[Thông tin cần biết] Lịch sử ngày truyền thống luật sư Việt Nam

Luật sư là một trong những nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, mang lại sự công bằng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhân kỷ niệm 11 năm ngày truyền thống, cùng tìm hiểu về lịch sử ngày luật sư Việt Nam.

Lịch sử ngày luật sư Việt Nam

Theo ghi nhận trong lịch sử phát triển trên thế giới, manh nha của nghề luật sư đã xuất hiện từ Thế kỷ thứ V trước Công nguyên, với sự tồn tại của "một Hội đồng xét xử có sự tham gia của mọi người dân” trong nhà nước Hy Lạp cổ đại.

Qua thời gian, hình thức tố tụng dần được hoàn thiện hơn. Bên cạnh người có chức năng xét xử còn có sự tham gia của người có chuyên môn (luật sư), để việc xét xử tránh sai sót.

Tại Việt Nam, ngành luật nói chung, nghề luật sư nói riêng tại Việt Nam chủ yếu được hình thành dưới thời thuộc Pháp và hoạt động luật sư ở Việt Nam đã có từ trước Cách mạng tháng 8/1945.

Về đào tạo ngành luật, Tổng thống Cộng hòa Pháp là Paul Doumer đã ra Sắc lệnh ngày 11/9/1931 thành lập trường Đại học Luật, trực thuộc Đại học Đông Dương để đào tạo cử nhân luật. Năm học đầu tiên của trường Đại học Luật được khai giảng vào ngày 15/2/1932, do Toàn quyền Pierre Pasquier chủ tọa.

Lúc này, trường đang trong giai đoạn quá độ, chuyển đổi từ trường Cao học Đông Dương lên, do vậy vào năm 1932 chỉ giảng dạy để cấp Chứng chỉ luật Đông Dương (Certificat d’études juridiques indochinoise). Lớp cử nhân luật được khai giảng vào ngày 13/02/1933.

Trường Luật Hà Nội (1931-1945) đã giúp cho bộ phận nhỏ thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ được học hỏi, tiếp cận một cách có hệ thống với văn minh pháp quyền phương Tây, văn minh lập pháp cần thiết để xây dựng xã hội.

Về lịch sử ngày luật sư Việt Nam có thể khái quát thông qua các văn bản, các mốc thời gian dưới đây:

(1) Ngày 10/10/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL

- Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy tư pháp được tổ chức lại. Chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhằm đảm bảo quyền con người cũng như phát huy quyền dân chủ trong chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 về tổ chức đoàn thể luật sư.

Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy định việc duy trì tổ chức luật sư trong đó đã có sự vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật của chế độ cũ về luật sư nhưng không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hoà.

Sắc lệnh số 46/SL được xem là sắc lệnh đầu tiên về luật sư thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Cách mạng lâm thời và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chế định luật sư ở nước ta.

(2) Hiến pháp năm 1946: Khẳng định quyền tự bào chữa/mượn luật sư bào chữa là quyền quan trọng của bị cáo

- Tại Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thực hiện, Điều thứ 67 đã quy định“các phiên tòa án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”.

Có thể thấy, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946 khẳng định quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư bào chữa là một trong những quyền quan trọng của bị cáo. Và hiện nay hành lang pháp lý cho hoạt động luật sư là Luật Luật sư được Quốc hội thông qua năm 2006, đã được sửa bổ sung năm 2012.

(3) Quyết định 149/QĐ-TTg: Công bố chính thức Ngày truyền thống luật sư Việt Nam

Sau 68 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh 46/SL đánh dấu cho sự ra đời của nghề luật sư tại Việt Nam, ngành luật sư Việt Nam đã chính thức có "Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam". Cụ thể:

- Tại Điều 1 Quyết định 149/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ:

“Lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là “Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam.

Như vậy, ngày truyền thống luật sư Việt nam là ngày 10/10 hằng năm. Và năm 2024 là thời điểm kỷ niệm 11 năm thành lập ngày truyền thống luật sư Việt Nam.

lịch sử ngày luật sư việt nam
Lịch sử ngày luật sư Việt Nam (Ảnh minh họa)

Yêu cầu khi tổ chức Ngày truyền thống luật sư Việt Nam

Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm cứ vào ngày 10/10, Liên đoàn luật sư Việt Nam cùng Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có các hoạt động tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam.

Việc tổ chức Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam hàng năm đảm bảo các quy định tại Điều 2 Quyết định 149/QĐ-TTg năm 2013 như sau:

- Thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả và tránh hình thức

- Giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua yêu nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

- Biểu dương, khen thưởng bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động luật sư, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, Liên đoàn luật sư Việt Nam căn cứ vào quy định hiện hành có trách nhiệm hướng dẫn Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Ngày truyền thống của luật sư Việt Nam theo đúng nội dung, yêu cầu quy định nêu trên.

Trên đây là thông tin về Lịch sử ngày luật sư Việt Nam.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Tổ chức tài chính vi mô là gì? Ai được vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô?

Tổ chức tài chính vi mô là gì? Ai được vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô?

Tổ chức tài chính vi mô là gì? Ai được vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô?

Hiện nay, tổ chức tài chính vi mô đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế và giảm nghèo ở Việt Nam, cũng như ở nhiều quốc gia đang phát triển khác. Vậy tổ chức tài chính vi mô là gì? Ai được vay vốn tại tổ chức tài chính vi mô?