Khuyến mại hay khuyến mãi là những thuật ngữ được dùng thường xuyên trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể phân biệt và hiểu rõ khuyến mại là gì, khuyến mãi là gì.
Khuyến mại là gì?
Khuyến mại được giải thích tại khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005 như sau:
Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.
Doanh nghiệp sử dụng các hoạt động khuyến mại nhằm trực tiếp tăng sức mua hàng, kích cầu tiêu dung, từ đó tăng doanh thu và giảm hàng tồn kho.
Theo Điều 92 Luật Thương mại, các hình thức khuyến mại hiện nay bao gồm:
- Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu cho khách dùng thử không phải trả tiền.
- Tặng hàng hoá, cung ứng dịch vụ không thu tiền.
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá trước đó.
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi trao thưởng.
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo tham dự các chương trình trúng thưởng may mắn.
- Tổ chức chương trình cho khách hàng thường xuyên.
- Tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí hay các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại...
Khuyến mại và khuyến mãi có gì khác nhau?
Khuyến mại và khuyến mãi có cách đọc gần giống nhau nhưng lại hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, rất nhiều người thường nhầm lẫn khuyến mại với khuyến mãi.
Khác với khuyến mại, khuyến mãi không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhìn chung khuyến mãi thường được hiểu là hoạt động tác động đến người bán (các đại lý, nhà phân phối...), đem lại lợi ích cho người bán, nhằm gia tăng sức bán hàng.
Theo đó, các hình thức khuyến mãi giành cho người bán cũng khác hoàn toàn với các hình thức khuyến mại giành cho người mua.
Một số hình thức khuyến mãi điển hình mà các đại lý, nhà phân phối được hưởng hiện nay có thể kể đến như: Thưởng doanh số, tặng quà, thưởng du lịch…
Các sản phẩm, dịch vụ được khuyến mại tối đa bao nhiêu?
Theo Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, giá trị khuyến mại không được vượt quá 50% giá của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.
Đồng thời, tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.
Ví dụ: Công ty A bán mặt hàng áo sơ mi với giá 200.000 đồng. Khi thực hiện chương trình khuyến mại mặt hàng áo sơ mi, Công ty A không được khuyến mại quá 50% giá trị áo, tức không được giảm giá quá 100.000 đồng.
Riêng các trường hợp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung và các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định thì giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại được áp dụng hạn mức tối đa là 100%.
Cụ thể, các chương trình khuyến mại tập trung bao gồm:
- Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp tỉnh và cấp trung ương) chủ trì tổ chức nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế của Quốc gia, của địa phương. Chương trình được tổ chức trong một khoảng thời gian xác định tính theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại.
- Các đợt khuyến mại vào dịp lễ, tết:
+ Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày trước năm Âm lịch;
+ Các ngày nghỉ lễ, Tết khác: Thời hạn khuyến mại của từng đợt không vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, Tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm:
Tết Dương lịch là 01 ngày, ngày Chiến thắng 30/4 là 01 ngày, ngày Quốc tế lao động 01/5 là 01 ngày, ngày Quốc khánh 02/9 là 02 ngày, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch là 01 ngày (theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019).Trên đây là giải đáp về vấn đề: Khuyến mại là gì? Khuyến mại và khuyến mãi có gì khác nhau? Nếu còn thắc mắc về vấn đề vay vốn ngân hàng, độc giả có thể gọi điện đến 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.