Thủ đoạn tinh vi của chiêu trò lừa đảo nhận quà từ nước ngoài
Thời gian gần đây, Công an cả nước liên tục nhận trình báo về các trường hợp nghi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua việc đóng phí để nhận quà có giá trị gửi từ nước ngoài.
Qua mô tả của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo thường tạo cho mình vỏ bọc là người có ngoại hình đẹp, có công việc đàng hoàng tử tế, cuộc sống giàu sang. Sau một thời gian quen biết, trò chuyện, các đối tượng lừa đảo sẽ ngỏ ý gửi các món quà đắt tiền, có giá trị lớn về Việt Nam.
Đáng chú ý, mặc dù chưa từng gặp ngoài đời nhưng nhiều nạn nhân lại dễ dàng đánh mất cả trăm triệu với hy vọng được nhận quà có giá trị do bạn ở nước ngoài gửi về.
Từ các vụ việc được nạn nhân trình báo, bị công an phát hiện, xử lý, có thể nhận thấy quy trình đặc trưng trong hình thức lừa đảo này:
Thứ nhất: Các đối tượng lừa đảo tự xưng là người nước ngoài hoặc Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài kết bạn qua mạng xã hội như Facebook, Skype
Sau khi đồng ý kết bạn, những người này sẽ chủ động làm quen rồi thường xuyên nhắn tin, trò chuyện để dụ dỗ và chiếm cảm tình của nạn nhân.
Thứ hai: Ngỏ ý gửi quà có giá trị từ nước ngoài về Việt Nam
Khi thấy “con mồi” đã cắn câu, các đối tượng lừa đảo sẽ đề nghị tặng quà nạn nhân hoặc nhờ làm trung gian để gửi quà từ nước ngoài gửi về Việt Nam.
Những món quà này thường là các vật có giá trị như tiền, vàng, đồ trang sức…
Nếu suy nghĩ kỹ, rất dễ nhận ra dấu hiệu bất thường ở đây là hai người lạ chưa từng gặp mặt không thể tin tưởng để gửi quà có giá trị. Tuy nhiên, do đã bị dụ dỗ với những lời hứa hẹn ngon ngọt, nạn nhân vẫn bất chấp nghe theo.
Thứ ba: Gặp rắc rối về thủ tục nhận quà, phải nộp tiền để chuộc
Sau khi khai thác được thông tin về số điện, địa chỉ… của nạn nhân. Các đối tượng lừa đảo sẽ lấy danh nghĩa của công ty giao hàng, nhân viên hải quan hoặc ngân hàng gọi điện yêu cầu nộp phí vận chuyển, thuế hải quan, nộp phạt vì một lý do nào đó.
Thứ tư: Cắt đứt liên lạc với nạn nhân sau khi nhận tiền
Sau khi nạn nhân sập bẫy và chuyển khoản tiền vào số tài khoản lạ. các đối tượng lừa đảo sẽ lập tức bốc hơi khỏi mạng xã hội.
Một số hình ảnh mạo danh người nước ngoài để lừa đảo
Bị lừa đảo nhận quà từ nước ngoài, làm thế nào để đòi lại tiền?
Việc tự mình lấy lại số tiền bị lừa đảo là rất khó thực hiện bởi người bị hại chỉ được cung cấp thông tin giả mạo và không hề biết kẻ lừa đảo phía sau màn hình là ai, sinh sống ở đâu.
Cách duy nhất để có thể xử lý được kẻ lừa đảo cũng như lấy lại số tiền bị lừa là lên trình báo lừa đảo với cơ quan Công an có thẩm quyền.
Để giúp cho việc điều tra được thuận lợi, nạn nhân cần thu thập tất cả các thông tin có liên quan như tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… và cung cấp cho Công an.
Trường hợp làm đơn tố giác lừa đảo gửi đến cơ quan Công an, người tố giác cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân;
- Chứng cứ chứng minh như: Tin nhắn, hình ảnh, ghi âm… liên quan đến hành vi lừa đảo.
Ngoài ra, nạn nhân cũng có thể trình báo lừa đảo bằng cách nhắn tin qua các trang thông tin hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng của cơ quan Công an các tỉnh, thành phố:
- Công an Thành phố Hà Nội:
+ Số điện thoại đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội: https://www.facebook.com/ConganThuDo;
+ Số điện thoại đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053;
+ Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân gọi đến số điện 08.3864.0508 để trình báo về lừa đảo qua mạng.
Về mức phạt, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Trên đây là các thông tin liên quan đến vấn đề lừa đảo nhận quà từ nước ngoài. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.