Phế liệu thì hẳn là ai cũng đã từng nghe nhắc tới nhưng cụ thể phế liệu là gì thì không phải ai cũng nắm được. Cùng làm rõ phế liệu là gì qua bài viết dưới đây.
Phế liệu là gì? Phế liệu có phải là chất thải không?
Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác (theo khoản 27 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14).
Có thể hiểu, phế liệu chính là vật liệu bị loại ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng được thu hồi, phân loại, lựa chọn và sử dụng để làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.
Theo định nghĩa này, để được xác định là phế liệu thì cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, phải là vật liệu. Vật liệu có thể là vật chất tự nhiên hoặc đã qua chế biến để sử dụng.
Thứ hai, bị loại ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng. Tức là các vật liệu này được đưa ra khỏi quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng. Ví dụ như trong quá trình sản xuất, chủ sở hữu từ bỏ ý định sử dụng sản phẩm/vật liệu đó vào quá trình sản xuất.
Thứ ba, vật liệu bị loại bỏ được thu hồi để dùng làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác.
Còn chất thải được định nghĩa là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí/các dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt...
Qua đây có thể phân biệt, phế liệu và chất thải qua một số tiêu chí như:
Tiêu chí | Phế liệu | Chất thải |
Yếu tố trở thành phế liệu hoặc chất thải | Là các vật liệu, sản phẩm tồn tại dạng vật thể | Là các vật chất tồn tại ở dạng rắn, lỏng, khí |
Yếu tố bị loại bỏ | Chủ sở hữu vật liệu chủ động từ bỏ khai thác, sử dụng vật liệu đó | Chủ sở hữu chủ động/bị động từ bỏ khai thác, sử dụng vật chất |
Mục đích sau khi bị thải bỏ | Thu hồi, phân loại, lựa chọn để sử dụng cho quá trình sản xuất sản phẩm khác | Phải có biện pháp xử lý, tiêu hủy theo quy định để hạn chế tối đa tác động đến môi trường |
Theo đó, dựa vào khả năng sử dụng của chất thải, có thể phân loại chất thải thành 02 loại:
Chất thải không còn giá trị sử dụng (chất thải cuối cùng);
Chất thải còn khả năng sử dụng vào sản xuất (phế liệu).
Như vậy, có thể khẳng định, phế liệu là một dạng chất thải và là tập con của chất thải.
Phế liệu có được giảm thuế GTGT không?
Từ ngày 01/7/2023 - 31/12/2023, iảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Phụ lục I, II, III Nghị định 44/2023/NĐ-CP.
Đối chiếu với quy định tại Phụ lục I - Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT quy định như sau:
Cột 7 (mã ngành cấp 7- 2599939), cột 8 (Tên sản phẩm - Sản phẩm khác bằng kim loại cơ bản chưa được phân vào đâu), cột 9 (Nội dung - Gồm: Neo, móc và các bộ phận rời của chúng bằng sắt hoặc thép; chuông, chuông đĩa và các loại tương tự bằng kim loại cơ bản, không dùng điện; sản phẩm khác bằng nhôm chưa được phân vào đâu; sản phẩm khác bằng chì, kẽm, thiếc chưa được phân vào đâu; sản phẩm khác bằng đồng chưa được phân vào đâu; sản phẩm khác bằng niken chưa được phân vào đâu; sản phẩm bằng kim loại cơ bản khác chưa được phân vào đâu. Ví dụ: Tấm đan, phên, lưới bằng nhôm; ống chỉ, lõi suốt, guồng quay tơ bằng nhôm;...; Ví dụ: Thanh, que, hình và dây chì; ống, ống dẫn và phụ kiện của ống hoặc của ống dẫn bằng chì; ống máng, mái nhà, ống dẫn, ống, phụ kiện của ống hoặc ống dẫn bằng kẽm; tấm, dải, …...), cột 10 (Mã HS tích dấu *). Tại phần Ghi chú (cuối Phụ lục I) có quy định: “Các dòng hàng có ký hiệu (*) ở cột (10), thực hiện khai mã HS theo thực tế hàng hóa nhập khẩu”.
Theo đó, các mặt hàng phế liệu bằng kim loại không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT.
Trên đây là giải đáp phế liệu là gì và các vấn đề liên quan, nếu cần thêm thông tin hay có bất kỳ thắc mắc nào liên quan, độc giả vui lòng gọi ngay đến 19006192 để được hỗ trợ kịp thời.