp bách, nạo vét thông thoáng dòng chảy tại các cửa xả, kênh rạch bị lấn chiếm nhằm kéo giảm mức độ ngập.
2.2. Kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm trái phép để thực hiện việc nạo vét kênh rạch, kết hợp với chỉnh trang đô thị:
- Khẩn trương hoàn thành quy hoạch xây dựng 1/2000, xác định mép bờ cao, xác định chính xác hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch để phục vụ cho công tác giải tỏa lấn chiếm kênh rạch trái phép.
Phấn đấu đến cuối năm 2014 thực hiện cơ bản chương trình giải tỏa các khu nhà lụp xụp trên kênh rạch làm cơ sở cho nhiệm vụ nạo vét, thông thoáng kênh, rạch thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.
Giai đoạn 2012 - 2015 thực hiện xong cơ bản chương trình chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch, tạo khoảng lưu không phù hợp để tăng diện tích vùng đệm điều tiết nước và tạo cảnh quan cho đô thị.
- Xây dựng những quy định cụ thể về vị trí các tuyến đê, đê kết hợp giao thông trong chỉ giới đường sông để bảo đảm thuận lợi khi xây dựng, gia cố, sửa chữa; đồng thời hạn chế tình trạng lấn chiếm, bảo vệ an toàn cho tuyến đê và tăng dung tích chứa nước khi có mưa, triều, lũ.
- Tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư cho người dân tại các dự án, công trình đê bao, nạo vét kênh rạch phục vụ tiêu thoát nước; đồng thời kiên quyết di dời các trường hợp lấn chiếm xây cất trên kênh rạch, cửa xả, hệ thống thoát nước.
2.3. Đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, khống chế tình trạng phát sinh khu vực ngập mới:
- Các dự án phát triển đô thị, xây dựng khu dân cư mới phải được quy hoạch cốt nền phù hợp, xây dựng hệ thống thoát nước đầy đủ, kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước của khu vực.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; khắc phục tình trạng xâm hại gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước hiện hữu và gây ngập do thi công các công trình.
- Tiếp tục thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước cũ tại khu vực trung tâm để kết nối đồng bộ với hệ thống mới; bít, hủy các tuyến cống không còn phát huy tác dụng để khắc phục tình trạng xuống cấp gây lún sụp và tái ngập nước. Xây mới hệ thống thoát nước trục chính tại 5 vùng thoát nước còn lại và các khu đô thị mới, xử lý nghiêm các trường hợp san lấp, lấn chiếm kênh rạch, cửa xả, hệ thống thoát nước bảo đảm diện tích mặt phủ thấm nước và dung tích chứa nước mưa.
- Nghiên cứu, xây dựng các quy định về bù đắp diện tích mặt nước bị san lấp và ngăn chặn việc gia tăng hệ số chảy tràn; quy định chế tài các vi phạm để bảo vệ hệ thống cống thoát nước, kênh rạch, vùng đệm, vùng điều tiết nước; cơ chế, chính sách phát triển các không gian điều tiết nước trong các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị; tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng vật liệu lát vỉa hè, công viên phù hợp để tránh bê tông hóa.
- Rà soát, bổ sung các giải pháp công nghệ quản lý nước mưa đô thị; nghiên cứu lập quy hoạch khu vực điều tiết nước kiểu mẫu cho một số khu vực thoát nước để tạo tiền đề cho việc triển khai diện rộng trên địa bàn, nhằm ngăn chặn phát sinh và kiểm soát ngập lụt, để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong thi công các công trình thoát nước, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch như đê, kè, v.v… bảo đảm tính bền vững, hiệu quả kinh tế cao và mỹ quan đô thị.
- Có kế hoạch cải tạo, nâng cấp các tuyến cống thoát nước để giải quyết tình trạng ngập cho các khu vực đô thị hóa (quận 5, 6, 11, 12, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, huyện Bình Chánh), tiến tới hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát nước khu vực Trung tâm, Tây và Bắc thành phố.
3. Bảo đảm tiến độ thực hiện các chương trình, dự án chống ngập trên địa bàn:
3.1. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thoát nước, chống ngập giai đoạn 2005 - 2010:
- Dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè;
- Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 1 và 2;
- Dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm;
- Dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên giai đoạn 1;
- Dự án hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum và cải tạo kênh Ba Bò;
- Dự án đê bao Bờ hữu sông Sài Gòn từ Vàm Thuật (quận 12) đến Tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi) và bờ tả sông Sài Gòn (từ cầu Bình Phước đến rạch Cầu Ngang, quận Thủ Đức).
3.2. Tập trung vốn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện các dự án đê bao và cống kiểm soát triều, nạo vét các kênh rạch thoát nước quan trọng; các dự án tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho các vùng phía Bắc, Tây, Đông - Nam, Đông - Bắc và vùng phía Nam thành phố:
- Xây dựng hệ thống đê bao; bờ hữu sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật - quận Bình Thạnh đến Kinh Lộ huyện Nhà Bè và từ Tỉnh lộ 8 đến Bến Súc huyện Củ Chi; bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang - quận Thủ Đức tới khu Thủ Thiêm - quận 2). Xây dựng 7 cống kiểm soát triều quy mô lớn cùng các cống kiểm soát triều quy mô vừa và nhỏ.
- Nạo vét kênh rạch thoát nước quan trọng, kết hợp với chỉnh trang đô thị và ứng dụng công nghệ mới trong bảo vệ bờ sông, kênh rạch.
- Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thoát nước để phát triển đồng bộ, nâng cao khả năng thoát nước cho vùng trung tâm và một số khu vực ngoại vi.
- Xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom nước thải cho các nhà máy xử lý nước thải: lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, Nam Tham Lương, Tây Sài Gòn, suối Nhum và lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2.
4. Tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước:
4.1. Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tăng cường trao đổi, hợp tác khoa học - công nghệ với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các viện, trường đại học đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thoát nước đô thị. Mở rộng các chuyên ngành đào tạo tại các trường dạy nghề để đào tạo đội ngũ công nhân chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống thoát nước, các nhà máy xử lý nước thải.
4.2. Tập trung nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của biến đổi khí hậu; xây dựng chiến lược tích hợp để nâng cao khả năng thích nghi và ứng phó ngập lụt; nâng cao năng lực quan trắc và dự báo ngập lụt; nghiên cứu cơ chế, giải pháp để nâng cao năng lực các tổ chức liên quan và vai trò của cộng đồng trong chiến lược ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, tác động của việc bổ cập nước mưa đối với động thái và chất lượng nước ngầm, diễn biến lòng dẫn sông Sài Gòn và khả năng cải tạo để tăng năng lực thoát nước và chống sạt lở, các khả năng ứng phó với các biến cố mưa vượt tần suất thiết kế do biến đổi khí hậu đối với các hệ thống thoát nước đô thị...
5. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hệ thống hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải đô thị:
5.1. Tập trung đầu mối, thống nhất tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và các công trình kiểm soát triều để quản lý ngập do biến đổi khí hậu.
5.2. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu của mạng lưới thoát nước trên nền số hóa và xây dựng mô hình quản lý theo hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (S.C.A.D.A); lập chiến lược quản lý, vận hành, bảo vệ, mở rộng, xây dựng mới hệ thống thoát nước; xây dựng lộ trình tăng phí thoát nước và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt; ngăn chặn hiệu quả tình trạng phát sinh các điểm ngập mới thông qua ứng dụng công nghệ quản lý kênh rạch, hệ thống thoát nước, công cụ quản lý quy hoạch và xây dựng để khoanh vùng, bảo vệ vùng đệm, vùng điều tiết nước trong quá trình đô thị hóa.
5.3. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ cán bộ khoa học, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới để nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, đề xuất các biện pháp ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu.
5.4. Bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan thanh tra trong phạm vi, chức năng quản lý nhà nước thuộc chuyên ngành thoát nước, chống ngập úng đô thị.
6. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân và giám sát thực hiện chiến lược quản lý ngập lụt trên địa bàn:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Vì một thành phố sạch đẹp”; phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức ra quân thực hiện vệ sinh đường phố, nạo vét kênh, rạch, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ thống thoát nước ở khu dân cư; thực hiện vai trò giám sát cộng đồng trên lĩnh vực này.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giám đốc các sở-ban-ngành, các cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương, gắn với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình này; chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành, định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Giám đốc Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị và các Ban quản lý dự án chống ngập đô thị.
3. Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí thành phố tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, phim tài liệu, phóng sự chuyên đề tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; kịp thời phê phán các hành vi vi phạm, biểu dương, nhân rộng các điển hình trong thực hiện công tác này.
4. Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước là cơ quan thường trực, có trách nhiệm điều phối, bảo đảm việc triển khai thực hiện thống nhất kế hoạch này, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Trong quá trình triển khai, nếu cần thiết bổ sung, điều chỉnh, các sở-ban- ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ động phối hợp với Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước để tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố./.