Lừa đảo chốt đơn ảo: Nhận diện chiêu trò lừa đảo và cách xử lý

Cùng với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử (TMĐT), đã có nhiều hình thức lừa đảo qua mạng xuất hiện. Trong đó, phổ biến nhất hiện nay là lừa đảo tuyển cộng tác viên (CTV) chốt đơn ảo cho các sàn thương mại điện tử. Vậy, thực hư chiêu trò lừa đảo chốt đơn ảo thế nào?

1. Vỡ mộng “việc nhẹ, lương cao” với công việc CTV chốt đơn ảo

Thời gian gần đây, tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam liên tục nhận được các cuộc gọi phản ánh về hình thức tuyển dụng cộng tác viên chốt đơn ảo và đáng tiếc thay, trong số đó có không ít người đã trở thành nạn nhân. Mặc dù trên các trang báo mạng, tivi,... cũng đã không ít lần cảnh báo về chiêu lừa đảo này, thế nhưng ngày càng có nhiều người sập bẫy.

1.1 Quy trình lừa đảo tuyển CTV chốt đơn ảo

Mặc dù thủ đoạn lừa đảo này hướng đến nhiều đối tượng khác nhau không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, học vấn... nhưng hầu hết các đối tượng đều thực hiện hành vi lừa đảo theo quy trình sau:

Bước 01: Nhà tuyển dụng (đối tượng lừa đảo) mạo danh nhân viên của các sàn TMĐT đăng tin tuyển CTV làm việc tại nhà, lương cao trên các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo...

Bước 02: Cộng tác viên (nạn nhân) được cấp mã đăng nhập vào các app, đường link mang tên nhiều sàn TMĐT lớn như: Shopee, Lazada...

Bước 03: Sau khi đăng nhập, CTV phải chuyển tiền chốt đơn, giả vờ mua hàng để tăng tương tác và uy tín. Số tiền ứng trước mua hàng sẽ được hoàn trả cùng với hoa hồng từ 10 - 30% giá trị mỗi đơn hàng.

Bước 04: Đối tượng lừa đảo ban đầu gửi tiền lãi cho nạn nhân với những đơn hàng có giá trị thấp.

Càng về sau, khi đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng chần chừ hoàn trả tiền, đến khi nạn nhân không thể tiếp tục chốt đơn nữa thì các đối tượng chặn tài khoản và biến mất.

Về cơ bản, công việc chốt đơn này là tương đối đơn giản, CTV chỉ cần ngồi nhà cùng với một chiếc điện thoại thông minh là hoàn toàn có thể kiếm tiền, thậm chí là rất nhiều tiền như phía nhà tuyển dụng hứa hẹn. Thế nhưng, thực chất đây chỉ là một chiếc bẫy hết sức tinh vi đánh thẳng vào tâm lý muốn tìm một công việc nhẹ, lương cao của nhiều người mà hậu quả để lại là tiền mất, tật mang.

1.2 Mô hình hoạt động của đường dây lừa đảo tuyển CTV chốt đơn ảo

Hoạt động lừa đảo tuyển CTV chốt đơn ảo được thực hiện bởi một đường dây chuyên nghiệp, trong đó, đường dây này phân thành các cấp hoạt động sau:

- Cấp cao nhất là đối tượng cầm đầu;

- Tiếp đến các đối tượng có nhiệm vụ quản lý tiền thu chi và quản lý nhân viên.

- Cấp cuối là những người được giao nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng, đây cũng là cấp có đông đảo người tham gia nhất.

Với mô hình được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản như trên, các đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận “con mồi” và thực hiện hành vi lừa đảo với phạm vi rất rộng.

2. Cách nhận diện chiêu trò lừa đảo tuyển CTV chốt đơn ảo

Để không trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo tuyển CTV chốt đơn ảo, người dân cần lưu ý về một số dấu hiệu lừa đảo sau đây:

- Cẩn trọng với các tin tuyển dụng có nội dung “Tuyển CTV chốt đơn hàng việc tại nhà, lương cao, không yêu cầu máy tính, kinh nghiệm”; “Tuyển CTV check đơn nhận 300k/ngày”... Khi nhận được các thông tin tuyển dụng này, càng tìm hiểu kỹ thông tin của phía tuyển dụng xem có uy tín và đáng tin cậy hay không.

- Các đường link lừa đảo thường có cú pháp “Tên của sàn thương mại điện tử + Ký hiệu lạ”, do đó, cần kiểm tra kỹ trước khi bấm vào các đường link này.

- Khi mời gọi nạn nhân trở thành CTV, các đối tượng sẽ đưa ra những lời hứa hẹn và cam kết miệng về công việc có thu nhập cao, thậm chí ban đầu chúng sẽ nạp cho nạn nhân một khoản tiền nhỏ khoảng vài chục nghìn đồng để tạo dựng lòng tin. Do vậy cần tỉnh táo trước những lời mời gọi này để không bị sập bẫy.

- Khi đã trở thành CTV, ngay khi nhận thấy có dấu hiệu phía bên tuyển dụng chần chừ hoàn trả tiền hoặc có dấu hiệu lừa đảo khác, người dân không nên tiếp tục chốt đơn, mua hàng bởi càng về sau, giá trị đơn hàng sẽ càng lớn, số tiền bị mất sẽ càng nhiều...

3. Bị mất tiền do lừa đảo, làm thế nào để lấy lại được?

Nếu không may trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, nạn nhân cần đến ngay cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm gồm:

- Cơ quan điều tra;

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

- Viện kiểm sát các cấp;

- Các cơ quan, tổ chức khác: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

>> Tổng đài giải đáp thắc mắc về cách tố cáo lừa đảo: 1900.6192 , bạn đọc gọi ngay để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Như vậy, khi bị lừa đảo, nạn nhân cần làm Đơn tố giác tội phạm lừa đảo và gửi tới một trong các cơ quan có thẩm quyền nêu trên để được giải quyết kịp thời. Cần lưu ý rằng, để thuận lợi cho quá trình giải quyết, nạn nhân cần thu thập và chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hành vi lừa đảo như: Tin nhắn; file ghi âm cuộc gọi; giao dịch chuyển tiền....

Sau khi nhận được tin tố giác, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận và lấy lời khai, lời trình bày ban đầu. Sau khi xác minh vụ việc thấy có dấu hiệu của tội phạm sẽ tiến hành khởi tố vụ án và giải quyết, đòi lại tiền cho bị hại.

Bên cạnh việc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt của bị hại, các đối tượng còn phải chịu các hình thức xử phạt theo quy định pháp luật. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi lừa đảo, có thể áp dụng xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo đó:

- Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng lừa đảo có thể bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

- Trường hợp đủ điều kiện cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng lừa đảo có thể bị xử phạt tù thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm và mức phạt cao nhất là từ 12 - 20 năm tù hoặc tù chung thân (theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).

4. Một số vướng mắc thường gặp liên quan đến lừa đảo tuyển CTV chốt đơn

4.1 Công việc làm CTV chốt đơn Shopee kiếm tiền là gì?

Hiện nay có rất nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo... đăng tin tuyển CTV chốt đơn hàng cho Shopee. Theo đó, người tham gia sẽ đặt mua các sản phẩm theo chỉ định (nhưng không được nhận hàng thật), sau đó thanh toán tiền cho các sản phẩm đã đặt.

Điều đáng nói, CTV được hứa hẹn sẽ hoàn tiền gốc cùng với mức hoa hồng tương ứng. Đặc biệt trong những lần đầu khách hàng sẽ được nhận lại tiền như đã nói. Tuy nhiên khi mua đơn hàng cao hơn thì không được hoàn trả.

4.2 Công việc CTV của Shopee có lừa đảo không?

Liên quan đến công việc này, phía đại diện của Shopee đã khẳng định rằng không có chương trình tuyển dụng CTV Shopee, đồng thời sàn TMĐT này cũng đã cảnh báo người dùng về phương thức tuyển dụng nêu trên.

Do đó, tính đến thời điểm hiện tại thì công việc CTV chốt đơn hàng của Shopee thực chất chỉ là trá hình cho một chiêu lừa đảo tinh vi.

4.3 Cách lấy lại tiền khi bị lừa đảo trên Shopee thế nào?

Như đã trình bày ở các phần trên, người bị hại hoàn toàn có thể làm Đơn tố giác tội phạm kèm theo các tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo và gửi tới cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết, đòi lại tiền.

Khi tố cáo tội phạm, bị hại cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

- Đơn tố cáo tội phạm lừa đảo;

- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người tố cáo;

- Các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo tuyển CTV chốt đơn.

Trên đây là toàn bộ giải đáp liên quan đến chiêu trò lừa đảo chốt đơn ảo. Nếu chẳng may trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo này, vui lòng gọi tới 1900.6192 để được hỗ trợ kịp thời.

Tháng 8/2022, LuatVietnam triển khai chuyên đề pháp luật Lừa đảo qua mạng, giúp cộng đồng nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các hành vi lừa đảo trên môi trường mạng hiện nay. Xem chi tiếttại đây
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(9 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.

Làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1?

Để đảm bảo cho việc cung cấp và sử dụng các trò chơi điện tử trên mạng được an toàn cho người dùng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến hoạt động này. Vậy làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng?

Mẫu đơn đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã được ban hành ngày 09/11/2024. Trong đó, đáng chú ý là các quy định chi tiết về cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Vậy để đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, doanh nghiệp phải sử dụng mẫu đơn nào?

Điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là trang mạng điện tử rất phổ biến hiện nay. Vậy điều kiện để được cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì và những quy định nào doanh nghiệp cần biết khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội?