Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thay đổi những gì từ năm 2025?

Tại Thông tư số 105/2023/TT-BQP, Bộ Quốc phòng đã quy định nhiều thay đổi về việc khám sức khỏe để gọi công dân đi nghĩa vụ quân sự. Vậy điểm mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ 2025 gồm những gì? Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.

1. Nội dung khám sức khỏe nghĩa vụ

điểm mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ 2025
Điểm mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ 2025 (Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn sức khỏe để được thực hiện nghĩa vụ quân sự nêu tại Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP gồm:

- Phân loại theo thể lực gồm chiều cao, cân nặng và vòng ngực cùng tỷ lệ cân nặng/chiều cao BMI.

- Phân loại theo bệnh tật và các vấn đề sức khỏe: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ).

Ngoài ra, tùy vào từng giai đoạn khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ thực hiện khám với các nội dung:

- Sơ tuyển: Khám tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình; phát hiện trường hợp không đủ thể lực, dị tật, dị dạng; phát hiện các bệnh được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.

- Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

  • Về thể lực.
  • Khám lâm sàng các chuyên khoa về mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ);
  • Khám cận lâm sàng: Công thức máu; nhóm máu (ABO); đường máu; chức năng gan (AST, ALT), virus viêm gan B (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV); HTV; thận (Ure, Creatinine); nước tiểu toàn bộ (10 thông số); xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy; siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng;

(Lưu ý: có thể có thêm các xét nghiệm khác theo chỉ định căn cứ yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.

Đồng thời, chỉ xét nghiệm máu, nước tiểu, HIV, ma túy với người đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khi đã tiến hành khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim và chụp X quang tim phổi thẳng).

- Khám giám định sức khỏe: Thực hiện khi có khiếu nại liên quan đến sức khỏe của công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc của quân nhân dự bị.

- Khám phúc tra: Về thể lực; khám lâm sàng; khám cận lâm sàng gồm các nội dung như trên.

Có thể thấy, so với quy định cũ, Thông tư 105 đã đặt ra tiêu chuẩn chung cho tất cả các đối tượng và cho từng trường hợp cụ thể.

2. Cách tính điểm và phân loại sức khỏe

Cách cho điểm và phân loại khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025 nêu tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư 105 như sau:

- Phương pháp cho điểm: Mỗi chỉ tiêu sẽ được cho điểm từ 01 - 06 biểu thị tình trạng sức khỏe tương ứng từ rất tốt đến rất kém. Cụ thể:

a) Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;

b) Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt;

c) Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá;

d) Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;

đ) Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém;

e) Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.

Dựa vào số điểm đã được cho, tình trạng sức khỏe sẽ được phân thành 06 loại:

a) Loại 1: Tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1;

b) Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;

c) Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;

d) Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;

đ) Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;

e) Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6

Do đó, so với cách tính điểm cũ thì Thông tư 105 đã không giới hạn các chỉ tiêu để xếp loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự ở loại 1 (điểm a khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch số 16 giới hạn các chỉ tiêu đều đạt điểm 1 để xếp loại sức khỏe loại 1 là 08 chỉ tiêu).

Như vậy, điểm mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ 2025 về cách cho điểm và xếp loại sức khỏe không có nhiều thay đổi so với quy định cũ.

Quy định mới không thay đổi nhiều về cách xếp loại sức khỏe khám nghĩa vụ quân sự
Quy định mới không thay đổi nhiều về cách xếp loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự (Ảnh minh họa)

3. Tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

Tùy vào từng trường hợp khác nhau, yêu cầu về tiêu chuẩn sức khỏe cũng khác nhau, cụ thể theo Điều 4 Thông tư số 105, tiêu chuẩn khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025 như sau:

Tiêu chuẩn

Nội dung

Chung

- Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3

- Không gọi những đối tượng sau đây nhập ngũ: Người nghiện ma túy, tiền chất ma túy.

Tiêu chuẩn riêng

Theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Tuyển sinh quân sự trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp hệ chính quy hoặc ngành quân sự cơ sở

- Đạt sức khỏe loại 1, loại 2

- Thực hiện theo quy định về công tác tuyển sinh vào các trường Quân đội của Bộ Quốc phòng

Cán bộ, đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ

- Đạt sức khỏe loại 1, loại 2

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định riêng cho chức danh cán bộ chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành hẹp, khó thu hút nguồn nhân lực cho quân đội

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng

- Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3

- Với chức danh chuyên ngành hẹp, khó thu hút nguồn nhân lực cho quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ quy định tiêu chuẩn riêng.

4. Hướng dẫn khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

4.1 Loạn thị có thể phải đi nghĩa vụ quân sự

Với tiêu chuẩn sức khỏe về mắt, cụ thể là loạn thị, tại phụ lục ban hành kèm Thông tư 105 này, Bộ Quốc phòng quy định như sau:

- Với loạn thị do sinh lý hoặc có độ loạn bé hơn 1 đi ốp thì sức khỏe sẽ được xếp loại 2 tức là tình trạng sức khỏe tốt. Với loạn thị có độ lớn hơn hoặc bằng 1 đi ốp thì sức khỏe được xếp loại khá tương đương với loại 3. Với loạn thị đã phẫu thuật, hết loạn thì sẽ tính như trên nhưng được tính tăng lên 1 điểm.

Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16 năm 2016, tất cả các loại loạn thị đều thuộc sức khỏe loại 6 là tình trạng sức khỏe rất kém và không đủ điều kiện để đi nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, người loạn thị bị chấm điểm 2 hoặc 3 mà các tiêu chuẩn sức khỏe khác không bị điểm 3, 4, 5, 6 thì sẽ đạt sức khoẻ loại 2 hoặc loại 3 tương ứng và đủ điều kiện nhập ngũ.

4.2 Mù màu vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự

Tương tự như loạn thị, về bệnh mù màu, Thông tư mới đã có nhiều thay đổi so với Thông tư liên tịch số 16 năm 2016. Cụ thể:

Quy định cũ: Thông tư liên tịch số 16 chỉ đưa ra tiêu chí xác định người mắc bệnh mù màu dù là 01 màu hay toàn bộ đều bị xếp vào sức khỏe rất kém (tức loại 6 hoặc 6 điểm). Do đó, người bị mù màu không đủ điều kiện để đi nghĩa vụ quân sự.

Quy định mới: Thông tư 105 đã sửa đổi tiêu chí về bệnh mù màu theo hướng cho phép người bị mù màu ở mức độ nhẹ vẫn đủ điều kiện nhập ngũ nếu các tiêu chí khác đạt yêu cầu. Cụ thể:

  • Xếp sức khỏe loại 3 nếu mù màu trục xanh lá - đỏ mức độ nhẹ;
  • Xếp sức khỏe loại 4 - 5 nếu mù màu trục xanh lá - đỏ mức độ nặng;
  • Xếp sức khỏe loại 6 nếu mù màu hoàn toàn hoặc mù màu khác.

Như vậy, trong trường hợp các tiêu chuẩn sức khỏe khác vẫn đạt yêu cầu (không bị chấm điểm 3, 4, 5, 6) thì người mù màu trục xanh lá - đỏ mức độ nhẹ vẫn đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự theo quy định mới.

Ngoài ra, Thông tư 105 còn đưa ra các yêu cầu để kiểm tra mù màu (quy định cũ không có) như sau:

  • Chỉ được đọc mỗi hình trong thời gian tối đa là 3s.
  • Đọc từ hình 1 - 15, nếu đọc chính xác được 13 chữ thì công dân đó không mắc mù màu.
  • Đọc chính xác từ 09 chữ trở xuống thì được coi là bất thường.

4.3 Lưu ý về khám mắt nếu người khám không trung thực

Theo Thông tư liên tịch 16, khi khám mắt, nhân viên chuyên môn phải trực tiếp hướng dẫn cách đọc cũng như thực hiện quy trình khám đúng kỹ thuật. Đặc biệt, Thông tư liên tịch này chỉ yêu cầu nhân viên chuyên môn chú ý phát hiện các trường hợp đọc không trung thực hoặc không biết đọc theo hướng dẫn.

Trong khi đó, theo quy định mới, Bộ Quốc phòng đã đưa ra giải pháp cho trường hợp này. Cụ thể, vẫn yêu cầu nhân viên chuyên môn phải trực tiếp hướng dẫn cách đọc cũng như thực hiện quy trình khám đúng kỹ thuật của chuyên ngành Nhãn khoa.

Với trường hợp người đọc không trung thực hoặc không biết đọc theo hướng dẫn thì nhân viên chuyên môn sử dụng máy đo khúc xạ tự động để kiểm tra.

Nhiều quy định khám mắt khi nhập ngũ thay đổi từ 01/01/2024
Điểm mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ 2025 về mắt (Ảnh minh họa)

4.4 Khám thể lực như thế nào?

Công dân khi khám thể lực phải bỏ mũ, nón, để chân đất, đầu trần, không đi giày hoặc dép. Trong đó, nếu là nam thì cởi hết quần áo dài, áo lót chỉ mặc quần đùi. Nếu là nữ thì mặc quần dài, áo mỏng.

- Đo chiều cao:

  • Công dân phải đứng thẳng, 02 gót chân chạm nhau, 02 tay buông thõng tự nhiên, mắt nhìn ngang, tầm nhìn song song với mặt đất.
  • Người đo phải đứng vào vị trí đo, gót chân, mông và xương bả vai phải chạm tường.

- Đo vòng ngực cho nam: Người được đo phải hít thở bình thường, khi đo, người này phải hít vào tối đa và thở ra tối đa, lấy hai giá trị đó cộng lại và chia trung bình.

- Cách tính chỉ số BMI: Công thức tính BMI là: Cân nặng/(chiều cao)2.

khám thể lực nghĩa vụ quân sự

Như vậy, về cơ bản, việc khám thể lực ở quy định mới không có nhiều sự thay đổi so với quy định cũ. Tuy nhiên, về chỉ số BMI ở quy định cũ được quy định tại phần chú dẫn khám tuyển trong khi đó, Thông tư 105 đã liệt kê cùng bảng với yêu cầu về chiều cao và cân nặng.

4.5 Danh mục các bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự

Căn cứ mục III phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 105, danh sách các bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, không nhận vào quân thường trực gồm có:

các bệnh được miễn nghĩa vụ quân sự

Trong đó, về cơ bản Thông tư 105 quy định các bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự đều được giữ nguyên như Thông tư liên tịch số 16. Tuy nhiên, với bệnh lý ác tính gồm u ác, bệnh máu ác tính và người nhiễm HIV, Thông tư 105 đã quy định chi tiết mã bệnh mà ở quy định cũ không có.

5. Khám nghĩa vụ quân sự ở đâu?

Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025 phải trải qua 02 vòng khám: Khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Trong đó, để được khám với mỗi trường hợp, công dân cần phải đến địa điểm dưới đây:

- Khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự: Thực hiện tại Trạm y tế cấp xã theo sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của trung tâm y tế cấp huyện hoặc bệnh viện đa khoa cấp huyện, do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện giám sát theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 105/2023/TT-BQP.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 16 chỉ quy định sơ tuyển sức khỏe do Trạm y tế xã thực hiện dưới chỉ đạo của Trung tâm y tế huyện về chuyên môn và nghiệp vụ.

Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm nơi khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự là bệnh viện đa khoa cấp huyện dưới sự giám sát của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

- Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện thực hiện hoặc bệnh viên đa khoa cấp huyện thực hiện nếu địa phương đó có bệnh viện đa khoa cấp huyện.

Địa điểm, thời gian tổ chức khám sức khỏe sẽ được trình bày cụ thể trong lệnh gọi khám sức khỏe (căn cứ Điều 8 Thông tư 105/2023TT-BQP).

6. Thời điểm khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Thời gian khám sức khỏe là từ 01/11 đến hết 31/12 hằng năm theo khoản 7 Điều 8 Thông tư 105.

Đồng thời, những quy định về khám sức khỏe tại Thông tư này được thực hiện cho kỳ tuyển quân nghĩa vụ quân sự năm 2025 bởi kết quả sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe và khám phúc tra, giám định sức khỏe trước ngày 01/01/2024 sẽ được thực hiện theo quy định cũ tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BPQ.

Do đó, kỳ nghĩa vụ quân sự năm 2024 đã có kết quả và hoàn thiện theo quy định cũ. Từ 01/11/2024 - 31/12/2024 sẽ thực hiện khám sức khỏe cho kỳ tuyển quân nghĩa vụ quân sự của năm 2025 và theo quy định trên sẽ thực hiện theo Thông tư 105.

Toàn bộ các quy định về điểm mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ 2025 theo Thông tư 105/2023/TT-BQP đã được trình bày chi tiết ở trên. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hậu quả của ô nhiễm môi trường và biện pháp khắc phục thế nào?

Hậu quả của ô nhiễm môi trường và biện pháp khắc phục thế nào?

Hậu quả của ô nhiễm môi trường và biện pháp khắc phục thế nào?

Mỗi năm có hàng triệu người trên thế giới tử vong do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Ô nhiễm môi trường hiện là mối lo ngại lớn của thế giới. Vậy liệu rằng bạn đã hiểu hết những hậu quả của ô nhiễm môi trường chưa? Cập nhật thêm kiến thức cho bản thân với bài viết dưới đây ngay nhé!

Học sinh tiêu biểu là gì? Tiêu chí nào để đánh giá học sinh tiêu biểu?

Học sinh tiêu biểu là gì? Tiêu chí nào để đánh giá học sinh tiêu biểu?

Học sinh tiêu biểu là gì? Tiêu chí nào để đánh giá học sinh tiêu biểu?

Hiện nay, cùng với sự đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông, cách thức đánh giá và khen thưởng học sinh cũng có sự thay đổi. Vậy học sinh tiêu biểu là gì? Các tiêu chí nào được dùng để đánh giá học sinh tiêu biểu? Hãy tham khảo bài viết này để hiểu rõ hơn nhé.