Lừa đảo là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Người thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Vậy, lừa đảo là gì? Lừa đảo bao nhiêu tiền thì bị đi tù?
Lừa đảo là gì?
Lừa đảo là việc dùng thủ đoạn gian dối nhằm đánh lừa người khác để mưu lợi, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối rất đa dạng, được sử dụng để giấu giếm nội dung sai sự thật làm cho người khác tin, tưởng là thật mà giao tiền, các tài sản khác cho đối tượng lừa đảo.
Theo đó, lừa đảo được thực hiện trước hoặc liền ngay với hành động chiếm đoạt tài sản bằng các hình thức: Nói dối; dùng giấy tờ giả mạo; giả danh cơ quan Nhà nước... Hiện nay, lừa đảo qua điện thoại và lừa đảo trên không gian mạng được xem là các hình thức lừa đảo phổ biến.
Tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 cũng ghi nhận về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), trong đó quy định rõ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là việc sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Căn cứ vào mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi lừa đảo, kẻ lừa đảo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lừa đảo bao nhiêu tiền thì bị đi tù?
Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nêu rõ, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu nhưng thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
- Đã bị phạt hành chính trước đó nay lại tái phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội: Cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cướp giật tài sản; cưỡng đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội;
- Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Mức phạt Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, hình phạt áp dụng với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:
Hình phạt chính
- Khung 01:
Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm trong trường hợp:
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
- Khung 02:
Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc danh nghĩa cơ quan, tổ chức;…
- Khung 03:
Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Khung 04:
Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu thuộc một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Hình phạt bổ sung
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi lừa đảo sẽ bị xử phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị đinh 144/2021/NĐ-CP.
Người dân nên biết: Một số chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay được thực hiện dưới nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau, dưới đây LuatVietnam sẽ điểm mặt một số chiêu trò lừa đảo phổ biến để bạn đọc chủ động phòng tránh:
+ Nhận quà, tiền từ bạn ngoại quốc làm quen qua Facebook, Zalo,...: Thông qua các mạng xã hội, đối tượng lừa đảo làm quen và tự giới thiệu là người nước ngoài, sau một thời gian nói chuyện sẽ ngỏ ý muốn gửi quà, tiền về Việt Nam và yêu cầu người bị hại phải nộp tiền vận chuyển, thuế, phí...
+ Hack Facebook để nhắn tin mượn tiền, nạp thẻ điện thoại: Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt quyền quản trị của một người bất kỳ sau đó dưới danh nghĩa của người này, nhắn tin cho bạn bè của họ trên Facebook để mượn tiền.
+ Gửi đường link độc, giả để đánh cắp thông tin ngân hàng, tài khoản đăng nhập, mã OTP... sau đó thực hiện lệnh rút tiền và chiếm đoạt...
+ Giả mạo Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án… gọi điện cho người dân để khai thác thông tin cá nhân, sau đó dùng các thông tin này để làm lệnh bắt, khởi tố... nhằm gây sức ép yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ điều tra.
+ Giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn… mời chào, cung cấp các khoản vay online, sau đó yêu cầu nạn nhân nộp khoản trả góp ban đầu, lệ phí... rồi chiếm đoạt.
+ Giả danh công ty sổ xố, nhân viên trung tâm mua sắm gọi điện thông báo trúng thưởng và yêu cầu nạn nhân nộp khoản tiền thuế để nhận thưởng...
Có thể thấy, các chiêu trò lừa đảo đang ngày càng trở nên tinh vi, nếu không cảnh giác, người dân rất dễ sập bẫy lừa đảo, tiền mất tật mang.
Xem thêm: Cách lấy lại tiền khi bị lừa đảo
Trên đây là giải đáp về Lừa đảo là gì? Mọi trường hợp lừa đảo trên thực tế đều được LuatVietnam hỗ trợ, tư vấn cụ thể qua tổng đài 1900.6192 .