1. Học sinh trung bình cần bao nhiêu điểm?
Căn cứ các quy định đánh giá học sinh tại Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT (đối với học sinh tiểu học), Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT (đối với học sinh trung học) thì việc xếp loại học lực Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém không còn được áp dụng với các cấp học mà được xếp thành mức Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt.
Tuy nhiên, theo lộ trình áp dụng tại Điều 21 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thì lớp 9 và 12 trong năm học 2023-2024 vẫn còn được xếp loại học lực thành 05 loại nêu trên.
Theo đó, học sinh lớp 9 và lớp 12 trong năm học 2023-2024 được xếp loại trung bình nếu đạt các điểm số theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và THPT tại Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT (sửa đổi bởi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT). Cụ thể:
- Điều kiện 1: Điểm trung bình tất cả môn học từ 5,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn hoặc Ngoại ngữ đạt từ 5,0 trở lên;
Đặc biệt đối với học sinh lớp chuyên tại các trường THPT chuyên có thêm điều kiện điểm trung bình của môn chuyên từ 5,0 trở lên;
- Điều kiện 2: Không có điểm trung bình môn học nào dưới 3,5;
- Điều kiện 3: Những môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
2. Học sinh trung bình có được lên lớp không?
Học sinh trung bình vẫn có được lên lớp nếu không nghỉ quá số buổi theo quy định (45 buổi học), hạnh kiểm từ trung bình trở lên.
Bởi căn cứ quy định đánh giá học sinh tại Điều 15 Quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và THPT tại Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT (chỉ còn hiệu lực áp dụng đối với học sinh lớp 9 và 12 trong năm học 2023-2024) có quy định về điều kiện lên lớp như sau:
- Học sinh được lên lớp nếu có các điều kiện như sau:
- Hạnh kiểm và cả học lực đạt từ trung bình trở lên;
- Nghỉ học không quá 45 buổi học trong cùng một năm học (kể cả nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng dồn lại).
- Học sinh không được lên lớp nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
- Nghỉ học quá 45 buổi học trong năm học (kể cả nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng dồn lại).
- Học lực cả năm loại Kém hoặc học lực và hạnh kiểm cả năm loại yếu;
- Sau khi được kiểm tra lại một số môn học, mà điểm trung bình môn học vẫn dưới 5,0 (đối với các môn đánh gía bằng điểm số) hay bị xếp loại CĐ (đối với các môn đánh gía bằng nhận xét) dẫn đến xếp loại lại học lực cả năm vẫn không đạt loại trung bình.
- Hạnh kiểm cả năm bị xếp loại yếu, mà học sinh này không hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè nên sau đó hạnh kiểm vẫn bị xếp loại yếu.
Tuy nhiên, như đã đề cập nêu trên việc xếp loại học sinh trung bình trong năm học 2023-2024 chỉ còn áp dụng đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 mà đây là hai lớp cuối cấp học.
Do đó để được lên lớp hay tốt nghiệp, học sinh phải trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hoặc kỳ thi trung học phổ thông và đáp ứng các điều kiện xét tốt nghiệp theo từng cấp học.
3. Học sinh trung bình có bị hạ hạnh kiểm không?
Học sinh trung bình không bị hạ hạnh kiểm bởi học lực học sinh không phải là căn cứ xét hạnh kiểm.
Căn cứ quy định đánh giá học sinh tại Điều 3 Quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và THPT tại Thông tư 58/2011/TT-BGDĐTcó quy định việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm được thực hiện dựa trên các căn cứ:
- Biểu hiện cụ thể đối với:
Thái độ và hành vi đạo đức;
Đánh giá dựa trên cách ứng xử trong mối quan hệ đối với thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, cán bộ và với gia đình, bạn bè và các quan hệ xã hội;
Ý thức của học sinh trong phấn đấu vươn lên trong học tập;
Dựa trên kết quả tham gia lao động, hoạt động tập thể của lớp, trường và xã hội;
Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường;
- Kết quả nhận xét đối với biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh đối với nội dung dạy học của môn Giáo dục công dân.
4. Học sinh trung bình có được thi tuyển lên lớp 10 không?
Học sinh để được thi tuyển lên lớp 10 phải được công nhận tốt nghiệp THCS. theo căn cứ Điều 5 Quy chế tuyển sinh THCS và THPT tại Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT có quy định như sau:
“Đối tượng và phương thức tuyển sinh
Đối tượng tuyển sinh là người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên có độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này.”
Đồng thời căn cứ khoản 1 Điều 7 Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS tại Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT (được áp dụng đến hết năm học 2023-2024) có quy định về điều kiện công nhận tốt nghiệp THCS như sau:
“Điều kiện và tiêu chuẩn công nhận tốt nghiệp
1. Công nhận tốt nghiệp đối với người học của các trường THCS, trường phổ thông nhiều cấp học hoặc các cơ sở giáo dục thường xuyên (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục) dự xét công nhận tốt nghiệp lần đầu:
a) Điều kiện: có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
b) Tiêu chuẩn:
- Xếp loại hạnh kiểm cả năm học lớp 9 từ trung bình trở lên, đối với diện phải xếp loại hạnh kiểm;
- Xếp loại học lực cả năm lớp 9 từ trung bình trở lên, nếu không thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích;
- Xếp loại học lực yếu nhưng các môn học tính điểm trung bình đều đạt từ 3,5 điểm trở lên, trong đó môn toán hoặc môn ngữ văn đạt từ 5,0 điểm trở lên, nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích.”
Theo đó, học sinh trung bình vẫn được thi tuyển lên lớp 10.
Trên đây là thông tin cho câu hỏi “Học sinh trung bình cần bao nhiêu điểm?” và các vấn đề có liên quan.