Khủng hoảng kinh tế là gì? Biểu hiện, nguyên nhân, hậu quả của khủng hoảng kinh tế

Khủng hoảng kinh tế đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm. Vậy khủng hoảng kinh tế là gì? Khủng hoảng kinh tế gây ra những ảnh hưởng gì tới đời sống? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1. Khủng hoảng kinh tế là gì?

Khủng hoảng kinh tế là nỗi lo của mọi nền kinh tế (Ảnh minh hoạ)

Khủng hoảng kinh tế là một giai đoạn trong chu kỳ kinh tế mà nền kinh tế của một quốc gia/một khu vực hay trên phạm vi toàn thế giới rơi vào tình trạng suy giảm trầm trọng kéo dài.

Sự suy giảm này biểu hiện ở việc rối loạn và mất cân bằng trong tất cả các hoạt động kinh tế như hoạt động tài chính-ngân hàng, sản xuất và lưu thông hàng hóa. Điều này khiến cho GDP và tính thanh khoản giảm sâu, giá cả leo thang, nguy cơ phá sản và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột biến.

2. Biểu hiện của khủng hoảng kinh tế 

Các biểu hiện ban đầu của các cuộc khủng hoảng kinh tế thường không dễ để nhận biết, chúng thường được nghiên cứu và cảnh báo bởi các chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, nếu nền kinh tế đang trong nguy cơ khủng hoảng, ta sẽ nhận thấy nền kinh tế có một số “triệu chứng” điển hình như:

  • Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng:  Khi việc kinh doanh không còn lạc quan, các công ty thường có chính sách cắt giảm nguồn nhân lực. Chính sách này có thể bao gồm việc không tuyển dụng thêm, thuyên chuyển, sa thải lao động,... để cắt giảm chi phí hoạt động.

Giá cả hàng hóa tăng lên nhanh chóng (Ảnh minh hoạ)
  • Lạm phát gia tăng nhanh chóng: Lạm phát khiến cho giá cả hàng hóa leo thang, người dân ngày càng cân nhắc hơn về các quyết định chi tiêu. Nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ có thể giảm xuống.

  • Tình trạng vỡ nợ tín dụng gia tăng hay việc siết chặt các khoản vay từ các ngân hàng thương mại: Điều này cho thấy ngày càng nhiều người bị mất khả năng chi trả. Các ngân hàng bi quan hơn trong việc cho vay bởi họ nhìn thấy những rủi ro trong tương lai.

Đây chỉ là một vài biểu hiện trong số nhiều biểu hiện của một nền kinh tế đang suy thoái. Tuy nhiên đây là những biểu hiện đáng tin cậy và dễ nhận thấy nếu bạn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này. Những biểu hiện suy thoái này càng trầm trọng thì nền kinh tế càng có khả năng cao sẽ tiến vào giai đoạn khủng hoảng trong tương lai nếu các vấn đề không được giải quyết đúng cách.

3. Nguyên nhân và hậu quả của khủng hoảng kinh tế

3.1. Nguyên nhân

Một cuộc khủng hoảng có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau đây là một số nguyên nhân chính đã từng gây ra các cuộc khủng hoảng trong lịch sử:

  • Khủng hoảng tài chính: Khủng hoảng tài chính xảy ra khi giá tài sản giảm mạnh, doanh nghiệp và người tiêu dùng không thể trả nợ và ngân hàng và các tổ chức tài chính như công ty bảo hiểm gặp phải tình trạng thiếu thanh khoản. Trong cuộc khủng hoảng, các nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo tài sản, chứng khoán và rút tiền từ các khoản tiết kiệm vì lo lắng các giá trị tài sản sẽ giảm. Điều này gây tê liệt nền kinh tế sản xuất do thiếu tiền, nguy cơ phá sản tăng  cao và kéo theo các khủng hoảng khác.

Bong bóng bất động sản khiến giá nhà đất trở nên đắt đỏ (Ảnh minh hoạ)
  • Bong bóng kinh tế: Bong bóng là một chu kỳ kinh tế được đặc trưng bởi sự leo thang nhanh chóng của giá trị thị trường, đặc biệt là giá tài sản. Theo sau lạm phát nhanh chóng này là sự giảm mạnh giá trị tài sản về giá trị thực hay còn gọi là vỡ bong bóng. Điều này có thể khiến cho các nhà đầu tư bị thua lỗ, mất tiền nhanh chóng.

  • Dư thừa cung- cầu: Xảy ra khi Chính phủ không có những chính sách kiểm soát cung cầu thị trường hiệu quả. Mầm mống khủng hoảng xuất hiện khi nền sản xuất sản xuất quá nhiều hàng hóa mà không tương xứng với cầu - “Dư cung” hoặc ngược lại là sản xuất không đủ nhu cầu của thị trường - “Dư cầu”.

3.2. Hậu quả

Hậu quả mà các cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra vô cùng trầm trọng. Cuộc khủng hoảng kinh tế nào cũng gây ra sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh tế, sản lượng giảm và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Nhiều tổ chức tài chính và doanh nghiệp bị phá sản, đòi hỏi chính phủ can thiệp để cứu trợ và tái cấp vốn. Số lượng lớn người lao động bị mất việc làm, người dân bị mất tài sản, rơi vào tình trạng nghèo đói. Giá nhà đất, các tài sản bị sụt giảm, nợ công tăng gây ảnh hưởng tới nội lực của cả một quốc gia/khu vực mà nó ảnh hưởng.

Các cuộc khủng hoảng dẫn đến suy giảm niềm tin vào chính phủ và các tổ chức tài chính. Các quy định và giám sát trong công tác tài chính trở nên dày đặc hơn. Hậu quả là dòng tiền đầu tư bị suy giảm, rối loạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

4. Các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ thế kỷ 20 đến nay

Trong lịch sử, thế giới đã từng xuất hiện nhiều cuộc khủng hoảng lớn được ghi nhận từ những năm thuộc thế kỷ thứ 17 đến nay. Các cuộc khủng hoảng đều gây ra những hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế, kéo lùi sự phát triển của thế giới và đẩy người dân vào những tình cảnh khó khăn. Sau đây là sơ lược về một số cuộc khủng hoảng đã xảy ra từ thế kỷ 20 đến nay.

4.1. Đại suy thoái 1929-1933

Cuộc Đại suy thoái 1929-1933 bắt nguồn từ nước Mỹ và nhanh chóng lan ra các đế chế tư bản khác như Anh, Đức, Pháp, Nhật,... đã chấm dứt thời kỳ phồn vinh của chủ nghĩa tư bản những năm 1920.

Một tiệm cà phê miễn phí cho người thất nghiệp ở Mỹ năm 1930 (Ảnh minh hoạ)

Cuộc suy thoái này được biết đến là cuộc khủng hoảng thừa. Thời điểm đó, khi các dây chuyền sản xuất được cơ giới hóa, các nhà tư bản dễ dàng vay nợ và phát hành chứng khoán, các công ty đua nhau sản xuất số lượng hàng hóa khổng lồ trong khi nhu cầu về hàng hóa của người dân lại thấp hơn nhiều.

Hậu quả là số lượng khổng lồ hàng hóa sản xuất ra không bán được. Các công ty rơi vào tình trạng nợ nần, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường chứng khoán chứng khoán khủng hoảng khiến nhiều người mất trắng tài sản, nghèo đói xảy ra ở khắp nơi.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến một số nước tư bản phát xít hóa chính quyền nhằm cứu vãn tình hình. Cuộc khủng hoảng thừa 1929-1933 chính là mầm mống cho chiến tranh thế giới thứ 2.

4.2. Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997

Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ Thái Lan và nhanh chóng lan sang Hàn Quốc, Indonesia, Philippines,... và các nền kinh tế khu vực Đông Á khác. Cuộc khủng hoảng xảy ra sau những năm phát triển thần kỳ biến các quốc gia này thành những “con hổ Đông Á”.

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự mất giá trầm trọng của đồng Baht Thái khi chính phủ buộc phải “thả nổi” tỷ giá đồng Baht với USD. Ngay lập tức, đồng tiền Thái Lan mất tới 40% giá trị trước đó.

Điều này ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, tiền tệ và giá trị tài sản của các quốc gia lân cận. Trong đó kéo theo sự giảm 35% giá trị của đồng won Hàn Quốc, đồng rupiah của Indonesia giảm 40% và đồng peso Philippines giảm 27% giá trị so với USD. Hậu quả là hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng triệu người thất nghiệp, nghèo đói trong thời gian dài.

4.3. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008

Lại một lần nữa, cuộc khủng hoảng từ Mỹ kéo nền kinh tế toàn cầu vào một mớ rối ren bắt nguồn từ ngành tài chính-ngân hàng. Nguyên nhân ban đầu là do sự xuất hiện của CDO- một công cụ cho nợ thế chấp. Công cụ này cho vay thế chấp dễ dàng với tính thanh khoản cao, là nguyên nhân của “bong bóng” bất động sản khổng lồ của Mỹ.

Chính phủ Mỹ đã chi tới 200 tỷ đô nhằm cứu hàng loạt ngân hàng bởi cảnh vỡ nợ để cứu vãn tình hình. Thế nhưng cuộc khủng hoảng vẫn lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Các sàn chứng khoán ở London, HongKong và những trung tâm tiền tệ lớn trên thế giới ghi nhận làn sóng bán tháo lớn nhất lịch sử và liên tục ghi nhận những mức giảm sâu.

Vấn đề tài chính rối loạn gây đình đốn sản xuất, suy thoái kinh tế ở quy mô lớn trên nhiều quốc gia. Ước tính thiệt hại khoảng 10.000 tỷ USD với hơn 30 triệu người mất việc, tình trạng đói nghèo lại xảy ra quy mô lớn ở giữa thế kỷ 21.

5. Kết luận

Khủng hoảng kinh tế là cơn ác mộng đối với nền kinh tế thế giới. Mỗi cuộc khủng hoảng xảy ra đều gây ra hậu quả to lớn, kéo lùi bước tiến của nhân loại, đưa con người vào cảnh trắng tay, nghèo đói. Bài viết trên đây đã tổng hợp những thông tin cơ bản xoay quanh khủng hoảng kinh tế. Hi vọng rằng những thông tin này đã cung cấp những kiến thức hữu ích cho quý bạn đọc!
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Người dưới 16 tuổi tham gia cá độ bóng đá online, phạt thế nào?

Mỗi mùa bóng đá tới, bên cạnh tinh thần cuồng nhiệt say mê bóng đá, không ít người (trong đó có cả người dưới 16 tuổi) lên mạng dùng tiền để đặt cược vào đội bóng mình yêu thích. Vậy người dưới 16 tuổi tham gia cá độ bóng đá online bị phạt thế nào?

Quy định về tổ chức lễ tang cấp Nhà nước

Ai sẽ được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước? Lễ tang cấp Nhà nước sẽ được tổ chức như thế nào? Lễ tang cấp Nhà nước có được đăng tin trên các phương tiện truyền thông không? Cùng tìm hiểu những nội dung liên quan Lễ tang cấp Nhà nước tại bài viết bên dưới.