Những ngành nghề cần có bằng cử nhân Luật

Ngành luật hiện nay có cơ hội việc làm lương cao hấp dẫn và đầy triển vọng, tuy nhiên không phải ai cũng biết phải làm gì với tấm bằng cử nhân sau khi ra trường. Hãy cùng Luật Việt Nam tìm hiểu những ngành nghề cần có bằng cử nhân Luật trong bài viết dưới đây.

Những ngành nghề cần có bằng cử nhân Luật

Hiện nay, thời gian đào tạo cử nhân luật thường là 04 năm, trong đó sẽ có 3,5 năm là đào tạo về kiến thức chuyên môn và 0,5 năm để sinh viên rèn luyện, tham gia thực tập và hoàn thành khóa luận ra trường.

Vậy sau 04 năm học luật với tấm bằng cử nhân, người học luật có thể lựa chọn những ngành nào?

Những ngành nghề cần có bằng cử nhân Luật (Ảnh minh họa)

(1) Luật sư 

Theo quy định tại Điều 10 Luật Luật sư 2006 số 65/2006/QH11, tiêu chí để trở thành luật sư bắt buộc phải là cử nhân Luật.

Sau khi tốt nghiệp Đại học thì người có nhu cầu thành luật sư buộc phải học tiếp lên để được cấp chứng chỉ hành nghề tại Học viện Tư pháp trong thời gian 12 tháng (theo quy định tại Điều 12 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 số 20/2012/QH13).

Sau khi hoàn thành khóa học và được nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo Luật sư, người có nhu cầu trở thành luật sư phải tiếp tục tập sự tại các văn phòng luật/công ty luật trong 12 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 10/2021/TT-BTP.

Sau khi kết thúc tập sự, người học sẽ thi kiểm tra kết thúc tập sự hành nghề luật sư với bài thi viết và thực hành bao gồm các nội dung về kỹ năng tham gia tốt tụng, tư vấn pháp luật, quy tắc về đạo đức và ứng xử khi hành nghề…

Người đạt yêu cầu trong kiểm tra hành nghề luật sư sẽ gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề lên Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư để được cấp giấy chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, sau khi 04 năm học Đại học và lấy được bằng thì cử nhân Luật sẽ cần thêm ít nhất 02 năm học đào tạo nghiệp vụ luật sư nữa để được lấy chứng chỉ hành nghề.

Mức lương luật sư: Lương luật sư thông thường được tính theo tính chất, vị trí và các vụ việc dựa vào khả năng chuyên môn và kinh nghiệm khi giải quyết các vụ án, vụ việc.

(2) Công chứng viên

Theo quy định tại Luật Công chứng 2014 số 53/2014/QH13, cử nhân Luật thường sẽ mất khoảng 07 năm để có thể trở thành một Công chứng viên. Theo đó:

Sau khi có bằng cử nhân luật, nếu muốn làm công chứng viên thì buộc phải tham gia khóa đào tạo nghề công chứng trong thời gian 12 tháng tại Học viện Tư pháp. Sau khóa đào tạo chuyên môn, Học viện Tư pháp cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa học cho người học.

Trong thời gian học tại Học viện Tư pháp hoặc sau khi học xong, người học phải có thời gian đăng ký tập sự hành nghề ít nhất 12 tháng đối với những người tốt nghiệp khóa đào tạo hành nghề công chứng hoặc 03 tháng đối với người tốt nghiệp khóa bồi dưỡng nghề công chứng.

Tuy nhiên, để được trở thành công chứng viên thì người học buộc phải có thời gian công tác pháp luật ít nhất 05 năm tại các cơ quan hoặc tổ chức. Do đó, để giảm bớt thời gian và để nhanh chóng được bổ nhiệm, thông thường, sau khi tốt nghiệp thì các cử nhân nên thực hiện công tác sớm trong ngành pháp luật.

Sau khi học xong khóa bồi dưỡng hành nghề công chứng, nếu đạt yêu cầu thì người học sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng.

Khi đã đạt đủ tiêu chuẩn hành nghề và đã tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, có giấy chứng nhận hoàn thành tập sự, người có nguyện vọng có thể nộp hồ sơ xin bổ nhiệm công chứng viên.

Mức lương Công chứng viên: mức thu nhập của công chứng viên hiện nay khá linh hoạt tùy theo từng địa bàn và có thể được coi là khá hấp dẫn, đặc biệt là khi làm ở các văn phòng công chứng tư.

(3) Kiểm sát viên

Theo Điều 74 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 số 63/2014/QH13, kiểm sát viên là người được bổ nhiệm để thi hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Công việc chính thường là điều tra, truy tố, triệu tập hỏi cung bị can, người bị hại, người làm chứng và những người liên quan.

Theo quy định tại Điều 74 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì yêu cầu đối với nghề kiểm sát viên cũng buộc người học phải có trình độ cử nhân luật trở lên.

(4) Thẩm phán hoặc Thư ký Tòa

Theo quy định tại Điều 67 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 số 62/2014/QH13 thì điều kiện trở thành Thẩm phán bao gồm:

- Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

- Có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.

- Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Còn theo Điều 92 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 thì thư ký Tòa án cũng bắt buộc phải có trình độ cử nhân Luật trở nên, được đào tạo nghiệp vụ và bổ nhiệm vào ngạch Thư ký Tòa án.

(5)  Công chức làm công tác hộ tịch

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Hộ tịch 2014 số 60/2014/QH13 thì công chức làm công tác hộ tịch bao gồm:

- Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã;

- Công chức công tác hộ tịch ở Phòng Tư pháp tại Ủy ban nhân dân các cấp.

- Viên chức ngoại giao, lãnh sự làm công tác hộ tịch tại Cơ quan đại diện.

Căn cứ Khoản 2, 3 và 4 Điều 72 Luật Hộ tịch 2014 quy định về tiêu chuẩn đối với công chức làm công tác hộ tịch như sau:

- Có trình độ cử nhân luật trở lên (đối với công chức hộ tịch cấp xã có thể yêu cầu trình độ trung cấp luật)

- Được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.

- Đạt trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc.

(6) Điều tra viên vụ việc cạnh tranh và thành viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia

Căn cứ quy định Điều 53 Luật Cạnh tranh 2018 số 23/2018/QH14, để được làm điều tra viên vụ việc cạnh tranh thì cần phải đáp ứng các điều kiện:

- Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt.

- Là công chức thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

- Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính và công nghệ thông tin.

- Có thời gian công tác thực tế ít nhất trên 05 năm trong lĩnh vực đào tạo.

Đối với công việc thuộc Ủy ban cạnh tranh Quốc gia thì theo Điều 49 Luật cạnh tranh 2018, các điều kiện cần đáp ứng gồm:

- Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt.

- Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, tài chính và công nghệ thông tin.

- Có thời gian công tác thực tế ít nhất 09 năm trong lĩnh vực đào tạo.

(7) Thừa phát lại 

Theo quy định, thừa phát lại sẽ thực hiện việc tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Theo đó, điều kiện để được bổ nhiệm thừa phát lại là:

- Công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, có phẩm chất đạo đức tốt, thường trú tại Việt Nam.

- Có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Có thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật thực tế ít nhất 03 năm trở lên.

- Tốt nghiệp khóa đào tạo bồi dưỡng hành nghề Thừa phát lại và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự.

(8) Giám thị, Phó giám thị, Trưởng phân trại, Phó trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó đội trưởng trại giam

Theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật thi hành án hình sự 2019 số 41/2019/QH14 thì cá nhân để được bổ nhiệm một trong các vị trí trên buộc phải tốt nghiệp đại học ngành cảnh sát, đại học an ninh hoặc là cử nhân luật trở lên.

(9) Chấp hành viên

Chấp hành viên sẽ có 03 ngạch:

  • Chấp hành viên sơ cấp.

  • Chấp hành viên trung cấp.

  • Chấp hành viên cao cấp.

Để được bổ nhiệm Chấp hành viên thì cá nhân cần phải đáp ứng một số tiêu chuẩn:

- Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt.

- Có thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật thực tế ít nhất 03 năm trở lên.

- Có trình độ cử nhân luật trở lên.

- Đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự,

- Trúng tuyển kỳ thi Chấp hành viên.

(10) Quản tài viên

Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản 2014 số 51/2014/QH13, quản tài viên là các cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

Theo đó, để trở thành quản tài viên, bên cạnh yêu cầu bắt buộc phải là cử nhân luật thì để được hành nghề quản tài viên thì cần phải có ít nhất 06 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo. Hoặc người học buộc phải được cấp chứng chỉ Luật sư hoặc kiểm toán viên thì mới được xét hành nghề.

Mức lương quản tài viên: mức lương của quản tài viên sẽ được xét theo giờ làm việc của Quản tài viên; mức thù lao tính theo tỷ lệ % giá trị tài sản của doanh nghiệp/hợp tác xã bị tuyên bố phá sản sau khi thu được tiền thanh lý.

Danh sách các trường Đại học, Học viện đào tạo ngành Luật tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

Danh sách các trường Đại học, Học viện đào tạo ngành Luật tại Việt Nam

Trường Đại học Luật Hà Nội: Đây là một trong những trường Đại học công lập có quy mô đào tạo ngành luật lớn và uy tín nhất tại khu vực miền Bắc nói riêng và toàn Việt Nam nói chung.

Trường Đại học Luật - Đại học quốc gia Hà Nội: Trước đây, trường được biết đến với tên “Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội”. Tuy nhiên, từ năm 2021, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội đã đổi thành Trường Đại học Luật, là thành viên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội.

Đây là trung tâm đào tạo, nghiên cứu luật uy tín và có truyền thống của đất nước với gần 50 năm hình thành và phát triển. 
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh: Trường Đại học Luật TPHCM là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý lớn nhất tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng.

Khoa Luật Đại học Kinh tế quốc dân: Cùng chủ trương đa ngành hoá của Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Luật đã và đang tạo lập những điều kiện cơ sở để đạt mục tiêu trở thành một trong những nơi đào tạo Cử nhân Luật đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.

Khoa Luật Học viện Phụ nữ Việt Nam: Học viện Phụ nữ Việt Nam đào tạo nhiều chuyên ngành, trong đó không thể không nhắc tới chuyên ngành Luật. Đây cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/10/2012

Khoa Luật Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: Đây là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh niên cho tổ chức Đoàn và các tổ chức chính trị xã hội khác.

Học viện Tòa Án: Đây là Học viện hệ công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao. Trường là một trong những cơ sở đào tạo nghề Thẩm phán, hoạt động theo quy định Điều lệ trường đại học của Thủ tướng Chính phủ.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội: Trường trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, là cơ sở giáo dục Đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân, thực hiện đào tạo nguồn lực cho ngành kiểm sát và bồi dưỡng chuyên sâu cho các cán bộ trong các lĩnh vực về dân sự, hành chính, thương mại…

Trường Đại học Luật, Đại học Huế: Đây là một trong những trường đào tạo nên nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Bên cạnh những trường Đại học, Học viện trên, không thể không kể tới một số trường khác cũng nổi tiếng trong việc đào tạo nhân lực ngành luật như: Khoa Luật Đại học Mở Hà Nội, Khoa Luật Đại Học Vinh, Khoa Luật Đại Học Cần Thơ, Khoa Luật Đại học Công Đoàn…

Trên đây là giải đáp cho vấn đề những ngành nghề cần có bằng cử nhân Luật. 

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.

Làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1?

Để đảm bảo cho việc cung cấp và sử dụng các trò chơi điện tử trên mạng được an toàn cho người dùng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến hoạt động này. Vậy làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng?

Mẫu đơn đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã được ban hành ngày 09/11/2024. Trong đó, đáng chú ý là các quy định chi tiết về cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Vậy để đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, doanh nghiệp phải sử dụng mẫu đơn nào?

Điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là trang mạng điện tử rất phổ biến hiện nay. Vậy điều kiện để được cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì và những quy định nào doanh nghiệp cần biết khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội?