Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 2 triệu, bị phạt thế nào?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những hành vi phạm tội được thực hiện phổ biến hiện nay. Tùy vào giá trị tài sản chiếm đoạt, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải lĩnh mức án tù khác nhau. Vậy, trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 2 triệu, đi tù bao nhiêu năm?

1. Mức phạt lừa đảo chiếm đoạt tiền trên 2 triệu

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là việc một người dùng thủ đoạn gian dối, cố ý đưa ra các thông tin không đúng sự thật để người khác tin và giao tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản.

Người thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu nhưng thuộc một trong các trường hợp sau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Cướp giật tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; Trộm cắp tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

Theo đó, hình phạt chính và hình phạt bổ sung với tội này như sau:

- Hình phạt chính:

Khung 01:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm trong trường hợp:

Người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá từ 02 triệu đồng - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

Khung 02:

Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

+ Có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng;

+ Tái phạm nguy hiểm;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

Khung 03:

Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

+ Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 04:

Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

- Hình phạt bổ sung:

Bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Có thể thấy, tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải chịu các mức phạt tù khác nhau. Với giá trị tài sản chiếm đoạt được từ 02 - dưới 50 triệu đồng, người phạm tội có thể lĩnh án tù đến 03 năm.

lua dao chiem doat tai san tren 2 trieu
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 2 triệu, bị phạt thế nào? (Ảnh minh họa)

2. Làm thế nào để lấy lại tiền khi bị lừa đảo?

Khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo, dù với bất cứ hình thức nào: Qua Facebook, Zalo, lừa chuyển khoản... bị hại/người bị lừa đảo có thể làm theo các bước sau đây:

Bước 01: Thu thập thông tin, chứng cứ lừa đảo

Để có thể yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ, giải quyết vụ việc, bạn cần có thông tin, chứng cứ về đối tượng lừa đảo và hành vi lừa đảo, càng nhiều thông tin thì khả năng giải quyết được vụ việc càng cao. Các thông tin, chứng cứ cần thiết gồm:

- Thông tin đối tượng lừa đảo: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email, số tài khoản... (trong trường hợp biết rõ người lừa đảo).

- Thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan: Ảnh chụp, ghi âm, ghi hình, tin nhắn, chứng từ thanh toán liên quan đến hành vi lừa đảo và giao dịch chuyển tiền, thanh toán...

- Các loại tài liệu, chứng cứ khác (nếu có).

Bước 02: Tố giác tội phạm đến cơ quan tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm

Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017, các cơ quan Nhà nước sau đây sẽ có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của người dân:

- Cơ quan điều tra;

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

- Viện kiểm sát các cấp;

- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an...

Đơn giản nhất, bạn có thể tới ngay cơ quan Công an nơi mình cư trú để trình báo vụ việc, các giấy tờ, tài liệu cần mang theo gồm:

- Đơn trình báo vụ việc;

- Giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân...);

- Các tài liệu, chứng cứ.

Sau khi đã tố giác tội phạm, khi thấy đủ hồ sơ, chứng cứ, cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra, giúp bạn giải quyết vụ việc lừa đảo. Bạn cần hợp tác với cơ quan chức năng để giúp quá trình điều tra vụ án được thuận lợi và nhanh chóng hơn.

>> Gọi ngay tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được hướng dẫn cụ thể hơn.

3. Để không sập bẫy lừa đảo, cần ghi nhớ những điều này

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các chiêu thức lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi và khó đoán. Để không sập bẫy lừa đảo, cần lưu ý:

- Tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, thông tin giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân) cho người lạ, nhất là các đường link yêu cầu điền những thông tin này trên zalo, facebook...

- Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể cả là của người thân, bạn bè.

- Không chuyển tiền cho bất kỳ tài khoản nào khi chưa xác thực rõ thông tin chủ tài khoản.

- Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; hạn chế công khai ngày sinh, số Căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng trên mạng...

Xem thêm: Điểm danh 8 chiêu trò lừa đảo phổ biến qua mạng cần cảnh giác

4. Lừa đảo chiếm đoạt tiền nhưng đã trả lại có bị đi tù không?

Tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại quy định như sau:

“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.

Theo đó, mặc dù đã trả hết số tiền lừa đảo, người bị lừa đã rút đơn tố cáo nhưng vì Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 không thuộc một trong các trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại được liệt kê ở trên nên cơ quan điều tra vẫn tiếp tục khởi tố vụ án theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Tuy nhiên, việc trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho nạn nhân sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”.
Trên đây là giải đáp về Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 2 triệu. Nếu gặp vướng mắc về các quy định liên quan, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia của LuatVietnam tư vấn chi tiết.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Từ vụ nghi lừa đảo 100 container điều: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý gì?

Từ vụ nghi lừa đảo 100 container điều: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý gì?

Từ vụ nghi lừa đảo 100 container điều: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý gì?

Cộng đồng doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản những ngày gần đây đặc biệt chú ý đến sự việc một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều Việt Nam xuất khẩu 100 container hạt điều sang Ý nhưng bị nghi lừa đảo.