Khoản vay ngắn hạn nước ngoài là một hình thức tài trợ tài chính phổ biến trong các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. Vậy khoản vay ngắn hạn nước ngoài là gì? Tỷ lệ bảo đảm an toàn khi vay ngắn hạn nước ngoài là bao nhiêu? Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây.
1. Khoản vay ngắn hạn nước ngoài là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 08/2023/TT-NHNN đã đưa khái niệm về khoản vay ngắn hạn nước ngoài, cụ thể:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khoản vay ngắn hạn nước ngoài tự vay, tự trả (sau đây gọi là khoản vay ngắn hạn nước ngoài) là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn vay đến 01 năm.”
Như vậy, khoản vay ngắn hạn nước ngoài hay còn gọi là khoản vay ngắn hạn nước ngoài tự vay, tự trả là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn vay đến 01 năm.
Trong đó, khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh được hiểu là việc bên đi vay thực hiện vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ với bên cho vay nước ngoài (khoản 2 Điều 3 Nghị định 219/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 12/2022/TT-NHNN đã định nghĩa cụm từ “Vay nước ngoài” như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
…
1. Vay nước ngoài là việc Bên đi vay nhận khoản tín dụng từ Người không cư trú thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của Bên đi vay.”
Như vậy, vay nước ngoài là việc bên đi vay nhận khoản tín dụng từ người không cư trú thông qua việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận vay nước ngoài dưới hình thức hợp đồng vay, hợp đồng mua bán hàng trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của bên đi vay.
Đồng thời, khoản 1 Điều 3 Thông tư 12/2022/TT-NHNN quy định khoản vay nước ngoài là cụm từ dùng chung để chi khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh và khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.
2. Tỷ lệ bảo đảm an toàn khi vay ngắn hạn nước ngoài là bao nhiêu?
Trên cơ sở đó, khoản 6 Điều 1 Thông tư 19/2024/TT-NHNN (sửa đổi Điều 16 Thông tư 08/2023/TT-NHNN) đã bổ sung đối tượng cần áp dụng tỷ lệ bảo đảm an toàn là khoản vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành thư tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, các khoản vay trên phải tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn tại Luật Các tổ chức tín dụng tại các thời điểm cuối của 03 tháng gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận thay đổi tăng giá trị khoản vay nước ngoài.
Có thể thấy, các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn, mục đích vay, giới hạn vay, thỏa thuận vay là các điều kiện được xây dựng cho giao dịch vay nước ngoài bằng tiền tại Thông tư 08 cơ bản tương đối chặt chẽ.
Tuy nhiên, đối với giao dịch vay nước ngoài phát sinh từ nghiệp vụ phát hành Thư tín dụng, quy trình thực hiện giao dịch hiện nay vẫn đang thực hiện theo Thông lệ quốc tế và căn cứ trên bộ chứng từ xuất nhập khẩu cụ thể.
Lưu ý: Quy định trên sẽ không áp dụng cho trường hợp bên đi vay là tổ chức tín dụng hỗ trợ theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định cho các nhóm đối tượng này tại Luật các tổ chức tín dụng.
3. Tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng từ ngày 01/7/2024
Theo Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực ngày 01/7/2024), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây:
Tỷ lệ khả năng chi trả;
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 08% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;
- Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có;
Tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
- Tỷ lệ bảo đảm an toàn khác.
Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: Khoản vay ngắn hạn nước ngoài là gì? Tỷ lệ bảo đảm an toàn khi vay ngắn hạn nước ngoài là bao nhiêu?