Miễn dịch là gì? Có mấy loại miễn dịch?

Miễn dịch tốt giúp cơ thể khỏe mạnh, không bị lây nhiễm bệnh. Vậy miễn dịch là gì? Cách để tăng cường hệ miễn dịch? Cùng tìm hiểu thông tin và câu trả lời ở nội dung bên dưới nhé!

1. Miễn dịch là gì? Hệ miễn dịch là gì?

Khái niệm miễn dịch 

Theo khoản 12 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm:

Tình trạng miễn dịch là mức độ đề kháng của cá nhân hoặc cộng đồng với một tác nhân gây bệnh truyền nhiễm

Có thể hiểu, miễn dịch là khả năng đề kháng trước mầm bệnh, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc,…

Miễn dịch là gì?
Miễn dịch là gì? (Ảnh minh hoạ)

Miễn dịch khi hoạt động đúng cách giúp cơ thể không bị nhiễm bệnh, chống lại các chất gây dị ứng, các tế bào ung thư, tế bào chết.

Để thực hiện được vai trò bảo vệ cơ thể của mình trước các tác nhân gây hại, miễn dịch hoạt động rất phức tạp, các cơ quan miễn dịch phân bổ khắp cơ thể và hoạt động thống nhất tạo thành hệ miễn dịch.

Khái niệm hệ miễn dịch 

Hệ miễn dịch là hệ thống gồm mô, tế bào, các phân tử biệt hóa và một số các cơ quan trong cơ thể thực hiện vai trò bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.

Hệ miễn dịch ở khắp nơi trong cơ thể:

  • Da, niêm mạc

  • Dịch nhầy

  • Tế bào bạch cầu

  • Các cơ quan và mô của hệ bạch huyết: tuyến ức, lách, amidan, hạch bạch huyết, mạch bạch tuyết và tủy xương.

Chúng cùng với dây thần kinh, tim, hệ thống cơ bắp và xương và đường tiêu hóa, đảm bảo cơ chế hoạt động đúng và thống nhất trên toàn cơ thể.

Hệ miễn dịch hoạt động theo cơ chế ngăn chặn sự xâm nhập và tấn công trực tiếp hoặc gián tiếp các tác nhân gây hại muốn xâm nhập vào cơ thể. Khi hệ miễn dịch tiếp xúc và nhận biết các tác nhân gây hại chúng sẽ sản xuất các protein tương ứng để trung hòa hoặc tiêu diệt tác nhân đó. Các protein đó gọi là kháng thể.

Liệu cơ thể con người luôn tự tạo ra các kháng thể phù hợp để tiêu diệt các tác nhân gây hại, hay cần thêm sự hỗ trợ từ bên ngoài nữa, chúng ta cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo nhé.

2. Có mấy loại miễn dịch?

Phân loại về mặt sinh học thì hệ miễn dịch gồm: miễn dịch tự nhiên và miễn dịch nhân tạo. Chúng không hoạt động độc lập mà có thể phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể.

2.1. Miễn dịch tự nhiên

Miễn dịch tự nhiên hay được gọi là miễn dịch bẩm sinh hoặc miễn dịch không đặc hiệu. Miễn dịch tự nhiên mang yếu tố di truyền, bảo vệ cơ thể từ ban đầu lúc hình thành cơ thể.

Miễn dịch tự nhiên bao gồm những đáp ứng miễn dịch không ghi nhớ, cường độ và quy mô phản ứng như nhau dù là lần đầu hay những lần sau ghi nhận tác nhân gây hại.

Miễn dịch tự nhiên là hàng rào phòng thủ đầu tiên của cơ thể, nó bao gồm:

  • Da, niêm mạc: Da lành lặn sẽ ngăn cản sự tiếp xúc của môi trường bên trong cơ thể với các môi trường bên ngoài. Đây là hàng rào vật lý, hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với các tác nhân gây hại từ bên ngoài.

  • Chất nhầy: Do các tuyến dưới niêm mạc tiết ra, nó tạo ra sự ngăn cản tiếp xúc trực tiếp của các vi khuẩn, vi rút hay các vi sinh vật khác với các tế bào.

  • Khi vi khuẩn xâm nhập qua được lớp da và niêm mạc thì một số hoạt chất từ huyết thanh, acid lactic, acid béo trong tuyến mồ hôi, tuyến mỡ dưới da hay dịch tiết từ các tuyến nước mắt, nước bọt, nước mũi,... chứa enzyme có tác dụng trên vỏ của một số vi khuẩn. Đây là hàng rào hóa học bảo vệ cơ thể.

  • Tế bào thực bào: Tiêu hóa và phá hủy kháng nguyên xâm nhập (gồm bạch cầu đa nhân trung tính trong máu và mô, tế bào đơn nhân trong máu, đại thực bào trong các mô). Đây là hàng rào tế bào bảo vệ cơ thể, nó quan trọng và hoạt động phức tạp nhất trong miễn dịch tự nhiên.

Miễn dịch tự nhiên mang yếu tố di truyền
Miễn dịch tự nhiên mang yếu tố di truyền (Ảnh minh hoạ)

2.2. Miễn dịch nhân tạo

Miễn dịch nhân tạo hay được gọi là miễn dịch thu được hoặc miễn dịch đặc hiệu.

Khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên chủ động như tiêm vắc xin hoặc ngẫu nhiên tiếp xúc, cơ thể sẽ hình thành kháng thể để phá hủy kháng nguyên xâm nhập đó. Sau đó, cơ thể sẽ ghi nhớ, hình thành trạng thái miễn dịch khi tiếp xúc lại với kháng nguyên đó lần sau.

Lần đầu tiếp xúc kháng nguyên xâm nhập đáp ứng miễn dịch sẽ mất thời gian dài, cường độ yếu. Sau quá trình đó, các tế bào sẽ ghi nhớ đáp ứng. Nếu có tiếp xúc lần hai các tế bào sẽ phát triển cực mạnh, tạo kháng thể đặc hiệu nhanh chóng, cường độ mạnh, thời gian đáp ứng lâu. Đây là cơ sở cho việc tiêm vắc xin phòng bệnh.

Trong thực tế, việc tiêm vắc xin phòng những bệnh có thể lây nhiễm ra cộng đồng là vô cùng quan trọng, để đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng, không phát triển thành dịch thì việc tiêm vắc xin được triển khai rộng rãi theo từng độ tuổi.

Tiêm vắc xin tạo miễn dịch nhân tạo cho cơ thể
Tiêm vắc xin tạo miễn dịch nhân tạo cho cơ thể (Ảnh minh hoạ)

Tóm lại, miễn dịch tự nhiên hay nhân tạo đều giúp cơ thể phòng chống bệnh, ngăn cản sự xâm nhập của những tác nhân gây hại như vi rút, vi khuẩn, các vi sinh vật,...Chúng hỗ trợ nhau thông qua cơ chế phức tạp để bảo vệ cơ thể.

3. Nguyên nhân gây suy yếu hệ miễn dịch

Hệ miễn không phải lúc nào cũng hoạt động mạnh mẽ, dưới đây là 6 tác nhân chính gây suy yếu hệ miễn dịch:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh hơn vì vòng đời của các tế bào đã đi vào những chu kỳ cuối, cơ thể bị lão hóa dẫn đến hệ miễn dịch bị suy yếu.

  • Lạm dụng thuốc: Có những loại thuốc nếu sử dụng không đúng cách làm ức chế miễn dịch như: kháng sinh, corticoid, thuốc hóa trị ung thư,...Nên nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ để phát huy tác dụng của thuốc cũng như bảo vệ hệ miễn dịch.

  • Ăn uống thiếu chất: Nếu thường xuyên ăn thiếu chất, ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều đồ dầu mỡ, cay nóng, sử dụng chất kích thích, uống rượu bia,...cơ thể sẽ bị quá tải, đào thải độc tố chậm dẫn đến suy yếu miễn dịch.

  • Lười vận động: Lười vận động khiến tế bào trong cơ thể, các sản phẩm của hệ miễn dịch khó lưu thông hoặc bị tắc nghẽn, dẫn đến đáp ứng miễn dịch chậm, hệ miễn dịch không hoàn thành được vai trò của nó.

  • Stress: Cơ thể căng thẳng sẽ khiến cho các tế bào miễn dịch phản ứng chậm, cơ thể tiết ra hooc môn cortisol làm chậm đáp ứng miễn dịch.

  • Ngủ ít hoặc ngủ không ngon giấc: Khi cơ thể không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi, các tế bào không có thời gian nạp năng lượng, sửa chữa tổn thương thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của chúng. Điều này cũng làm suy yếu hệ miễn dịch.

Hệ miễn dịch bị suy yếu vì nhiều nguyên nhân
Hệ miễn dịch bị suy yếu vì nhiều nguyên nhân (Ảnh minh hoạ)

4. Cách nào để tăng cường hệ miễn dịch?

Tăng cường miễn dịch bằng các hoạt động như sau:

  • Tiêm vắc xin: Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 của Quốc Hội thì “vắc xin là chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh”. Vì vậy việc tiêm chủng đầy đủ luôn được khuyến cáo để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

  • Ăn uống khoa học: Quan trọng hơn hết là đảm bảo an toàn thực phẩm khi chọn vật phẩm ăn uống, ăn uống đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho cơ thể từ rau củ, trái cây, thịt, các loại hạt, ngũ cốc nguyên chất, protein và chất béo lành mạnh.

  • Luyện tập thể dục thể thao: Khi vận động, máu và các tế bào miễn dịch lưu thông tốt, trao đổi chất tốt, vì vậy cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn. Hãy chọn một chế độ thể thao phù hợp, vừa sức để tập luyện.

Tăng cường miễn dịch bằng các hoạt động lành mạnh
Tăng cường miễn dịch bằng các hoạt động lành mạnh (Ảnh minh hoạ)
  • Uống đủ nước: Uống đủ nước giúp máu lưu thông tốt, hệ tiêu hóa chuyển hóa tốt, các tế bào lưu thông tốt nên hệ miễn dịch cũng hoạt động tốt.

  • Ngủ đủ giấc: Cơ thể cần thời gian để tái tạo năng lượng, các tế bào vẫn sửa chữa, trao đổi chất trong khi ngủ cũng như hoạt động, nhưng cần cân bằng 2 trạng thái, có thời gian nghỉ để các cơ quan không bị hoạt động quá mức.

  • Giảm căng thẳng, mệt mỏi: Hãy thư giãn khi cảm thấy quá căng thẳng bằng cách thiền, tập yoga, thể dục thể thao,... Sức khỏe tinh thần tốt là tiền đề cho thể chất tốt.

Trên đây là những thông tin về miễn dịch là gì, những cách để tăng cường hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch đóng vai trò là hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh. Vì vậy, việc tăng cường sức khỏe, củng cố hệ miễn dịch là chìa khóa để giúp cơ thể phát triển, phòng chống bệnh tật.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.