7 Nguyên tắc kế toán theo Luật Kế toán cập nhật mới nhất 2024

Nguyên tắc kế toán là kiến thức cơ bản mà những người làm kế toán cần phải nắm vững khi bước chân vào ngành. Vậy những nguyên tắc này là gì, làm sao để hiểu đúng và áp dụng hiệu quả trong công việc? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

1. Nguyên tắc kế toán là gì? 

1.1 Định nghĩa

Nguyên tắc kế toán là những quy định, chuẩn mực do Nhà nước đặt ra và áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, hộ kinh doanh có hoạt động kế toán, và người làm công tác kế toán phải tuân theo.

Nguyên tắc kế toán được quy định cụ thể tại Điều 6 - Luật Kế toán số 88/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

Nguyên tắc kế toán là gì?
Nguyên tắc kế toán là gì? (Ảnh minh hoạ)

1.2 Vì sao cần có nguyên tắc kế toán

Hoạt động tài chính nói chung và kế toán nói riêng có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, tổ chức hay doanh nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực liên quan nhiều đến pháp lý, đòi hỏi tính tuân thủ và sự chính xác. Vì vậy việc đưa ra những nguyên tắc kế toán là hết sức cần thiết.

Nguyên tắc kế toán giúp đảm bảo sự minh bạch, công bằng và nhất quán trong công tác hạch toán kế toán và lập báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Các công ty kiểm toán cũng có thể căn cứ nguyên tắc này để kiểm tra việc tuân thủ của các doanh nghiệp.

Căn cứ những nguyên tắc này, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư khi nhìn báo cáo tài chính sẽ biết được chính xác tình hình tài chính của doanh nghiệp, đồng thời đánh giá được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và so sánh với các đơn vị khác.

Nguyên tắc kế toán còn là cơ sở, chỉ dẫn để người làm công tác kế toán có thể thực hiện đúng các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

2. 7 nguyên tắc kế toán quy định trong Luật Kế toán

Luật Kế toán số 88/2015/QH13 có quy định 07 nguyên tắc kế toán tại Điều 6, cụ thể là những nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: “Giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính”.

Giá trị tài sản và nợ phải trả ghi nhận ban đầu theo giá gốc
Giá trị tài sản và nợ phải trả ghi nhận ban đầu theo giá gốc (Ảnh minh hoạ)

Tài sản của doanh nghiệp được hiểu là những nguồn lực mà doanh nghiệp nắm giữ, có quyền sở hữu và kiểm soát, có hoá đơn chứng từ hợp lệ và được sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại lợi ích kinh tế.

Nợ phải trả là các nghĩa vụ nợ doanh nghiệp phải trả phát sinh theo các nghiệp vụ kinh tế.

Nguyên tắc này đảm bảo doanh nghiệp không được tự ý thay đổi giá trị tài sản hay nợ phải trả, nhờ vậy thông tin số liệu kế toán sẽ có độ chính xác cao hơn.

Ví dụ: Công ty X mua 01 xe ô tô phục vụ hoạt động kinh doanh, giá trị xe là 500 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng là 50 triệu đồng, các khoản phí, lệ phí, chi phí khác liên quan là 90 triệu đồng. Vậy nguyên giá của chiếc xe được ghi nhận là 590 triệu đồng. Sau 06 tháng, giá thị trường của chiếc xe tăng lên là 650 triệu đồng thì nguyên giá của chiếc xe đó vẫn không thay đổi.

Đối với tài sản có giá trị biến động như tiền ngoại tệ, cuối kỳ lập báo cáo tài chính doanh nghiệp cần căn cứ tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố để xác định lại giá trị của khoản ngoại tệ đó.

Nguyên tắc 2: “Các quy định và phương pháp kế toán đã chọn phải được áp dụng nhất quán trong kỳ kế toán năm; trường hợp thay đổi các quy định và phương pháp kế toán đã chọn thì đơn vị kế toán phải giải trình trong báo cáo tài chính”.

Nguyên tắc nhất quán giúp số liệu xuyên suốt giữa các kỳ
Nguyên tắc nhất quán giúp số liệu xuyên suốt giữa các kỳ (Ảnh minh hoạ)

Có nhiều phương pháp kế toán để doanh nghiệp có thể lựa chọn sao cho phù hợp với mô hình hoạt động của đơn vị mình. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất một phương pháp xuyên suốt giữa các kỳ kế toán và không nên thay đổi.

Trường hợp thay đổi cần phải báo cáo cơ quan thuế và áp dụng bắt đầu từ kỳ kế toán tiếp theo. Một số trường hợp bất khả kháng thì cần thuyết minh trong báo cáo tài chính.

Nguyên tắc này giúp đảm bảo tính ổn định của số liệu và có thể so sánh được giữa các kỳ kế toán với nhau.

Ví dụ: Đối với hàng tồn kho có 03 phương pháp tính là: nhập trước - xuất trước, bình quân gia quyền, thực tế đích danh. Doanh nghiệp lựa chọn và áp dụng thống nhất một phương pháp thì mới có thể so sánh đối chiếu giá trị hàng tồn kho giữa các năm. Vì mỗi phương pháp tính căn cứ cơ sở số liệu khác nhau và cho ra một kết quả khác nhau.

Nguyên tắc 3: “Đơn vị kế toán phải thu thập, phản ánh khách quan, đầy đủ, đúng thực tế và đúng kỳ kế toán mà nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh”.

Số liệu kế toán đòi hỏi tính khách quan và trung thực
Số liệu kế toán đòi hỏi tính khách quan và trung thực (Ảnh minh hoạ)

Nguyên tắc này nêu rõ yêu cầu của việc thu thập và ghi nhận số liệu các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Kế toán thực hiện theo nguyên tắc sẽ đảm bảo số liệu phản ánh đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp tại mỗi thời điểm quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ví dụ: Ngày 02/12/2023 doanh nghiệp bán lô hàng trị giá 200 triệu đồng (đã bao gồm VAT). Doanh nghiệp đã giao hàng và xuất hoá đơn bán hàng cho bên mua tuy nhiên đến ngày 02/01/2024 doanh nghiệp mới thu được tiền hàng. Áp dụng nguyên tắc này, doanh thu bán lô hàng trên phải được ghi nhận vào doanh thu của năm 2023 chứ không phải năm 2024.

Nguyên tắc 4: “Báo cáo tài chính phải được lập và gửi cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, chính xác và kịp thời. Thông tin, số liệu trong báo cáo tài chính của đơn vị kế toán phải được công khai theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Luật này”.

Báo cáo tài chính gồm 2 loại chính: báo cáo tài chính năm và báo cáo tài chính giữa niên độ (quý, 6 tháng).

Thời hạn nộp báo cáo tài chính: đối với báo cáo quý là chậm nhất 20  ngày kể từ ngày kết thúc quý (riêng công ty mẹ, tổng công ty nhà nước chậm nhất là 45 ngày); đối với báo cáo năm chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính (riêng công ty mẹ, tổng công ty Nhà nước chậm nhất là 90 ngày).

Ngoài việc nộp báo cáo tài chính theo quy định doanh nghiệp cần lưu ý công khai báo cáo tài chính của mình.

Báo cáo tài chính phải công khai theo quy định
Báo cáo tài chính phải công khai theo quy định (Ảnh minh hoạ)

Nguyên tắc 5: “Đơn vị kế toán phải sử dụng phương pháp đánh giá tài sản và phân bổ các khoản thu, chi một cách thận trọng, không được làm sai lệch kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán”.

Nguyên tắc thận trọng đòi hỏi người làm kế toán, trước khi ghi nhận hạch toán một khoản doanh thu hay chi phí cần phải xem xét kỹ lưỡng và có cơ sở chắc chắn. Chính vì vậy, các thông tin tài chính được ghi nhận đảm bảo độ chính xác và đáng tin cậy.

Để áp dụng nguyên tắc thận trọng cần phải lập các khoản dự phòng cần thiết và vừa đủ. Không đánh giá quá cao giá trị tài sản, các khoản thu nhập, đồng thời không đánh giá quá thấp các khoản nợ và chi phí. Doanh thu và chi phí chỉ ghi nhận khi có sự chắc chắn về khả năng thu được, hay bằng chứng về chi phí.

Nguyên tắc 6: “Việc lập và trình bày báo cáo tài chính phải bảo đảm phản ánh đúng bản chất của giao dịch hơn là hình thức, tên gọi của giao dịch”.

Nguyên tắc kế toán yêu cầu phản ánh bản chất hơn hình thức
Nguyên tắc kế toán yêu cầu phản ánh bản chất hơn hình thức (Ảnh minh hoạ)

Trên thực tế, đa số các nghiệp vụ kế toán thì hình thức và nội dung có sự tương đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp nội dung và hình thức khác nhau thì sẽ ưu tiên ghi nhận theo nội dung, đây là yêu cầu của nguyên tắc này.

Ví dụ: Doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại cho khách hàng mua 01 sản phẩm được tặng 01 sản phẩm cùng loại. Về hình thức là khuyến mại nhưng bản chất là bán hàng giảm giá. Do đó, doanh nghiệp phải ghi nhận doanh thu và phân bổ giá vốn cho cả sản phẩm khuyến mại này.

Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản cố định, về hình thức tài sản này không thuộc sở hữu của doanh nghiệp, nhưng về bản chất doanh nghiệp đang kiểm soát, sử dụng và thu lợi từ tài sản này. Do vậy, doanh nghiệp đi thuê tài sản vẫn phải phản ánh thông tin tài sản đi thuê trên Báo cáo tài chính của mình.

Nguyên tắc 7: “Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước ngoài việc thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này còn phải thực hiện kế toán theo mục lục ngân sách nhà nước”.

Như vậy, các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước cần phải lưu ý thực hiện kế toán theo mục lục ngân sách nhà nước. Mục lục ngân sách nhà nước được quy định tại Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 V/v quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

3. Vi phạm nguyên tắc kế toán bị xử lý như thế nào?

Kế toán liên quan đến tài chính nên các vi phạm trong lĩnh vực này ngoài xử phạt hành chính nếu nghiêm trọng có thể phải đối diện với xử phạt hình sự.

Nắm vững nguyên tắc kế toán để tránh sai phạm
Nắm vững nguyên tắc kế toán để tránh sai phạm (Ảnh minh hoạ)

Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 và sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định cụ thể tại Điều 221 về tội: “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Giả mạo, khai man, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man, tẩy xóa tài liệu kế toán;

b) Dụ dỗ, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;

c) Để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị kế toán hoặc tài sản liên quan đến đơn vị kế toán;

d) Huỷ bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ theo quy định của Luật kế toán;

đ) Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của đơn vị kế toán.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Theo đó, các hình thức vi phạm hành chính là cảnh cáo, phạt tiền và một số hình phạt bổ sung khác tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Bất kể ngành nghề hay lĩnh vực nào, việc nắm rõ và tuân thủ những nguyên tắc, quy định của pháp luật là yếu tố bắt buộc. Bài viết trên đây đã làm rõ 07 nguyên tắc kế toán, hy vọng những thông tin hữu ích này sẽ giúp ích cho bạn trong công việc.
Tham gia Group Zalo của LuatVietnam để cập nhật văn bản pháp luật về thuế - kế toán hàng ngày
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Lợi ích của bằng IELTS - Cánh cửa mở ra thành công toàn cầu

Lợi ích của bằng IELTS - Cánh cửa mở ra thành công toàn cầu

Lợi ích của bằng IELTS - Cánh cửa mở ra thành công toàn cầu

Trong thời đại hội nhập quốc tế, việc thông thạo tiếng Anh không chỉ là một kỹ năng quan trọng mà còn là lợi thế cạnh tranh để vươn xa hơn trong học tập và sự nghiệp. Trong số các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, IELTS (International English Language Testing System) nổi bật như một tiêu chuẩn vàng được công nhận toàn cầu.

Doanh nghiệp có bắt buộc phải hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Online Banking không?

Doanh nghiệp có bắt buộc phải hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Online Banking không?

Doanh nghiệp có bắt buộc phải hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Online Banking không?

Thông tư 50/2024/TT-NHNN đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo mật, phòng ngừa các sự cố thông tin xảy ra. Vậy, doanh nghiệp có bắt buộc phải hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Online Banking không?