Khởi tố vụ án hình sự dựa trên các căn cứ nào?

Căn cứ để khởi tố vụ án hình sự là một trong các nội dung quan trọng của tố tụng hình sự. Vậy, khởi tố vụ án hình sự dựa trên các căn cứ nào?

Khởi tố vụ án hình sự là gì?

Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, các quan điểm này đều dẫn đến cách hiểu chung như sau:

Khởi tố vụ án hình sự giai đoạn đầu tiên của hoạt động tố tụng hình sự. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng điều tra, xác minh xem có hay không có dấu hiệu của tội phạm. Trường hợp có dấu hiệu của tội phạm, các cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp không có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ không tiến hành khởi tố vụ án hình sự.

Dấu hiệu tội phạm là căn cứ chính để khởi tố vụ án hình sự (Ảnh minh họa)

Các căn cứ để khởi tố vụ án hình sự

Như đã trình bày ở phần trên về khái niệm của khởi tố vụ án hình sự, chỉ khi có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành khởi tố vụ án. Trong đó, dấu hiệu tội phạm được xác định trên cơ sở những thông tin thu được từ những nguồn nhất định. Theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ sau:

- Tố giác của cá nhân:

Là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Việc tố giác được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nhiều phương thức khác nhau: Điện thoại, thư tín, tin nhắn… và có thể được thể hiện bằng lời hoặc bằng văn bản.

Việc khởi tố vụ án hình sự căn cứ vào tố giác của cá nhân chỉ được được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác điều tra, xác minh và xác định đã có sự việc phạm tội xảy ra đúng theo nội dung của tố giác.

- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân:

Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền. Khi nhận được thông tin về tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xác minh, điều tra.

Nếu qua xác minh thấy vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có dấu hiệu của một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự thì sẽ ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự.

- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng:

Phương tiện thông tin đại chúng phổ biến hiện nay gồm: Báo in, đài truyền hình, đài phát thanh,…

Khi có được thông tin về tội phạm do các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra, xác minh để kết luận có dấu hiệu tội phạm hay không để làm căn cứ khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước:

Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyết xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Đây là nguồn tin để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm:

Trong quá trình điều tra, xác minh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm và dùng đó làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện sự việc nào đó có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa được khởi tố

- Người phạm tội tự thú:

Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình. Người phạm tội tự thú là người đã thực hiện hành vi phạm tội và sau đó tự ra thú nhận hành vi phạm tội trước các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Việc thú nhận hành vi phạm tội là cơ sở để đánh giá có thể có sự việc phạm tội xảy ra và khả năng người tự thú là người thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, lời khai của người phạm tội tự thú cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng dùng làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Trên đây là các căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Nếu còn vướng mắc về bài viết bạn đọc vui lòng gọi đến số 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.

Làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1?

Để đảm bảo cho việc cung cấp và sử dụng các trò chơi điện tử trên mạng được an toàn cho người dùng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến hoạt động này. Vậy làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng?

Mẫu đơn đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã được ban hành ngày 09/11/2024. Trong đó, đáng chú ý là các quy định chi tiết về cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Vậy để đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, doanh nghiệp phải sử dụng mẫu đơn nào?

Điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là trang mạng điện tử rất phổ biến hiện nay. Vậy điều kiện để được cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì và những quy định nào doanh nghiệp cần biết khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội?