Kho ngoại quan là gì? Kho ngoại quan có phải khu phi thuế quan?

Kho ngoại quan là thuật ngữ quen thuộc trong ngành Logistics, Xuất nhập khẩu. Kho ngoại quan là gì? Tại sao phải gửi hàng vào kho ngoại quan? Kho ngoại quan có phải khu phi thuế quan không? Các điều kiện và quy định để gửi hàng vào kho ngoại quan là gì? Các thắc mắc trên sẽ được giải đáp dưới đây.

 

1. Kho ngoại quan là gì? Tại sao phải gửi hàng vào kho ngoại quan?

Kho ngoại quan là gì? (Ảnh minh họa)

Kho ngoại quan có vai trò quan trọng trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Phần lớn hàng hóa muốn xuất khẩu hay nhập khẩu sẽ thông qua kho ngoại quan.

1.1 Khái niệm 

Theo Khoản 10 Điều 4 của Luật Hải quan, kho ngoại quan được định nghĩa là khu vực riêng biệt độc lập được dùng với mục đích để lưu trữ, bảo quản hoặc các hoạt động khác. Hàng hóa được gửi vào kho ngoại quan đã làm thủ tục hải quan để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc hàng hóa từ nước ngoài được gửi vào để chờ tái xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Vậy kho ngoại quan có phải là khu phi thuế quan hay không?

Theo Thông tư 219/2013/TT-BTC đã quy định, khu phi thuế quan bao gồm:

  • Khu chế xuất,

  • Kho ngoại quan,

  • Doanh nghiệp chế xuất,

  • Kho bảo thuế,

  • Khu kinh tế thương mại đặc biệt,

  • Khu bảo thuế,

  • Khu thương mại công nghiệp hoặc các khu kinh tế đặc biệt khác được thành lập bởi Chính phủ được hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Mối quan hệ giữa các khu này với bên ngoài theo quan quan hệ xuất, nhập khẩu. Do hàng hóa được gửi vào kho ngoại quan từ nước ngoài hoặc các khu phi thuế quan khác được hưởng ưu đãi không phải đóng thuế nhập khẩu nên kho ngoại quan được tính là một khu phi thuế quan.

1.2 Tại sao phải gửi hàng vào kho ngoại quan?

Tại sao phải gửi hàng vào kho ngoại quan (Ảnh minh họa)

Hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng tận dụng các kho ngoại quan hơn bởi các yếu tố dưới đây:

  • Các hoạt động được phép thực hiện tại kho ngoại quan như đóng gói hàng hóa, phân loại có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gom hàng, đóng gói hàng hóa từ các nhà sản xuất khác nhau trong nước gửi đến. Như vậy, có thể đỡ tốn chi phí thuê kho ngoài cũng như chi phí vận chuyển.

  • Việc gửi hàng vào kho ngoại quan giúp chủ hàng không phải đóng thuế nhập khẩu. Việc này có thể mang lại lợi ích quan trọng đối với loại hàng hóa cần tái xuất sang nước thứ ba.

  • Đối với những đơn hàng nhập từ nước ngoài, nếu chưa tìm được chủ hàng trong nước, có thể lưu kho ngoại quan để giảm thiểu chi phí lưu cont.

  • Kho ngoại quan cho phép thực hiện các hoạt động mua bán và chuyển nhượng quyền sở hữu hàng hóa.

2. ​Các loại hàng hóa được phép gửi vào kho ngoại quan

Các loại hàng hóa được phép gửi vào kho ngoại quan được quy định tại Điều 85 Nghị định 08/2015/NĐ-CP:

  • Hàng hóa đã làm xong thủ tục xuất khẩu.

  • Hàng hóa từ doanh nghiệp nước ngoài đưa vào Việt Nam mà chưa ký kết hợp đồng bán hàng với doanh nghiệp trong nước.

  • Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đưa về Việt Nam để chờ nhập khẩu.

  • Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam chờ để tái xuất.

  • Hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài chờ để tái xuất sang nước thứ ba.

  • Hàng hóa hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất theo quy định.

3. ​Các dịch vụ được phép thực hiện ở kho ngoại quan

Theo Điều 83 thuộc Nghị Định 08/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể trực tiếp thực hiện hoặc có thể ủy quyền cho chủ kho ngoại quan và các đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện các dịch vụ sau đối với hàng hóa được gửi tại kho hải quan:

  • Thực hiện đóng gói, phân loại, gia cố, bảo dưỡng hàng hóa.

  • Nhượng quyền sở hữu hàng hóa đó.

  • Lấy mẫu hàng hóa để phục vụ mục đích hoàn thành các thủ tục hải quan.

  • Nếu trường hợp kho ngoại quan chuyên dụng chứa các sản phẩm hàng hóa là xăng, dầu, chất lỏng, hóa chất và đáp ứng đủ các điều kiện của nhà nước về quản lý giám sát hải quan và quản lý chuyên ngành thì được phép pha chế, chuyển đổi chủng loại của hàng hóa đó.

Hoạt động sắp xếp và vận chuyển hàng hóa trong kho ngoại quan (Ảnh minh họa)

4. Quy định, thủ tục thuê kho ngoại quan 

Điều 84 thuộc Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng và thủ tục thuê kho ngoại quan, cụ thể như sau:.

4.1 Đối tượng thuê kho ngoại quan

Các đối tượng được phép thuê kho ngoại quan:

  • Các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân nước ngoài.

  • Các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân tại Việt Nam thực hiện các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

4.2 Thủ tục thuê kho ngoại quan

Để thuê kho ngoại quan, chủ hàng và chủ kho ngoại quan cần ký kết hợp đồng thuê kho với nhau. Các điều khoản trong hợp đồng sẽ do 2 bên thỏa thuận theo các quy định của Pháp luật. Trong trường hợp chủ hàng cũng là chủ kho ngoại quan thì không cần ký hợp đồng.

Hợp đồng thuê kho hải quan được thỏa thuận bởi hai  bên quy định về thời gian hiệu lực hết hạn hợp đồng và thời hạn thuê kho hải quan phải ngắn hơn thời hạn hàng hóa được gửi trong kho ngoại quan. Thời hạn gửi hàng trong kho ngoại quan được quy định theo Khoản 1 Điều 61 Luật Hải quan:

  • Thời gian lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan không quá 12 tháng kể từ khi hàng được gửi vào kho ngoại quan.

  • Có thể được gia hạn thêm một lần không quá 12 tháng nếu chủ hàng có lý do chính đáng.

Cục Hải quan sẽ thanh lý hàng hóa trong kho ngoại quan trong các trường hợp dưới đây:

  • Quá thời hạn 90 ngày kể từ khi hết hạn hợp đồng cho thuê kho ngoại quan, chủ hàng không đưa hàng ra ngoài.

  • Sau 90 ngày hợp đồng gia hạn thuê kho ngoại quan bị hết hạn mà chủ hàng không mang hàng ra ngoài.

  • Hết hạn hợp đồng thuê kho, chủ hàng có đưa ra văn bản ủy quyền không đưa hàng ra ngoài kho ngoại quan.

  • Trong thời gian còn hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan, chủ hàng có đưa ra văn bản ủy quyền thanh lý hàng hóa.

Cục hải quan sẽ thanh lý hàng hóa khi quá hạn gia hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan (Ảnh minh họa)

5. Những điều cần lưu ý khi thuê kho ngoại quan

Theo các Điều 86, 87, 88 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, khi thuê kho ngoại quan, chủ hàng cần lưu ý những điều sau:

Công tác quản lý và bảo quản hàng hóa trong kho ngoại quan

  • Hàng hóa đưa vào kho ngoại quan phải phù hợp với mặt hàng đã được ký kết theo hợp đồng thuê kho ngoại quan.

  • Các loại hàng hóa cần khi xuất nhập kho phải được làm thủ tục hải quan theo quy định của luật pháp. Trừ các trường hợp như máy móc, thiết bị nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động đóng gói, gia cố,..trong kho ngoại quan không cần làm thủ tục hải quan. Nhưng vẫn phải thông báo lên ban quản lý kho ngoại quan để theo dõi, giám sát.

  • Trường hợp nếu hàng hóa bị hư hỏng, quá hạn sử dụng và cần phải tiêu hủy thì cần có văn bản thỏa thuận giữa chủ hàng và chủ kho ngoại quan. Chi phí tiêu hủy hàng do 2 bên thỏa thuận.

  • Hàng hóa khi xuất nhập kho cần có sự quản lý bởi các thiết bị công nghệ thông tin để kịp thời cung cấp tình trạng hàng hóa và tình trạng kho cho cơ quan giám sát.

Công tác giám sát hải quan của Chi cục quản lý tại kho ngoại quan

Cơ quan hải quan sẽ thực hiện theo dõi và giám sát với các hoạt động:

  • Hàng hóa xuất nhập kho

  • Các hoạt động dịch vụ được thực hiện tại kho ngoại quan

  • Việc di chuyển hàng hóa từ kho ngoại quan đến cửa khẩu hoặc các địa điểm thực hiện các thủ tục hải quan và ngược lại.

Công tác kiểm tra và giám sát hàng hóa của Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan (Ảnh minh họa)


Hàng hóa khi xuất nhập kho ngoại quan cần phải làm thủ tục hải quan

  • Hàng hóa từ nước ngoài, nội địa hoặc từ các khu phi thuế quan khi vào kho ngoại quan cần phải được làm thủ tục nhập kho.

  • Hàng hóa đưa ra nước ngoài, khu phi thuế quan hoặc nội địa cần kê khai thông tin hàng hóa xuất kho.

  • Hàng hóa được đưa vào tiêu thụ ở thị trường trong nước cần làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo quy định của Pháp luật.

  • Hàng hóa thuộc diện bắt buộc phải tái xuất thì không được phép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam nữa.

  • Hàng hóa trong quá trình vận chuyển từ kho ngoại quan đến các cửa khẩu nhập, xuất hoặc từ nội địa vào kho ngoại quan cũng cần làm thủ tục hải quan giống như hàng hóa vận chuyển đang chịu sự giám sát hải quan. Trừ trường hợp hàng đã làm thủ tục xuất khẩu hoặc hàng nhập khẩu đã mở tờ khai vận chuyển kết hợp.

Bài viết này đã trình bày các vấn đề mà những newbie trong ngành cần biết xoay quanh câu hỏi “kho ngoại quan là gì?”. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.

Làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1?

Để đảm bảo cho việc cung cấp và sử dụng các trò chơi điện tử trên mạng được an toàn cho người dùng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến hoạt động này. Vậy làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng?

Mẫu đơn đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã được ban hành ngày 09/11/2024. Trong đó, đáng chú ý là các quy định chi tiết về cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Vậy để đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, doanh nghiệp phải sử dụng mẫu đơn nào?

Điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là trang mạng điện tử rất phổ biến hiện nay. Vậy điều kiện để được cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì và những quy định nào doanh nghiệp cần biết khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội?