Mua bán pháo hoa trên Facebook cho dịp Tết có bị phạt không?
Tại thời điểm trước Tết Nguyên đán, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… xuất hiện rất nhiều bài viết rao bán pháo hoa do Nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất.
Mặc dù sản phẩm được rao bán là pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất nhưng việc mua đi bán lại các sản phẩm này trên mạng xã hội lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, khoản 2 Điều 14 Nghị định 137 năm 2020 quy định việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;
b) Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy;
c) Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn;
d) Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.
Như vậy, các cá nhân, tổ chức không thuộc Bộ Quốc phòng và không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự... thì không được mua pháo hoa về bán lại.
Nếu bị cơ quan quản lý thị trường hoặc công an phát hiện, người thực hiện hành vi mua bán pháo hoa trái phép có thể bị phạt hành chính:
-
Theo điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP: Hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.
- Theo điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: Hành vi hoạt động kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với trường hợp mua bán các loại pháo nổ (loại gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian) mà người dân không được phép sử dụng, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm với mức phạt tù lên đến 15 năm.
Mua pháo hoa trên Facebook: Giá đắt, tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ, lừa đảo
Hiện nay, hệ thống cửa hàng được phép kinh doanh pháo hoa của nhà máy Z121 đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, nguồn hàng vẫn chưa đủ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, dẫn đến tình trạng cháy hàng.
Lợi dụng điều này, các mặt hàng pháo hoa của nhà máy Z121 được rao bán lại tràn lan với đủ mức giá. Theo khảo sát, mức giá bán lại của các loại pháo hoa thường cao gấp đôi so với giá nhà máy Z121 niêm yết.
Hai loại pháo hoa phổ biến nhất là giàn phun viên và giàn phun hoa được bán với giá từ 500.000 đến 600.000 đồng/giàn, mặc dù trên thực tế giá của sản phẩm này được niêm yết chỉ ở mức 308.000 đồng/giàn.
Hoạt động rao bán tự do pháo hoa trên mạng không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo và mất an toàn về phòng chống cháy nổ.
Kịch bản lừa đảo phổ biến gần đây là yêu cầu người mua chuyển khoản trước tiền cọc để làm tin với lý do “sợ bị bùng hàng”. Sau khi người mua chuyển tiền, đối tượng lừa đảo sẽ biến mất và cắt đứt liên lạc.
Dù hoạt động mua bán pháo hoa dịp Tết mới chỉ diễn ra trong thời gian gần đây, tuy nhiên đã có không ít người mất tiền oan bởi hình thức lừa đảo này.
Pháo hoa là mặt hàng cần được bảo quản cẩn thận, ngay cả người bán cũng phải được huấn luyện an toàn để phòng, chống cháy nổ. Khi mua hàng không rõ nguồn gốc trên mạng, người mua rất có thể nhận được loại pháo giả hoặc pháo kém chất lượng gây mất an toàn.
Trên đây là giải đáp về: Mua bán pháo hoa trên Facebook cho dịp Tết có bị phạt không? Mọi thắc mắc liên quan vui lòng liên hệ ngay với LuatVietnam theo số 1900.6192 để được tư vấn.