Quy định về quản lý chất thải rắn tại cơ sở sản xuất kinh doanh

Trong bối cảnh phát triển kinh tế và công nghiệp hiện nay, để đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, việc tuân thủ các quy định về quản lý chất thải rắn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là vô cùng cần thiết. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quản lý chất thải rắn tại cơ sở sản xuất kinh doanh?

1. Chất thải rắn là gì? Có những loại nào?

Căn cứ quy định tại khoản 18, 19 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì khái niệm chất thải và chất thải rắn được định nghĩa như sau:

“Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.”

“Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc bùn thải.”

Qua các quy định trên, có thể hiểu chất thải rắn là những vật chất ở dạng rắn bị thải ra từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hay những hoạt động khác.

Một số loại chất thải rắn được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 bao gồm: chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn y tế, chất thải rắn xây dựng.

2. Nguyên tắc chung trong quản lý chất thải rắn 

Nguyên tắc chung trong quản lý chất thải rắn
Nguyên tắc chung trong quản lý chất thải rắn (Ảnh minh hoạ)

Những nguyên tắc chung trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, và chất thải rắn công nghiệp thông được quy định tại Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:

- Chất thải phải được quản lý trong suốt quá trình từ phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, đến xử lý và tiêu hủy;

- Chủ nguồn thải chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có giấy phép môi trường để xử lý;

- Chủ nguồn thải chất thải công nghiệp phải phân định chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường thông qua việc lấy và phân tích mẫu theo quy định pháp luật;

- Chất thải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có thể được sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho sản xuất;

- Tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, và chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đưa chất thải đến cơ sở có giấy phép môi trường hoặc chuyển giao cho đơn vị vận chuyển khác có giấy phép;

- Quản lý chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy định pháp luật về năng lượng nguyên tử.

3. Quy định về quản lý chất thải rắn tại cơ sở sản xuất kinh doanh 

Quy định về quản lý chất thải rắn tại cơ sở sản xuất kinh doanh
Quy định về quản lý chất thải rắn tại cơ sở sản xuất kinh doanh (Ảnh minh hoạ)

3.1 Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại cơ sở sản xuất kinh doanh

Căn cứ quy định tại Điều 58 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại cơ sở sản xuất kinh doanh như sau:

Cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân hoặc quản lý theo quy định dưới đây.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải rắn sinh hoạt từ 300 kg/ngày trở lên phải chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho các đối tượng sau:

- Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn;

- Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển có hợp đồng chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở vận chuyển do chính quyền địa phương lựa chọn;

- Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển có hợp đồng chuyển giao với cơ sở tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt;

- Cơ sở thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải không thuộc đối tượng do Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu;

- Cơ sở xử lý do chính quyền địa phương lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu. Việc vận chuyển của cơ sở này phải tiến hành bằng phương tiện vận chuyển đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường;

- Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản hoặc sản xuất phân bón phù hợp đối với chất thải thực phẩm.

3.2 Quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại cơ sở sản xuất kinh doanh

Quy định về trách nhiệm quản lý của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường được liệt kê cụ thể tại Điều 66 Nghị định 08/2022/NĐ-CP như sau:

- Chủ nguồn thải cần phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường và có thiết bị, dụng cụ, khu vực lưu giữ phù hợp.

- Chủ nguồn thải phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải hoặc chuyển giao cho các đối tượng sau:

+ Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, hoặc san lấp mặt bằng theo quy định pháp luật.

+ Cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp.

+ Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp.

+ Cơ sở vận chuyển chất thải đã có hợp đồng chuyển giao với các đối tượng trên.

- Chất thải rắn công nghiệp thông thường sau khi được thu hồi, phân loại, và lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất được quản lý như sản phẩm, hàng hóa theo quy định, và có thể chuyển giao cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

- Sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường theo mẫu số 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT khi chuyển giao cho cơ sở xử lý có chức năng phù hợp.

3.3 Quy định về quản lý chất thải rắn nguy hại tại cơ sở sản xuất kinh doanh

Quy định về trách nhiệm quản lý của chủ nguồn thải chất thải nguy hại được quy định tại Điều 71 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, bao gồm:

Thứ nhất, phân loại và lưu giữ chất thải nguy hại:

- Chủ nguồn thải phải tự phân loại, xác định và quản lý chất thải nguy hại theo đúng quy định.

- Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại tại cơ sở, và chất thải phải được bảo quản trong bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

- Thời gian lưu giữ không quá 1 năm; nếu cần lưu giữ lâu hơn do chưa tìm được cơ sở xử lý, phải báo cáo định kỳ cho cơ quan bảo vệ môi trường.

Thứ hai, làm thủ tục xin cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm I, II, III theo các Phụ lục III, IV và V của Nghị định này, nếu phát sinh chất thải nguy hại với tổng khối lượng từ 1.200 kg/năm trở lên hoặc từ 100 kg/tháng trở lên.

Thứ ba, chủ nguồn thải có trách nhiệm tự xử lý chất thải nguy hại tại cơ sở hoặc ký hợp đồng với cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp để chuyển giao chất thải.

Thứ tư, phối hợp với cơ sở xử lý để lập chứng từ khi chuyển giao chất thải. Nếu không nhận được chứng từ cuối sau 6 tháng, phải báo cáo cơ quan bảo vệ môi trường.

Tóm lại, việc quản lý chất thải rắn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là một yêu cầu bắt buộc và cần thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cần chủ động thực hiện các biện pháp quản lý chất thải rắn theo đúng quy định pháp luật, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

Trên đây là nội dung phân tích cụ thể các quy định về quản lý chất thải rắn tại cơ sở sản xuất kinh doanh theo pháp luật hiện hành.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Khách vay cần điều kiện gì để được cấp tín dụng vượt giới hạn?

Khách vay cần điều kiện gì để được cấp tín dụng vượt giới hạn?

Khách vay cần điều kiện gì để được cấp tín dụng vượt giới hạn?

Theo Quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, khách vay có thể được cấp tín dụng vượt giới hạn nếu đáp ứng được các điều kiện nhất định. Hãy theo dõi bài viết để biết khách vay cần điều kiện gì để được cấp tín dụng vượt giới hạn?