IC3 là gì? Giá trị của chứng chỉ IC3 như thế nào?

IC3 là gì? Nếu bạn là người đang có những thắc mắc liên quan đến chứng chỉ IC3 cũng như các vấn đề về đăng ký thi chứng chỉ thì bài viết này hoàn toàn dành cho bạn. Những thông tin được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn nhanh chóng giải đáp thắc mắc.


1. Tìm hiểu IC3 là gì?

Để tìm rõ nhất về những vấn đề xoay quanh IC3 thì trước hết bạn cần hiểu được khái niệm này.

1.1. Khái niệm

ICE (viết tắt của The Internet and Computing Core Certification) là chứng chỉ tin học quốc tế dùng để đánh giá kiến thức và kỹ năng sử dụng máy tính, internet do Certiport (Hoa Kỳ) chứng nhận. Chứng chỉ ICE do Tập đoàn Certiport - Pearson Vue phát triển.

Tìm hiểu về IC3 là gì
Tìm hiểu về IC3 là gì (Ảnh minh hoạ)

Có thể thấy, chứng chỉ tin học IC3 chính là một trong những chứng chỉ tin học quốc tế đánh giá khả năng sử dụng máy tính ở trình độ cơ bản của người học và được công nhận rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

1.2. Chứng chỉ IC3 mang lại lợi ích gì?

Đối với học sinh, sinh viên:

  • Chứng thực khả năng về tin học máy tính với chứng chỉ chuẩn quốc tế.

  • Cải thiện kỹ năng sử dụng máy tính, phục vụ cho quá trình học.

  • Nâng cao cơ hội tìm kiếm công việc tốt sau khi ra trường.

  • Một số trường Cao đẳng và Đại học đã quy định IC3 là chứng chỉ tin học chuẩn đầu ra. Do đó, nhiều bạn sinh viên cần học và ôn luyện IC3 để hoàn thành tốt nghiệp.

  • Là hành trang tốt phục vụ cho quá trình học tập ở các bậc học tiếp theo.

Đối với người đi làm:

  • Nâng cao hiệu suất làm việc, đặc biệt khi làm việc với các ứng dụng của Microsoft.

  • Tạo lợi thế cạnh tranh khi ứng tuyển việc làm, tăng lương và tạo cơ hội thăng tiến trong công việc.

  • Là một trong những điều kiện cần khi nộp hồ sơ thi vào cơ quan Nhà nước.

2. Giá trị của chứng chỉ IC3 theo quy định

Chứng chỉ IC3 là chứng chỉ tin học được công nhận rộng rãi tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm có trung bình 2 triệu lượt người thi tại hơn 12.000 trung tâm được Certiport ủy quyền chính thức.

Giá trị của chứng chỉ IC3 là gì theo quy định? Tại Việt Nam, chứng chỉ IC3 là một trong những chứng chỉ tin học đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư 03/2014/TT-BTTTT.

Giá trị của chứng chỉ IC3 theo quy định
Giá trị của chứng chỉ IC3 theo quy định (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 2 của Thông tư 03/2014/TT-BTTTT có quy định về chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản gồm 6 mô đun như sau:

  • Mô đun kỹ năng 01: Hiểu biết về Công nghệ thông tin cơ bản

Mô đun này sẽ bao gồm các nội dung về kiến thức cơ bản về máy tính và mạng máy tính; các ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; vấn đề về an toàn lao động và bảo vệ môi trường khi sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông; an toàn thông tin cơ bản khi làm việc với máy tính; vấn đề liên quan đến pháp luật khi sử dụng công nghệ thông tin.

  • Mô đun kỹ năng 02: Kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản

Mô đun 2 yêu cầu về hiểu biết cơ bản khi bắt đầu làm việc với máy tính; làm việc với hệ điều hành; quản lý thư mục và tệp máy tính; phần mềm tiện ích; sử dụng tiếng việt và sử dụng máy in.

  • Mô đun kỹ năng 03: Kỹ năng xử lý văn bản cơ bản

Mô đun 3 có nội dung kiến thức về văn bản, soạn thảo và xử lý văn bản cơ bản; sử dụng phần mềm soạn thảo cụ thể; định dạng văn bản; nhúng các đối tượng vào văn bản; cách kết xuất và phân phối văn bản; soạn thảo thông điệp và văn bản hành chính.

  • Mô đun kỹ năng 04: Khả năng sử dụng bảng tính cơ bản

Mô đun 4 bao gồm kiến thức về bảng tính; sử dụng phần mềm bảng tính; các thao tác liên quan đến ô tính; thao tác trên trang tính; biểu thức và hàm; định dạng một ô và một dãy ô; biểu đồ; kết xuất và phân phối bảng tính, trang tính.

  • Mô đun kỹ năng 05: Kỹ năng sử dụng trình chiếu cơ bản

Mô đun 5 có các nội dung về kiến thức cơ bản về bài thuyết trình và trình chiếu; khả năng sử dụng phần mềm trình chiếu; xây dựng nội dung bài thuyết trình; đưa biểu đồ và sơ đồ tổ chức vào trang thuyết trình; chuẩn bị, trình chiếu và in bài thuyết trình.

  • Mô đun kỹ năng 06: Sử dụng cơ bản internet

Tại mô đun 6 sẽ yêu cầu về kiến thức cơ bản liên quan đến internet; sử dụng trình duyệt web; sử dụng web; sử dụng thư điện tử; một số hình thức truyền thông số thông dụng.

Khi người học đạt được chứng chỉ IC3 sẽ chứng tỏ rằng người đó có đầy đủ kiến thức và khả năng sử dụng cơ bản máy tính và internet. Do chứng chỉ IC3 đáp ứng các yêu cầu theo 6 mô đun được quy định bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đặc biệt, IC3 là chứng chỉ tin học có giá trị thời hạn vĩnh viễn. Do đó, người đạt được IC3 sẽ chỉ cần thi một lần và sử dụng chứng chỉ mãi mãi.

3. Những điều cần biết khi đăng ký thi chứng chỉ IC3

Sau khi đã hiểu rõ IC3 là gì và giá trị của chứng chỉ này theo quy định, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những vấn đề xoay quanh việc đăng ký thi chứng chỉ IC3.

3.1. Các phiên bản của chứng chỉ IC3

Hiện nay, IC3 có nhiều phiên bản khác nhau nhưng phổ biến nhất là 2 phiên bản: IC3 GS5 và IC3 GS6, sau đây là một vài điểm so sánh giữa 2 phiên bản này:

Tiêu chí

IC3 GS5

IC3 GS6

Bài thi

Xây dựng dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng GS5

Xây dựng dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng GS6

Nền tảng thi

Windows 10 – Office 2016

Windows 10 và Office 365

và có thêm phần hiểu biết nâng cao về năng lực kỹ thuật số

Cấu trúc bài thi

Gồm 3 phần

Gồm 3 cấp độ

Điểm đạt

700/1000 ở mỗi phần

700/1000 ở mỗi cấp độ

Điều kiện được cấp chứng chỉ

- Hoàn thành và thi đạt yêu cầu ở cả 3 phần

- Thi đạt ở level nào sẽ được cấp chứng chỉ ở level đó.

- Hoàn thành cả 3 chứng chỉ sẽ được cấp thêm chứng chỉ  IC3 Digital Literacy Master Certification.

Hiệu lực chứng chỉ

Vô thời hạn

Vô thời hạn

3.2. Cấu trúc bài thi 

3.2.1. Chứng chỉ IC3 GS5

GS5 (Global Standard 5) là tiêu chuẩn toàn cầu được công nhận bởi các tổ chức uy tín, dùng để đánh giá khả năng sử dụng các ứng dụng công nghệ và thiết bị kỹ thuật số hiện nay.

GS5 phát triển dựa trên các tiêu chuẩn được đặt ra bởi International Society for Technology in Education (ISTE) - một tổ chức uy tín tại Hoa Kỳ.

IC3 GS5 bao gồm 3 bài thi tương ứng với 3 phần:

  • Phần 1: Máy tính căn bản (Computing Fundamentals).

Nội dung phần này sẽ xoay quanh các vấn đề thường gặp liên quan đến hệ điều hành, phần cứng, phần mềm máy tính và cách xử lý khi gặp lỗi cơ bản.

  • Phần 2: Những ứng dụng chính (Key Applications).

Phần này yêu cầu thí sinh phải nắm vững các ứng dụng phần mềm thông dụng của Microsoft: Excel, Word và Powerpoint.

  • Phần 3: Đời sống trên trực tuyến (Living Online).

Phần cuối sẽ bao gồm các khái niệm về internet, cách sử dụng an toàn và tìm kiếm thông tin cũng như biết cách ứng xử phù hợp trên internet.

Cấu trúc bài thi IC3 GS5
Cấu trúc bài thi IC3 GS5 (Ảnh minh hoạ)

3.2.2. Chứng chỉ IC3 GS6

GS6 (Global Standard 6) là tiêu chuẩn toàn cầu được công nhận bởi các tổ chức uy tín dùng để đánh giá khả năng sử dụng các ứng dụng công nghệ và thiết bị kỹ thuật số mới nhất hiện nay.

GS6 đang là phiên bản mới nhất của IC3. Chương trình này được xây dựng lại nhằm giải quyết các vấn đề mới nhất liên quan đến khái niệm điện toán đám mây hiện tại.

Mục đích của việc tạo ra phiên bản mới này là để phù hợp với các yêu cầu giáo dục mới và đảm bảo người học ở mọi lứa tuổi có thể chứng thực tầm hiểu biết của họ về kiến thức kỹ thuật số.

IC3 GS6 gồm 3 bài thi tương ứng với 3 cấp độ:

  • Cấp độ 1: Kiểm tra các khái niệm căn bản và các thành phần quan trọng.

  • Cấp độ 2: Yêu cầu kiến thức thực hành của từng kỹ năng trong 7 nhóm kỹ năng.

  • Cấp độ 3: Xác nhận hiểu biết nâng cao của thí sinh về kiến thức kỹ thuật số.

Cấu trúc bài thi IC3 GS6
Cấu trúc bài thi IC3 GS6 (Ảnh minh hoạ)

Tại mỗi cấp độ ở IC3 GS6 sẽ được chia thành 7 chuyên đề giống nhau. Nhưng trong mỗi chuyên đề tại từng cấp độ, lượng kiến thức và yêu cầu hiểu biết sẽ tăng dần lên.

  • Chuyên đề 1: Công nghệ thông tin cơ bản (Technology Basics)

  • Chuyên đề 2: Công dân kỹ thuật số (Digital Citizenship)

  • Chuyên đề 3: Quản lý thông tin (Information Management)

  • Chuyên đề 4: Sáng tạo nội dung (Content Creation)

  • Chuyên đề 5: Giao tiếp (Communication)

  • Chuyên đề 6: Hợp tác (Collaboration)

  • Chuyên đề 7: An toàn và bảo mật thông tin (Safety and Security)

3.3. Đăng ký thi chứng chỉ IC3 ở đâu?

Bạn có thể đăng ký thi chứng chỉ IC3 tại các văn phòng của IIG Việt Nam:

  • Văn phòng IIG Việt Nam tại Hà Nội: Tầng 3, tòa nhà Trung Yên Plaza, số 01 Trung Hoà,  Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

  • Chi nhánh tại Đà Nẵng: Số 19 Hoàng Văn Thụ, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

  • Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh: Tầng 1, Tháp 1, The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Ngoài ra, bạn có thể đăng ký dự thi tại các trung tâm uy tín được ủy quyền bởi IIG Việt Nam hoặc đăng ký online ngay tại website của IIG Việt Nam.

3.4. Lệ phí thi

Lệ phí thi chuẩn của chứng chỉ IC3 hiện nay là 750.000 đồng.

3.5. Tra cứu kết quả thi chứng chỉ IC3

Thí sinh ngay sau khi hoàn tất bài thì sẽ biết điểm thi. Mỗi thí sinh sẽ được cấp một tài khoản trực tuyến. Thí sinh thi đạt bài thi thành phần sẽ đăng nhập vào web của certiport www.certiport.pearsonvue.com để tải phiếu điểm và chứng chỉ online tương ứng (có giá trị tương đương với chứng chỉ bản cứng).

Tra cứu kết quả thi chứng chỉ IC3 tại Certiport
Tra cứu kết quả thi chứng chỉ IC3 tại Certiport (Ảnh minh hoạ)

Mẫu chứng chỉ IC3 và phiếu điểm trực tuyến nhận được khi hoàn thành bài thi:

Mẫu chứng chỉ IC3 và phiếu điểm trực tuyến 1
Mẫu chứng chỉ IC3 và phiếu điểm trực tuyến 1 (Ảnh minh hoạ)
Mẫu chứng chỉ IC3 và phiếu điểm trực tuyến 2
Mẫu chứng chỉ IC3 và phiếu điểm trực tuyến 2 (Ảnh minh hoạ)

Kết luận

Với sự phát triển của máy tính và công nghệ thông tin, chứng chỉ IC3 dần trở thành một trong những chứng chỉ tin học cơ bản cần thiết. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể giải đáp được thắc mắc IC3 là gì và biết thêm được những giá trị mà chứng chỉ IC3 mang lại.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục