Khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung là gì? Yêu cầu về bảo vệ môi trường thế nào?

Khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung là gì? Yêu cầu về bảo vệ môi trường thế nào? Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.

1. Khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung là gì?

Khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung (Ảnh minh hoạ)

Các quy định pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm về Khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung. Tuy nhiên tại tại khoản 37 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 72/2020/QH14 có quy định như sau:

“37. Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung gồm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế.”

Theo đó, có thể hiểu khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung là khu vực mà bao gồm khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất và khu có chức năng sản xuất công nghiệp tại các khu kinh tế.

2. Khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung có cần có giấy phép môi trường không?

Về những đối tượng cần có giấy phép môi trường, quy định cụ thể tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có đề cập đến những nhóm dự án/cơ sở sau:

“1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.”

Theo đó, khi có hoạt động tại khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung thì chủ dự án/cơ sở có cần xin giấy phép môi trường trong trường hợp là dự án thuộc nhóm I hoặc nhóm II hoặc nhóm III mà có phát sinh nước thải, khí thải, bụi xả ra môi trường theo quy định phải được xử lý hoặc dự án mà phát sinh chất thải nguy hại theo quy định phải được quản lý khi dự án được vận hành chính thức.

Ngoài ra, đối với những khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung mà đã bắt đầu hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực (01/01/2022) mà khu vực này đáp ứng có tiêu chí về môi trường tương tự như nhóm dự án thuộc đối tượng phải xin giấy phép môi trường nêu trên, thì cũng phải thực hiện thủ tục xin giấy phép môi trường

3. Yêu cầu về bảo vệ môi trường với khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung

Yêu cầu về bảo vệ môi trường với khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung (Ảnh minh họa)

Theo khoản 1, 2 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định về bảo vệ môi trường với khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung bao gồm các nội dung sau:

  • Yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường, khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung phải có:

  • Thứ nhất là có hệ thống thực hiện thu gom, thoát nước và xử lý đối với nước thải tập trung để bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường; hệ thống thực hiện thu gom, thoát nước mưa;

  • Thứ hai là những công trình, thiết bị dùng để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật;

  • Thứ ba là có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung

  • Cuối cùng là yêu cầu phải có diện tích cây xanh bảo đảm được tỷ lệ theo quy định.

  • Yêu cầu đối với ban quản lý tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của tỉnh/thành: Phải có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường và yêu cầu cần có nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo với chuyên ngành môi trường hoặc chuyên môn đào tạo phù hợp.

4. ​Trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung đối với việc bảo vệ môi trường

Theo khoản 3, 4 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư và ban quản lý của khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung đối với việc bảo vệ môi trường như sau:

  • Ban quản lý của khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao của tỉnh/thành có những trách nhiệm sau:

Thứ nhất là phải kiểm tra, giám sát đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường tại khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung;

Thứ hai là trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan quản lý trên địa bàn tiến hành cấp giấy phép môi trường, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thanh tra và thực hiện công tác bảo vệ môi trường khác;

Thứ ba là trách nhiệm tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở trong khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung;

Thứ tư là có trách nhiệm trong việc phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và kiến nghị xử lý;

Thứ năm là phải báo cáo về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường;

Thứ sáu là trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác được UBND cấp tỉnh ủy quyền;

Cuối cùng là những trách nhiệm khác.

  • Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng có trách nhiệm sau:

Chủ đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường tại khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung;

Tiếp theo, chủ đầu tư phải bố trí các khu vực chức năng, loại hình kinh doanh, sản xuất và dịch vụ để phù hợp với yêu cầu trong bảo vệ môi trường;

Bên cạnh đó, phải có hệ thống thu gom, thoát nước mưa riêng biệt đối với hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý đối với nước thải tập trung;

Ngoài ra, cần phải có ó trách nhiệm thực hiện thu gom, đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý đối với nước thải tập trung;

Chủ đầu tư cũng phải yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau khi xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa (trước ngày 1/1/2024 - 24 tháng sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực).

Chủ đầu tư có trách nhiệm bố trí nhân sự phụ trách về công tác bảo vệ môi trường đã được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực khác phù hợp với công việc;

Đồng thời phải phối hợp với cơ quan quản lý, Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu kinh tế để tổ chức thực hiện những hoạt động về bảo vệ môi trường; hơn nữa chủ đầu tư phải phối hợp để tổ chức thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường;

Một số trách nhiệm khác của chủ đầu tư gồm:

  • Tổ chức kiểm tra đối với việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường đối với chủ dự án/cơ sở khi đăng ký đầu tư;

  • Phát hiện kịp thời các hành vi phạm và kiến nghị xử lý;

  • Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường phù hợp yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật;

  • thực hiện việc quan trắc môi trường theo đúng quy định;

  • Lập báo cáo về công tác bảo vệ môi trường gửi cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường và Ban quản lý tại các khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu kinh tế;

  • Đảm bảo thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định.

Trên đây là thông tin cần thiết liên quan đến: Khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung là gì?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường dựa vào căn cứ nào?

Việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường là bước quan trọng để xử lý và khắc phục hậu quả và yêu cầu bồi thường từ các bên gây ra thiệt hại. Quy định về xác định thiệt hại này nhằm bảo vệ quyền lợi của các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng và đảm bảo rằng người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm.