1. Kích thước sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn được quy định thế nào?
Theo nội dung tại tiết 5.2.9 tiểu mục 5.2 mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 về Yêu cầu thiết kế, lắp đặt PCCC - Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn thì kích thước của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn được quy định như sau:
Kích thước của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phụ thuộc vào đặc tính và tính chất hoạt động; diện tích của tầng và phòng; phương án thoát nạn nhưng kích thước sơ đồ thoát nạn không được nhỏ hơn:
600x400mm - đối với sơ đồ được lắp đặt tại tầng.
400x300mm - đối với sơ đồ được lắp đặt tại phòng.
2. Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn thiết kế nào?
Căn cứ theo tiết 5.2.9 tiểu mục 5.2 mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13456:2022 sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cần phải tuân theo các tiêu chuẩn thiết kế sau đây:
- Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn gồm có 02 phần, đó là: Phần chỉ dẫn bằng chữ và phần ký hiệu bằng hình học. Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải được niêm yết tại các vị trí để dễ nhận biết và dễ thấy, vị trí mà thường xuyên có người quay lại. Trong đó:
Phần ký hiệu hình học phải bao gồm: mặt bằng của tầng; lối ra và chỉ hướng đường thoát nạn; vị trí của sơ đồ tại tầng; cầu thang bộ; vị trí đặt phương tiện và thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Phần chỉ dẫn bằng chữ bao gồm: nội dung và trình tự để xử lý khi có cháy xảy ra.
- Kích thước của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phụ thuộc vào đặc tính và tính chất hoạt động; diện tích của tầng và phòng; phương án thoát nạn, cụ thể được đề cập tại mục 1 nêu trên.
- Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phải được lắp đặt sao cho mép bên dưới của sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn nằm ở độ cao 1,5m ± 0,2m so với mặt sàn.
3. Sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn có bắt buộc không?
Theo quy định tại Điều 20 Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10, các cơ sở được bố trí trên một phạm vi nhất định, có người quản lý và hoạt động thì bắt buộc phải có phương án phòng cháy chữa cháy độc lập và đảm bảo thực hiện theo các yêu cầu cơ bản sau:
- Có quy định, nội quy về an toàn PCCC, biện pháp để phòng cháy.
- Có hệ thống báo cháy, ngăn cháy lan, chữa cháy phù hợp với tính chất hoạt động của cơ sở.
- Có phương án chữa cháy, thoát nạn, chống cháy lan, cứu người, cứu tài sản tại cơ sở.
- Bố trí kinh phí cho các hoạt động về PCCC.
- Có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC cơ sở.
Căn cứ TCVN 13456:2022 sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn là một trong những phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn có vai trò quan trọng trong phương án PCCC cho cơ sở.
Đồng thời, tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, cơ sở nêu tại danh mục nêu tại Phụ lục III, Phụ lục IV được ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP phải đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC.
Cụ thể, có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ chỉ dẫn PCCC, biển chỉ dẫn PCCC, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc đảm bảo các điều kiện được Bộ Công an quy định.
Như vậy, có thể thấy rằng có 02 nhóm đối tượng bắt buộc phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn, đó là:
- Các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý PCCC của cơ quan công an theo danh mục quy định tại Phụ lục III của Nghị định số 50/2024/NĐ-CP, như:
Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3; nhà ở ký túc xá từ 5 tầng hoặc có tổng khối tích 2.500m3 trở lên; nhà hỗn hợp từ 5 tầng hoặc tổng khối tích 1.500m3 trở lên.
Nhà trẻ, mầm non từ 100 trẻ hoặc tổng khối tích của các khối nhà để học tập và phục vụ cho học tập là 1.000m3 trở lên.
Bệnh viện, phòng khám chuyên khoa, đa khoa, nhà dưỡng lão và các trung tâm y tế cao 3 tầng trở lên hoặc tổng khối tích là 1.000m3 trở lên.
Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú cao 5 tầng trở lên hoặc tổng khối tích của những khối nhà phục vụ cho việc lưu trú từ 2.500m3 trở lên.
Chợ hạng 1, 2; siêu thị, điện máy, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh hàng hóa dễ cháy nổ mà có tổng diện tích kinh doanh từ 300m2 hoặc tổng khối tích của các khối nhà phục vụ kinh doanh 1.000m3 trở lên.
Sân vận động; cung thể thao trong nhà, nhà thi đấu thể thao; trúng tâm thể dục thể thao; trường bắn, trường đua;
Và các trường hợp khác theo quy định.
- Các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý PCCC của UBND cấp xã theo danh mục quy định tại Phụ lục IV của Nghị định số 50/2024/NĐ-CP, như:
Nhà cung cư dưới 5 tầng và khối tích dưới 5.000m3.
Nhà trẻ, mầm non có dưới 100 trẻ trở lên và tổng khối tích của các khối học tập và phục vụ cho học tập dưới 1.000m3.
Bệnh viện, phòng khám chuyên khoa, nhà dưỡng lão, các trung tâm y tế,... có dưới 3 tầng và tổng khối tích dưới 1.000m3.
Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách hoặc cơ sở lưu trú khác dưới 5 tầng trở lên và tổng khối tích của những khối nhà phục vụ cho lưu trú dưới 2.500m3.
Kho vật tư, hàng hóa cháy được với tổng khối tích dưới 1.500m3; bãi chứa hàng hóa cháy được dưới 1.000m2.
Cửa hàng kinh doanh chất lỏng dễ cháy, cửa hàng kinh doanh khí đốt với tổng lượng khí tồn chứa dưới 150kg.
Và các trường hợp khác theo quy định.