Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp hỗ trợ hiếm muộn, vô sinh hiện đại . Trong số đó, IVF đang là phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến và nổi tiếng ở Việt Nam. Cùng đọc bài viết sau để hiểu IVF là gì và những yêu cầu về sức khỏe đối với người thực hiện IVF.
- 1. Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là gì?
- 1.1. Khái niệm
- 1.2. Ưu điểm của IVF
- 1.3. Hạn chế của IVF
- 2. Những đơn vị nào được phép thực hiện phương pháp IVF?
- 3. Điều kiện về sức khỏe của người được thực hiện phương pháp IVF là gì?
- 4. Quy trình thực hiện IVF như thế nào?
- 5. Một số câu hỏi thường gặp khi thực hiện IVF là gì?
1. Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là gì?
1.1. Khái niệm
IVF là từ viết tắt của từ In vitro fertilization - thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là một trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản được phát minh vào năm 1978 trên thế giới và bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ năm 1997.
Khái niệm IVF được định nghĩa theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP như sau:
“Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi”
Về bản chất, để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ kết hợp trứng của mẹ và tinh trùng của cha ở môi trường bên ngoài cơ thể mẹ (in-vitro), cụ thể là trong ống nghiệm. Sau khi thụ tinh thành công, bác sĩ sẽ đưa phôi quay lại tử cung người mẹ hoặc được đông lạnh để sử dụng. Phôi khi được đưa vào buồng tử cung sẽ phát triển như một bào thai bình thường.
1.2. Ưu điểm của IVF
Tỷ lệ thành công cao, nhất là với các trường hợp đã thực hiện nhiều lần.
Độ an toàn cao do phương pháp này đã được thực hiện và kiểm nghiệm từ năm 1978 trên thế giới.
Hỗ trợ mang thai với cả những trường hợp khó như lạc nội mạc tử cung, vòi trứng tổn thương, ống dẫn trứng bị tắc, chất lượng trứng/tinh trùng kém,...
1.3. Hạn chế của IVF
Vẫn còn xuất hiện các tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.
Khả năng đa thai do khi thực hiện cần đưa vào tử cung mẹ nhiều phôi đã thụ tinh để tăng xác suất thành công.
Nguy cơ sinh non vẫn còn cao do ảnh hưởng từ các loại thuốc nội tiết mẹ cần sử dụng.
Chi phí vẫn còn khá cao.
2. Những đơn vị nào được phép thực hiện phương pháp IVF?
Theo Điều 7 của Nghị định 10/2015/NĐ-CP thì không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện phương pháp IVF. Chỉ có những cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng các yêu cầu sau mới được cấp phép thực hiện phương pháp này:
Bệnh viện đa khoa Nhà nước tuyến tỉnh và tuyến trung ương có khoa sản, sản - nhi
Bệnh viện đa khoa tư nhân có chuyên khoa sản, khoa sản - nhi
Bệnh viện chuyên khoa sản, khoa sản - nhi
Bệnh viện chuyên khoa về nam học và hiếm muộn
Các cơ sở y tế trên phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự theo quy định của Chính phủ theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 155/2018/NĐ-CP.
3. Điều kiện về sức khỏe của người được thực hiện phương pháp IVF là gì?
Theo Thông tư 57/2015/TT-BYT, người được thực hiện phương pháp IVF cần đảm bảo những điều kiện sau đây về sức khỏe:
Sức khỏe bình thường, không đang mắc bệnh lý gây ảnh hưởng sức khỏe trong thời gian thực hiện IVF
Không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV hay các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B
Không mắc các bệnh di truyền có ảnh hưởng đến tính mạng và sự phát triển của con (ví dụ như bệnh down, bệnh bạch tạng, bệnh tan máu bẩm sinh,...)
Không mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh lý khác liên quan đến thần kinh dẫn đến không thể nhận thức, làm chủ được hành vi
Phải có xác nhận bằng văn bản về việc đủ sức khỏe để thực hiện IVF, mang thai và sinh con của người đứng đầu cơ sở y tế được phép thực hiện IVF
4. Quy trình thực hiện IVF như thế nào?
Quy trình thực hiện IVF được Bộ Y tế quy định từng bước rõ ràng tại Chương IV của Thông tư 57/2015/TT-BYT như sau:
Bước 1: Tư vấn và thăm khám
Các cặp vợ chồng có nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được cơ sở y tế thăm khám và tư vấn về quy trình điều trị cụ thể như:
Thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết
Tư vấn phác đồ kích thích buồng trứng, thời gian dùng thuốc, những điều cần theo dõi trong quá trình dùng thuốc.
Tư vấn thời gian dự kiến để lấy noãn và tinh trùng
Tư vấn thời gian chuyển phôi, khả năng trữ phôi toàn bộ khi có nguy cơ xảy ra biến chứng khi sử dụng thuốc kích thích buồng trứng (ví dụ quá kích buồng trứng, nội mạc tử cung không đủ điều kiện)
Tư vấn bổ sung nội tiết tố để hỗ trợ quá trình thụ thai (hỗ trợ pha hoàng thể), theo dõi sau chuyển phôi
Tư vấn về tỷ lệ thành công và các biến chứng có thể xảy ra
Tư vấn về chi phí điều trị trước khi thực hiện
Riêng với các trường hợp đặc biệt như xin noãn, xin tinh trùng, xin phôi thì ngoài các nội dung tư vấn trên, cơ sở y tế sẽ tư vấn thêm về tính di truyền của con khi sinh ra để người thực hiện cân nhắc.
Bước 2: Kích thích buồng trứng
Đầu tiên, cơ sở y tế sẽ tiến hành xét nghiệm AMH để đánh giá dự trữ buồng trứng nhằm xác định khả năng sinh sản của người mẹ.
Tiếp theo, người mẹ sẽ được tiêm thuốc để kích thích buồng trứng. Cơ sở y tế sẽ theo dõi sự phát triển của trứng và khi đủ điều kiện sẽ tiêm thuốc giúp trứng trưởng thành.
Bước 3: Chọc hút trứng
Sau khi trứng trưởng thành, bác sĩ tiến hành siêu âm và chọc hút trứng qua đường âm đạo của người mẹ.
Đồng thời bác sĩ cũng lấy mẫu tinh trùng của người cha để chuẩn bị quá trình thụ tinh.
Bước 4: Tạo phôi
Trứng và tinh trùng được chuyển đến phòng kỹ thuật để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Phôi được nuôi cấy và theo dõi thường xuyên trong môi trường chuyên biệt (tủ cấy CO2)
Bước 5: Chuyển phôi
Tùy vào cơ thể mẹ và phác đồ điều trị của từng cơ sở y tế, phôi sau ngày 2, ngày 3 hoặc ngày 5 sẽ được chuyển vào tử cung người mẹ.
Bước 6: Thử thai
Sau khoảng 10 - 12 ngày sau khi chuyển phôi, người mẹ sẽ quay lại cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm định lượng bhCG huyết thanh (nếu nồng độ HCG máu > 25 IU/L thì người mẹ đã mang thai) và siêu âm qua đường âm đạo để xác nhận sự phát triển của thai, vị trí thai.
5. Một số câu hỏi thường gặp khi thực hiện IVF là gì?
Chi phí thực hiện IVF khoảng bao nhiêu?
Hiện nay đang có khoảng 30 cơ sở y tế có hỗ trợ sinh sản nên tương đối thuận tiện cho các gia đình có nhu cầu. Tùy thuộc vào chất lượng dịch vụ bệnh viện, chuyên môn bác sĩ, tỷ lệ thành công,... thì mỗi cơ sở y tế sẽ thiết kế gói dịch vụ phù hợp. Chi phí trung bình để thực hiện một ca thụ tinh nhân tạo sẽ dao động từ 80.000.000 - 100.000.000 đồng/ca
Tỷ lệ thành công khi thực hiện IVF là bao nhiêu?
Tỷ lệ thành công IVF phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, sức khỏe, cân nặng, thói quen, bệnh lý,... của người thực hiện; trang thiết bị của cơ sở y tế; trình độ kỹ thuật của bác sĩ,...
Hiện nay với sự đầu tư trang thiết bị, cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ y tế thì tỉ lệ thụ tinh trong ống nghiệm IVF ở Việt Nam trung bình đang khoảng 60-70%.
Những tác dụng phụ khi thực hiện IVF là gì?
Bất kỳ một phương pháp nhân tạo nào đều có những ảnh hưởng nhất định đến con người, IVF dù tỷ lệ thành công cao nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như:
Phản ứng thuốc: việc sử dụng các thuốc nội tiết trong quá trình kích trứng cũng như mang thai có thể gây ra các phản ứng cho cơ thể người mẹ như nôn ói, bụng chướng, táo bón, căng thẳng,...
Sảy thai
Đa thai: thông thường để tăng tỷ lệ thành công thì khi chuyển phôi, bác sĩ sẽ chuyển thêm các phôi đã thụ tinh vào tử cung người mẹ nên dễ có khả năng đa thai (sinh đôi, sinh ba,...)
Dễ sinh non, con nhỏ
Căng thẳng, trầm cảm, lo lắng
Ngoài ra còn nhiều tác dụng phụ khác tùy thuộc vào cơ địa của người thực hiện, kỹ thuật, thuốc men dùng trong quá trình thụ tinh. Vì vậy, các gia đình nên cân nhắc và trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện IVF.
6. Kết luận
Với bài viết này, chúng tôi đã cung cấp những thông tin chi tiết để các gia đình hiểu rõ IVF là gì và những yêu cầu về sức khỏe đối với người thực hiện ivf. Vui lòng truy cập LuatVietnam.vn để tra cứu các văn bản về y tế và gọi tổng đài 19006192 của chúng tôi để được giải đáp thắc mắc về các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực này.