Lao động là gì? Những nội dung quan trọng trong Bộ luật Lao động

Lao động là gì? Lực lượng lao động là gì? Bộ luật Lao động của nước ta có những nội dung quan trọng nào? Cùng LuatVietnam tìm lời giải đáp cho những vấn đề trên trong nội dung bài viết dưới đây.

1. Lao động là gì?

Có 2 khái niệm quan trọng cần tìm hiểu trong nội dung này, đó là:

1.1 Khái niệm lao động

Pháp luật hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể nào về lao động. Thông thường lao động được hiểu là tập hợp các hoạt động có mục đích của con người, là sự kết hợp của sức lao động và tư liệu sản xuất để tạo ra của cải, vật chất phục vụ cho nhu cầu trong đời sống của con người.

Hai hình thức lao động là lao động trí óc và lao động chân tay.

  • Lao động chân tay là người lao động sử dụng sức mạnh cơ bắp kết hợp với công cụ lao động để làm việc.

  • Còn người lao động trí óc thì vận dụng kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình cùng với công cụ, phương tiện, máy móc để sản xuất của cải, vật chất.

Lao động là điều không thể thiếu đối với xã hội, nó giúp con người nâng cao chất lượng cuộc sống và là động lực cho sự phát triển không ngừng của xã hội. Cũng thông qua lao động mà con người phát hiện ra những đặc tính và quy luật của thế giới tự nhiên, để từ đó cải tiến phương thức, thao tác, công cụ nhằm nâng cao hiệu quả lao động.

lao-dong-la-gi
Lao động là gì? (Ảnh minh họa)

1.2 Lực lượng lao động là gì?

Lực lượng lao động hay dân số hoạt động kinh tế hiện tại là một nhóm người trong một quốc gia hoặc khu vực có khả năng lao động, đang tham gia hoặc sẵn sàng tham gia vào hoạt động kinh tế.

Có 2 nhóm lực lượng lao động là: Người lao động có việc làm và người thất nghiệp. Lực lượng lao động là một yếu tố để đo lường và phân tích thị trường lao động. Thông qua những chỉ số của lực lượng lao động mà các nhà quản lý, chính phủ, các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về động lực và xu hướng của thị trường lao động. Từ đó có những chính sách và biện pháp để tăng cường việc làm và cải thiện chất lượng lao động.

2. Lao động có vai trò gì đối với xã hội?

  • Tạo ra của cải vật chất: Nhờ lao động mà con người mới có của cải, vật chất để phục vụ cho cuộc sống và phát triển xã hội.

  • Tạo ra thu nhập cho con người: Con người trao đổi sức lao động của mình và nhận lại tiền lương để mua hàng hóa và dịch vụ cần thiết. Có thu nhập từ lao động giúp con người cải thiện được đời sống, tích lũy của cải và trở nên giàu có.

  • Giúp xã hội phát triển: Lao động tạo ra của cải và vật chất làm giàu cho xã hội, từ đó giúp cho xã hội phát triển hơn.

  • Giúp phân công, tổ chức xã hội rõ ràng: Lao động là tiền đề để xã hội phân công, tổ chức, chuyên môn hóa từng ngành nghề nhằm mục đích nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.

  • Có ý nghĩa lịch sử xã hội: Lao động ở mỗi thời kỳ xã hội khác nhau lại mang những dấu vết, đặc riêng của thời kỳ ấy.

lao-dong-tao-ra-cua-cai-vat-chatLao động tạo ra của cải vật chất (Ảnh minh họa)

3. Những nội dung quan trọng trong Bộ luật Lao động

Bộ luật Lao động của nước ta được ban hành lần đầu vào ngày 23/6/1994, sau 25 năm nước ta đã có 4 lần sửa đổi, bổ sung bộ luật này. Dưới đây là một số nội dung quan trọng của Bộ luật Lao động 2019.

3.1 Quy định về quyền của người lao động

Người lao động là cá nhân tham gia trực tiếp vào quá trình lao động, có thể là lao động chân tay hoặc lao động trí óc. Họ làm việc dưới sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động và được trả lương cho hành vi lao động của mình.

Khoản 1 điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định những quyền của người lao động là:

  • Người lao động có quyền làm việc, tự do tìm việc làm, làm bất kỳ công việc nào mà pháp luật không cấm, có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp với nhu cầu, khả năng và các chế độ khác. Người lao động cũng có quyền được đối xử bình đẳng và không bị cưỡng bức lao động, được làm việc trong môi trường không bạo lực và không bị quấy rối tình dục.

  • Người lao động được quyền hưởng lương phù hợp với trình độ, không bị phân biệt giới tính với những công việc giá trị như nhau; được bảo hộ lao động, làm việc trong môi trường đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết, không có những mối nguy hại làm ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe của mình; được nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng các phúc lợi tập thể khác.

  • Người lao động được quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động (thường là công đoàn) trong các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Khi công đoàn được thành lập theo đúng quy định thì người sử dụng lao động phải thừa nhận và tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động theo đúng nhiệm vụ và chức năng của mình như: Yêu cầu và tham gia đối thoại theo cơ chế dân chủ, tham vấn tại nơi làm việc về quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tham gia quản lý theo quy định của người sử dụng lao động.

  • Người lao động có quyền từ chối làm việc khi nhận thấy nguy cơ rõ ràng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của mình trong quá trình làm việc.

  • Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng lao động mà không cần nêu lý do. Người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc và phải bồi thường nửa tháng lương theo hợp đồng cho người sử dụng lao động trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

  • Quyền đình công của người lao động: Đây là quyền đối trọng có ý nghĩa và mạnh mẽ nhất để người lao động bảo vệ, đòi hỏi các lợi ích chính đáng của mình trước pháp luật.

Ngoài 6 quyền cơ bản trên, người lao động còn một số quyền khác theo quy định của pháp luật.

cong-doan-mot-to-chuc-dai-dien-cho-nguoi-lao-dongCông đoàn - Một tổ chức đại diện cho người lao động (Ảnh minh họa)

3.2 Quy định về hợp đồng lao động

“Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.” - Quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019

2 loại hợp đồng lao động theo quy định là: Hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Hợp đồng lao động phải được thể hiện bằng hình thức văn bản và làm thành 2 bản, trong đó 1 bản do người lao động giữ và 1 bản do người sử dụng lao động giữ.

10 nội dung chính cần có trong hợp đồng lao động là:

  • Tên và địa chỉ của người sử dụng lao động; họ tên, chức danh của người giao lao động.

  • Các thông tin của người lao động: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD/CMND hoặc hộ chiếu của người lao động.

  • Công việc, địa điểm làm việc.

  • Thời hạn của hợp đồng lao động.

  • Những thông tin về lương bao gồm: Mức lương, hình thức, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

  • Chế độ nâng bậc, nâng lương.

  • Thời gian làm việc, nghỉ ngơi.

  • Quy định về trang bị bảo hộ cho người lao động.

  • Quy định về các loại bảo hiểm: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

  • Đào tạo, bồi dưỡng trình độ và kỹ năng nghề nghiệp.

3.3 Những quy định về tiền lương 

“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”- Quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019.

Mức lương theo công việc hoặc chức danh dựa trên sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, mức lương này không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Việc trả lương phải bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Nguyên tắc trả lương:

  • Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đúng thời hạn và đầy đủ cho người lao động. Trường hợp người lao động không nhận lương trực tiếp được thì có thể ủy quyền cho người khác theo quy định.

  • Người lao động không bị hạn chế hay bị can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương; không bị ép buộc phải chi tiêu lương để mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác do người sử dụng lao động quy định.

  • Hình thức trả lương do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận, có thể là theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.

  • Lương được trả bằng hình thức tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng của người lao động.

3.4 Những quy định về kỷ luật lao động.

“Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định”- Quy định tại Điều 117 Bộ luật Lao động 2019.

Những quy định trong việc xử lý kỷ luật lao động:

  • Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động.

  • Có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ quan, doanh nghiệp.

  • Người lao động có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư và tổ chức đại diện người lao động bào chữa. Trường hợp người lao động chưa đủ 15 tuổi thì phải có mặt của người đại diện theo pháp luật.

  • Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi lại bằng biên bản.

Chủ thể và đối tượng bị áp dụng trách nhiệm kỷ luật lao động:

  • Người sử dụng lao động là chủ thể áp dụng trách nhiệm kỷ luật lao động. Người sử dụng lao động có thể là tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tuyển dụng lao động.

  • Người lao động đủ điều kiện tham gia lao động và có hành vi vi phạm kỷ luật lao động là đối tượng bị áp dụng trách nhiệm kỷ luật lao động.

Trên đây là những thông tin về nội dung “Lao động là gì?” và một số nội dung quan trọng của Bộ luật Lao động. Mọi thắc mắc liên quan đến bài viết vui lòng liên hệ 19006192 để được giải đáp.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN về hoạt động cho vay

Điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN về hoạt động cho vay

Điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN về hoạt động cho vay

Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung loạt quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Sau đây là một số điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN áp dụng từ ngày 01/9/2023.