Hành vi lập khống chứng từ kế toán để rút tiền quỹ, ngân sách hiện nay xảy ra khá phổ biến với nhiều mức độ khác nhau. Vậy, lập khống chứng từ kế toán phạm tội gì? Mức xử phạt hành vi lập khống chứng từ thế nào theo quy định mới nhất?
Thế nào là hành vi lập khống chứng từ kế toán?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Kế toán số 88/2015/QH13, chứng từ kế toán là các giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán, ví dụ: Phiếu chi, Phiếu thu, Phiếu xuất - nhập kho, Biên lai thu tiền,…
Theo đó, người lập, người duyệt và những người khác ký tên trên chứng từ kế toán phải chịu trách nhiệm về nội dung của chứng từ kế toán.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người có chức vụ, quyền hạn tron quản lý chứng từ kế toán như giám đốc, kế toán, thủ quỹ,… lại có hành vi lập khống chứng từ để thực hiện mục đích cá nhân. Có thể hiểu đây là hành vi lập nên những chứng từ không có thật trên thực tế hoặc chỉ có một phần thông tin đúng sự thật, những chứng từ này bị coi là không hợp pháp.
Việc lập khống chứng từ kế toán thường nhằm mục đích để bù cho những khoản chi không có chứng từ hoặc không lấy được chứng từ và các khoản chi không hợp pháp khác, sau đó số tiền từ việc lập khống này sẽ được các đối tượng chiếm đoạt và sử dụng vào mục đích cá nhân.
Lập khống chứng từ kế toán phạm tội gì?
Như đã trình bày ở trên, lập khống chứng từ kế toán là hành vi cố tình lập các giấy tờ tài chính không có thật để làm căn cứ ghi sổ kế toán, sau đó rút tiền từ các khoản lập khống này để chiếm đoạt và chi tiêu cho mục đích cá nhân.
Thông thường, người thực hiện hành vi lập khống chứng từ là kế toán, thủ quỹ của cơ quan, doanh nghiệp, đây là những người có quyền quản lý sổ kế toán.
Theo đó, hành vi lập chứng từ khống có thể bị xử lý hình sự về Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi bởi Luật số 12/2017/QH14.
Cụ thể, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ trên 02 triệu đồng trở hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý hình sự về Tội tham ô tài sản:
- Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về một trong các tội: Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Cũng tại Điều 353 Bộ luật Hình sự quy định về mức phạt Tội này như sau:
Khung hình phạt | Hành vi | Mức phạt | |
Hình phạt chính | Khung 01 | Tham ô tài sản từ 02 - dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp pháp luật quy định. | Phạt tù từ 02 - 07 năm |
Khung 02 | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: - Có tổ chức; - Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; - Phạm tội 02 lần trở lên; - Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100 - dưới 500 triệu đồng; - Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng… - Gây thiệt hại về tài sản từ 01 – dưới 03 tỷ đồng; - Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức. | Phạt tù từ 07 - 15 năm | |
Khung 03 | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: - Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu - dưới 01 tỷ đồng; - Gây thiệt hại về tài sản từ 03 - dưới 05 tỷ đồng; - Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; - Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động. | Phạt tù từ 15 - 20 năm | |
Khung 04 | Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: - Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 01 tỷ đồng trở lên; - Gây thiệt hại về tài sản từ 05 tỷ đồng trở lên. | Phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình | |
Hình phạt bổ sung | Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 - 05 năm, bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Trên đây là giải đáp về Lập khống chứng từ kế toán phạm tội gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.