1. Mức phụ cấp cho đội phòng cháy chữa cháy cơ sở 2024 là bao nhiêu?
*Đối với đội trưởng, đội phó của đội phòng cháy chữa cháy cơ sở:
Căn cứ tại khoản 3 Điều 34 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định về chế độ và chính sách đối với người tham gia hoạt động chữa cháy đối với thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy chữa cháy cơ sở và chuyên ngành, có quy định như sau:
- Đội trưởng và đội phó của đội phòng cháy chữa cháy cấp cơ sở và chuyên ngành hoạt động theo chế độ không chuyên trách ngoại việc được hưởng nguyên lương, hưởng các khoản phụ cấp khác (nếu có) thì còn được hỗ trợ thường xuyên do cơ quan/tổ chức quản lý chi trả. Căn cứ theo điều kiện thực tế, người đứng đầu cơ quan/tổ chức quyết định mức hỗ trợ đối với từng chức danh, nhưng không được thấp hơn hệ số 0,2 lương tối thiểu vùng.
Như vậy, đội trưởng và đội phó của đội phòng cháy chữa cháy tại cơ sở hoạt động theo chế độ không chuyên trách sẽ được hưởng nguyên lương, các phụ cấp (nếu có) và cùng với mức hỗ trợ thường xuyên do cơ sở chi trả tuỳ vào chức danh.
*Đối với các thành viên trong đội phòng cháy chữa cháy cơ sở:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì những thành viên trong đội phòng cháy chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong thời gian tham gia về huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy sẽ được nghỉ làm việc mà vẫn được hưởng nguyên lương, nhận các khoản phụ cấp khác (nếu có), đồng thời mỗi ngày cũng sẽ được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng tương ứng với 0,3 ngày lương tối thiểu vùng.
2. Mức lương tối thiểu vùng làm cơ sở thực hiện hỗ trợ cho đội PCCC là bao nhiêu?
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay để làm cơ sở chi trả mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó và thành viên của đội phòng cháy chữa cháy cơ sở được quy định tại Điều 3 Nghị định số 74/2024/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024).
Cụ thể, mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng và đội phó của đội phòng cháy chữa cháy cơ sở hiện nay như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu vùng (đồng/tháng) | Mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội PCCC không thấp hơn mức (đồng/tháng) |
Vùng I | 4.960.000 | 992.000 |
Vùng II | 4.410.000 | 882.000 |
Vùng III | 3.860.000 | 772.000 |
Vùng IV | 3.450.000 | 690.000 |
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì những thành viên trong đội PCCC cơ sở trong thời gian tham gia về huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC sẽ được nghỉ làm việc mà vẫn được hưởng nguyên lương, nhận các khoản phụ cấp khác (nếu có), đồng thời mỗi ngày cũng sẽ được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng tương ứng với 0,3 ngày lương tối thiểu vùng.
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 04/2021/TT-BLĐTBXH, ngày lương tối thiểu vùng được xác định bằng với mức lương tối thiểu vùng theo tháng được áp dụng cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp trên địa bàn vùng I chia cho 26 ngày. Theo đó, tiền bồi dưỡng cho thành viên đội PCCC cơ sở được tính như sau:
Tiền bồi dưỡng = Mức lương tối thiểu vùng theo tháng của vùng I/26 ngày x 0,3 = 4.960.000/26 x 0,3 = 57.230 đồng/ngày.
3. Phụ cấp PCCC có phải đóng BHXH không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 và Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương được người sử dụng lao động quyết định, tiền lương tháng để tính đóng bảo hiểm xã hội tính từ ngày 01/01/2018 trở đi là các khoản:
- Mức lương;
- Phụ cấp lương;
- Các khoản bổ sung khác.
Cụ thể, căn cứ theo khoản 5 Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH, các khoản thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm có:
- Mức lương của người lao động theo công việc/chức danh.
- Các khoản phụ cấp lương theo thoả thuận của hai bên, gồm có:
Các khoản phụ cấp lương để bù đắp cho yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc đảm nhiệm, điều kiện sinh hoạt và mức độ thu hút lao động mà mức lương được thoả thuận trong hợp đồng chưa được tính đến hoặc chưa tính đầy đủ.
Các khoản phụ cấp lương gắn liền với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc được giao của người lao động.
- Các khoản bổ sung khác theo thoả thuận của hai bên, gồm có:
Các khoản bổ sung mà xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương được thoả thuận trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ lương.
Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng mức lương được thoả thuận trong hợp đồng, trả thường xuyên/không thường xuyên trong mỗi kỳ lương mà gắn với quá trình làm việc, kết quả công việc của người lao động.
Theo nội dung tại các quy định trên và mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó và thành viên đội phòng cháy chữa cháy cơ sở là khoản hỗ trợ thường xuyên do cơ quan/tổ chức chi trả. Do đó, khoản tiền này thuộc khoản tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng cho người lao động.
Trên đây là những thông tin về mức phụ cấp đội phòng cháy chữa cháy cơ sở là bao nhiêu?