Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi vi phạm xảy ra phổ biến, gây nhiều bức xúc trong dư luận và người dân thời gian gần đây. Vậy, người lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý thế nào?
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là gì?
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi được thực hiện bởi những người có chức vụ, quyền hạn. Những người này đã thực hiện các hành vi vượt ra khỏi phạm vi quyền hạn của mình, sử dụng quyền hạn như một phương tiện để thực hiện tội phạm.
Theo đó, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người khác được thực hiện bằng các thủ đoạn khác nhau:
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ: Sử dụng chức vụ, quyền hạn để đe dọa, cưỡng bức người khác sau đó chiếm đoạt tài sản.
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối người khác nhằm chiếm đoạt tài sản: Người vi phạm vượt quá chức vụ, quyền hạn của mình đưa ra những thông tin không đúng sự thật để người khác tin và giao tài sản sau đó chiếm đoạt.
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác được giao cho người phạm tội trên cơ sở tín nhiệm: Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn được người khác tín nhiệm giao tài sản nhưng đã lạm dụng sự tín nhiệm đó và chiếm đoạt tài sản.
Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác không chỉ để lại thiệt hại về tài sản mà còn xâm phạm đến hoạt động quản lý của các cơ quan, tổ chức, gây bức xúc dư luận và mất niềm tin của người dân.
Mức phạt Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thế nào?
Tại Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về mức phạt với Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau:
Hình phạt chính
- Khung 01:
Phạt tù từ 01 - 06 năm nếu lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 - dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:
+ Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về một trong các tội: Tội nhận hối lộ, Tội tham ô tài sản,… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Khung 02:
Phạt tù từ 06 - 13 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100 - dưới 500 triệu đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 01 - dưới 03 tỷ đồng;
+ Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
- Khung 03:
Phạt tù từ 13 - 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu - dưới 01 tỷ đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 03 - dưới 05 tỷ đổng;
+ Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Khung 04:
Phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 01 tỷ đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 05 tỷ đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung:
Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung:
- Bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 - 05 năm;
- Bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng;
- Bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là phần giải đáp về mức phạt Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Nếu còn vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục này, bạn đọc liên hệ ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.