1. Quy trình tổ chức chữa cháy
Căn cứ nội dung tại Điều 33 Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 (được bổ sung bởi khoản 22 Điều 1 Luật số 40/2013/QH13), việc tổ chức chữa cháy được thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1: Báo cháy
Ngay khi phát hiện đám cháy, người phát hiện phải nhanh nhất và bằng mọi cách báo cháy và chữa cháy.
Bước 2: Chữa cháy
Sau khi được báo cháy các cơ quan, cá nhân, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ như sau:
- Các cơ quan/tổ chức, hộ gia đình và những cá nhân gần nơi có cháy phải lập tức tiếp nhận thông tin và tham gia vào việc chữa cháy.
- Lực lượng PCCC sau khi nhận được tin báo cháy tại địa phương được phân công quản lý hoặc được nhận được lệnh điều động từ địa phương khác phải lập tức đến nơi có cháy.
Nếu trường hợp nhận được thông tin báo cháy nằm ngoài địa bàn thì cần báo ngay cho lực lượng PCCC tại nơi có cháy và phải báo cáo lên cấp trên của mình.
- Các cơ quan khác:
- Cơ quan y tế, cấp nước, điện lực, giao thông, môi trường đô thị và các cơ quan hữu quan khác trong trường hợp nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy thì phải nhanh chóng tiến hành điều động người, phương tiện đến nơi có cháy để tham gia chữa cháy.
- Lực lượng công an và dân quân tự vệ tại địa phương nơi có cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực đang chữa cháy và tham gia vào công tác chữa cháy.
- Ủy ban nhân dân tại những địa phương giáp ranh nơi xảy ra cháy phải thực hiện việc xây dựng phương án phối hợp và tổ chức lực lượng tham gia vào việc chữa cháy khi có yêu cầu.
2. Các biện pháp chữa cháy cơ bản
Căn cứ nội dung quy định tại Điều 30 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 có đề cập đến ba biện pháp cơ bản trong công tác chữa cháy như sau:
- Biện pháp thứ nhất: Huy động nhanh nhất lực lượng và phương tiện tham gia để dập tắt ngay đám cháy.
- Biện pháp thứ hai: Tập trung thực hiện vào cứu người, cứu tài sản cũng như chống việc cháy lan.
- Biện pháp thứ ba: Thống nhất chỉ huy và điều hành trong quá trình chữa cháy.
3. Thủ tục huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy
Căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, việc huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy được thực hiện thông qua lệnh huy động, điều động lực lượng, phương tiện và tài sản tham gia chữa cháy (bằng văn bản theo Mẫu số PC20)
Trong trường hợp khẩn cấp thì lệnh huy động có thể là bằng lời nói, sau đó chậm nhất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc thì người có thẩm quyền phải thể hiện lệnh đó bằng văn bản.
Lưu ý: Nếu ra lệnh huy động bằng lời nói thì người ra lệnh phải xưng rõ họ & tên, chức vụ, đơn vị công tác, căn cứ huy động, thời gian, địa điểm tập kết, yêu cầu về người, phương tiện và tài sản cần huy động;
Trong trường hợp người chỉ huy chữa cháy cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài phạm vi quản lý thì có thể báo cáo đề xuất và nếu được người có thẩm quyền huy động tại phạm vi đó đồng ý thì sẽ được huy động lực lượng, phương tiện, tài sản đó để chữa cháy, cần lưu ý là sau đó người chỉ huy phải tham mưu cho người có thẩm quyền huy động ban hành quyết định huy động bằng hình thức văn bản.
4. Ai được huy động lực lượng, phương tiện để chữa cháy?
Căn cứ khoản 1 Điều 23 Nghị định 136/2020/NĐ-CP việc huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy thuộc thẩm quyền của các cá nhân, tổ chức như sau:
Chủ thể | Phạm vi thẩm quyền |
- Người đứng đầu các cơ quan và tổ chức - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã | Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan/tổ chức/hộ gia đình/cá nhân trong phạm vi quản lý của mình. Nếu cần phải huy động ngoài phạm vi quản lý của mình thì cần phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định. |
- Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh - Trưởng Công an cấp huyện | Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản thuộc lực lượng PCCC trong phạm vi quản lý của mình. Nếu cần phải huy động ngoài phạm vi quản lý của mình thì cần phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện | Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan/tổ chức thuộc phạm vi quản lý của mình. Nếu cần phải huy động ngoài phạm vi quản lý của mình thì cần phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định. |
Giám đốc Công an cấp tỉnh | Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của lực lượng Công an trong phạm vi quản lý của mình. Nếu cần phải huy động ngoài phạm vi quản lý của mình thì cần phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định. |
Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ | Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của lực lượng Cảnh sát PCCC trong phạm vi cả nước. Nếu cần phải huy động ngoài phạm vi quản lý của mình thì cần phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định. Sau khi thực hiện việc huy động thì phải thông báo cho người có thẩm quyền quản lý biết. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh | Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan/tổ chức/hộ gia đình/cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và cả lực lượng quân đội đóng đang ở địa phương. Sau khi thực hiện việc huy động thì phải thông báo cho người có thẩm quyền quản lý biết. |
Bộ trưởng Bộ Công an | Huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan/tổ chức/hộ gia đình/cá nhân trong phạm vi quản lý của mình. Sau khi thực hiện việc huy động thì phải thông báo cho người có thẩm quyền quản lý biết. |
5. Khi có đám cháy, người dân cần phải làm gì?
Khi có đám cháy, người dân cần thực hiện một số việc sau:
- Đầu tiên là cần tìm ngay cách để dập lửa và nhanh chóng thực hiện việc hô hoán và báo cháy; tìm cách thoát nạn phù hợp với từng điều kiện, tình huống:
Cần thật sự bình tĩnh để xác định rõ vị trí ngọn lửa và khói. Nếu xác định thấy là một đám cháy nhỏ thì ngay lập tức tìm cách chữa cháy bằng các thiết bị, dụng cụ PCCC như bình chữa cháy hoặc bằng nước, cát, chăn ướt tùy vào tính chất đám cháy. Nếu xác định đây là một cháy lớn không thể được dập tắt thì cần tìm cách thoát nạn phù hợp với địa hình, vị trí, địa điểm. Hô hoán cho người xung quanh biết để thoát ra khỏi nơi cháy, sau đó gọi đến số điện thoại PCCC 114.
Một số lối thoát thông thường là: Lối ra cửa chính của căn nhà; Cầu thang thoát hiểm; Ban công; Tầng thượng để thoát sang nhà liền kề. Lưu ý cần nhớ không được sử dụng thang máy khi cháy ở tòa nhà cao tầng.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ việc thoát nạn mỗi gia đình ở tầng cao cần trang bị các thiết bị như thang, dây thừng, mặt nạ phòng khói độc…
Nếu lửa và khói đã chặn mất lối thoát nạn từ cửa chính thì có thể thoát ra bằng đường cửa sổ, ban công (tầng thấp); hoặc vào một phòng trống và đóng kín cửa đồng thời tìm cách ngăn khói và lửa tràn vào bằng cách dùng vải, vật dùng chặn các khe hở.
- Thứ ba là người mắc kẹt cần hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp đối với lửa và khí độc.
Để kiểm tra cháy sau cánh cửa, tuyệt đối không dùng lòng bàn tay để tránh bị bỏng do nóng mà sử dụng mu bàn tay để kiểm tra trên cửa. Nếu cảm thấy lửa chưa đến gần thì có thể mở cửa chậm tránh để lửa bùng thẳng vào phòng.
Cần chú ý thực hiện biện pháp để tránh hít phải khói như dùng mặt nạ phòng khí độc, dùng vải ướt che mũi miệng.
Tránh va chạm vào các vật cháy có nhiệt độ lớn.
Không xông thẳng qua đám cháy mà cần cúi người xuống thấp và tìm nơi toán hiểm hoặc nơi trú ẩn.
Trên đây là thông tin về quy trình chữa cháy và các thông tin liên quan.