1. Kiến tập là gì?
1.1 Khái niệm
Kiến tập là giai đoạn sinh viên đến môi trường làm việc thực tế để quan sát cách thức làm việc, học hỏi tại các công ty, doanh nghiệp…Mặc dù khi đi kiến tập sinh viên không trực tiếp thực hiện công việc nhưng giai đoạn này sẽ giúp sinh viên hiểu hơn về công việc liên quan đến ngành học của của mình.
Kiến tập vừa là cơ hội cho sinh viên thay đổi môi trường học tập vừa mang lại nguồn cảm hứng mới mẻ giúp sinh viên có động lực học tập và làm việc.
Kỳ kiến tập thường được triển khai vào các kỳ học cho các bạn sinh viên từ năm 2 trở đi. Kiến tập trung vào việc tiếp thu lý thuyết và khái niệm cơ bản, đối tượng đi kiến tập không yêu cầu cao về mặt chuyên môn nên phù hợp với các bạn sinh viên năm 2 hoặc năm 3.
1.2 Mục đích đi kiến tập của sinh viên
Sinh viên đi kiến tập với mục đích chính là học hỏi, ngoài ra dưới đây là một số mục đích mà kiến tập mang lại:
Để áp dụng kiến thức được học vào thực tế: Nếu như khi ngồi trên ghế nhà trường sinh viên được học lý thuyết trong sách vở thì khi đi kiến tập, sinh viên sẽ được đến nơi việc thực tế phù hợp với ngành nghề mà sinh viên đã lựa chọn. Đồng thời kiến tập cũng là cơ hội giúp sinh viên xem xét bản thân có phù hợp với công việc đó hay không.
Để phát triển kỹ năng chuyên môn: Sinh viên được trải nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp, hiểu được quá trình xử lý công việc. Trực tiếp quan sát các bước trong quy trình làm việc.
Để học hỏi kỹ năng mềm: Bên cạnh việc nâng cao kiến thức chuyên môn sinh viên còn trau dồi các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phản biện, kỹ năng quan sát…
Để mở rộng mối quan hệ: Khi kiến tập, sinh viên được tiếp xúc với nhiều người: đồng nghiệp, trưởng phòng, quản lý… giúp các bạn có thêm các mối quan hệ khác.
Kỳ kiến tập là một khoảng thời gian quý báu. Tùy vào từng vị trí công việc mà sinh viên có học hỏi được nhiều hay ít. Tuy nhiên đều có một điểm chung là sinh viên có thể khám phá được các khía cạnh trong ngành học của mình, những nhiệm vụ và yêu cầu khi làm việc.
2. Phân biệt khái niệm kiến tập và thực tập
Thực tập:
Thực tập là một cách thức học tập nghiên cứu và làm việc tại môi trường công ty thực tế. Trong quá trình thực tập sẽ có người giám sát hoặc hướng dẫn.
2.1 Điểm giống
Cả 2 hình thức đều được thực hiện trong môi trường làm việc thực tế và được giám sát bởi giáo viên hoặc những người trong công ty
Sinh viên được mở mang tầm mắt, học hỏi thêm những kỹ năng khác ngoài sách vở
Sinh viên có cơ hội áp dụng kiến thức của mình vào công việc, so sánh lý thuyết mình được học và thực tế
Qua quá trình thực tập và kiến tập, sinh viên phần nào biết được mình có phù hợp với công việc đó hay không
Sau khi kết thúc kỳ kiến tập hay thực tập, sinh viên đều phải viết báo cáo đánh giá cả quá trình để nộp lại cho giáo viên của mình
2.2 Điểm khác
Kiến tập và thực tập là hoạt động phổ biến đối với các bạn sinh viên. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn không hiểu rõ bản chất nên dễ nhầm hai khái niệm này với nhau. Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa kiến tập và thực tập, sinh viên hãy “bỏ túi” những đặc điểm này để tránh nhầm lẫn nhé!
Tiêu chí | Kiến tập | Thực tập |
Đối tượng | Sinh viên ít kiến thức chuyên ngành. Sinh viên năm 2, năm 3 chưa đi sâu vào chuyên ngành | Sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, sẵn sàng đi làm. Sinh viên năm cuối |
Nội dung | Quan sát, tập trung vào lý thuyết và khái niệm cơ bản. Không trực tiếp xử lý công việc tại nơi làm việc | Làm việc thực tế, áp dụng kiến thức chuyên ngành để giải quyết công việc |
Lương | Không có | Có hoặc không Tùy vào công ty, doanh nghiệp mà bạn thực tập. Nếu có, mức lương bạn nhận được giao động từ 01 - 05 triệu đồng |
Thời gian | Tùy thuộc vào chương trình của nhà trường và đối tác thời gian kiến tập có thể kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng, cũng có trường hợp là vài ngày | Tùy thuộc vào chương trình của nhà trường và đối tác. Thời gian thực tập có thể kéo dài từ vài tháng cho đến 01 năm |
Người giám sát | Người hướng dẫn trong quá trình học tập tại trường học của sinh viên | Có sự giám sát và hướng dẫn từ người trong công ty |
Cơ hội việc làm | Ít cơ hội việc làm. Sinh viên chỉ đến công ty để quan sát học hỏi. | Nhiều cơ hội việc làm. Sau quá trình thực tập, phụ thuộc vào năng lực của sinh viên có thể được nhận làm nhân viên chính thức của công ty |
Trên đây là một số điểm khác biệt cơ bản giữa kiến tập và thực tập. Thông qua bảng trên, sinh viên có thể hiểu rõ và lựa chọn cho mình hình thức phù hợp.
3. Kiến tập trong bao lâu? Có lương không?
Có rất nhiều bạn không nắm rõ thời gian kiến tập và băn khoăn về lương khi đi kiến tập, dưới đây sẽ là câu trả lời dành cho các bạn.
3.1 Thời gian kiến tập
Thời gian kiến tập bao lâu phụ thuộc chương trình của nhà trường hoặc các công ty, tổ chức liên kết với trường của sinh viên. Thời gian kiến tập có thể kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng, cũng có trường hợp chỉ vài ngày.
Thời gian kiến tập khá ngắn, không gây ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của sinh viên. Vậy nên sinh viên có thể lựa chọn thời gian sao cho phù hợp với lịch trình của mình.
3.2 Lương khi kiến tập
Khi đi kiến tập, sinh viên sẽ không được nhận lương. Bởi kiến tập là quá trình sinh viên quan sát và học hỏi, không tạo ra giá trị cho công ty nên sẽ không nhận được thù lao.
4. Những lưu ý để sinh viên có kỳ kiến tập hiệu quả
Kỳ kiến tập là hành trang quý báu cho sinh viên, nếu biết tận dụng giai đoạn này, sinh viên sẽ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Dưới đây là một số lưu ý mà sinh viên cần nắm rõ để có một kỳ kiến tập hiệu quả.
4.1 Tìm hiểu kỹ về công ty, vị trí kiến tập
Trước khi đến kiến tập tại công ty, doanh nghiệp, các bạn sinh viên nên dành thời gian để tìm hiểu những thông tin cơ bản về công ty cũng như vị trí kiến tập trước khi đến.
Việc này sẽ giúp các bạn tự tin hơn trong quá trình kiến tập và để lại dấu ấn trong mắt người hướng dẫn.
4.2 Chủ động trong quá trình kiến tập
Sinh viên cần có tâm thế chủ động trong quá trình kiến tập. Chủ động tìm kiếm dữ liệu, chủ động học hỏi, chủ động giao tiếp... Khi đó người hướng dẫn sẽ nhận thấy năng lượng và trách nghiệm của bạn đối với công việc. Khi chủ động, các bạn sinh viên sẽ biết cách tận dụng thời gian tối đa để học hỏi và quan sát.
4.3 Tuân thủ quy tắc của nơi làm việc
Khi đi kiến tập, các công ty, doanh nghiệp sẽ không quá khắt khe về giờ giấc, trang phục hay thái độ. Tuy nhiên nơi làm việc nào cũng có những quy tắc của họ, các bạn sinh viên nên nhớ rõ và tuân thủ theo quy tắc. Điều này sẽ giúp sinh viên để lại dấu ấn tốt đẹp trong mắt người hướng dẫn và giúp các bạn trở nên chuyên nghiệp.