1. Học sinh tiêu biểu là gì?
Học sinh tiêu biểu là một danh hiệu được dùng để khen thưởng cho những học sinh tiểu học hoàn thành tốt việc học tập và rèn luyện.
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 13 Quy định đánh giá học sinh Tiểu học (được ban hành kèm theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh tiểu học) quy định về việc khen thưởng:
Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận
Theo đó, để đạt được danh hiệu học sinh tiêu biểu thì học sinh phải đáp ứng được cả ba điều kiện:
Được đánh giá kết quả giáo dục với mức Hoàn thành tốt;
Đạt được thành tích xuất sắc ở ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt trong ít nhất một phẩm chất, năng lực;
Được tập thể lớp công nhận.
Như vậy, khác với lúc trước, việc đánh giá cũng như khen thưởng học sinh theo chương trình giáo dục mới không chỉ dựa vào điểm số, kết quả học tập của học sinh mà còn dựa vào nhiều tiêu chí khác như: phẩm chất, năng lực, kết quả giáo dục… Đây là một phương pháp đánh giá khoa học, tiến bộ và toàn diện.
2. Ý nghĩa của danh hiệu Học sinh tiêu biểu
Việc khen thưởng các danh hiệu không phải là để so sánh giữa các học sinh với nhau hay đánh giá một học sinh là giỏi giang hay yếu kém. Ý nghĩa của việc khen thưởng danh hiệu Học sinh tiêu biểu hay Học sinh xuất sắc là nhằm:
Ghi nhận, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và chăm chỉ của học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện;
Động viên, khuyến khích học sinh tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt việc học tập và rèn luyện;
Tạo động lực để học sinh không ngừng cố gắng vươn lên để đạt được thành tích tốt trong rèn luyện cũng như học tập;
Tạo nên một môi trường giáo dục cạnh tranh lành mạnh, tích cực; từ đó góp phần xây dựng nền giáo dục tiến bộ và nhân văn hơn;
Thông qua việc khen thưởng cũng giúp đánh giá được phần nào chất lượng giảng dạy và học tập, qua đó cải thiện và phát triển chất lượng giáo dục.
3. Các tiêu chí dùng để đánh giá học sinh tiêu biểu
Chương trình giáo dục mới đã có sự thay đổi về mục tiêu của nền giáo dục từ việc chú trọng truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển các phẩm chất và năng lực cho học sinh. Do đó, các tiêu chí dùng để đánh giá học sinh đã có sự thay đổi theo hướng toàn diện hơn.
Cụ thể, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 13 Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27, tiêu chí dùng để đánh giá học sinh tiêu biểu:
3.1 Hoạt động giáo dục
Một trong những tiêu chí dùng để đánh giá học sinh tiêu biểu đó là kết quả giáo dục. Việc đánh giá kết quả giáo dục này sẽ do giáo viên chủ nhiệm thực hiện dựa vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá học tập của từng môn học, hoạt động giáo dục cùng với đó là từng phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi.
Trong đó, những phẩm chất chủ yếu là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Những năng lực cốt lõi được chia thành hai loại gồm: những năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác…) và những năng lực đặc thù (ngôn ngữ, tính toán, khoa học, thẩm mỹ, thể chất…).
Để đạt được danh hiệu học sinh tiêu biểu, học sinh phải đạt được kết quả giáo dục ở mức hoàn thành tốt. Đây là một trong bốn mức đánh giá kết quả giáo dục của học sinh.
Theo đó, mức hoàn thành tốt theo điểm a khoản 2 Điều 9 Quy định đánh giá học sinh Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27 chỉ rõ:
Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên
Như vậy, để đạt được kết quả giáo dục hoàn thành tốt, học sinh không chỉ phải đạt được kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục ở mức tốt; đạt được điểm 7 trở lên ở các môn học trong bài kiểm tra cuối năm mà tất cả các phẩm chất, năng lực như đã nêu ở trên cũng phải xếp ở mức Tốt.
3.2 Thành tích môn học
Cùng với việc đạt được kết quả giáo dục hoàn thành tốt, học sinh đồng thời phải có thành tích xuất sắc trong ít nhất một môn học thì mới có khả năng đạt được danh hiệu Học sinh tiêu biểu. Cụ thể, ở một trong các môn học như Tiếng việt, Toán, Ngoại ngữ… học sinh phải đạt được điểm 9 trở lên trong bài kiểm tra định kỳ cuối năm học.
3.3 Phẩm chất, năng lực
Dù học sinh không đạt được thành tích xuất sắc trong ít nhất một môn học nhưng nếu như học sinh đó có sự tiến bộ rõ rệt ở ít nhất một phẩm chất, năng lực thì giáo viên chủ nhiệm vẫn ghi nhận và xem xét đánh giá danh hiệu Học sinh tiêu biểu.
3.4 Sự công nhận của tập thể lớp
Bên cạnh các tiêu chí trên, học sinh muốn đạt được danh hiệu Học sinh tiêu biểu còn phải được tập thể lớp công nhận. Tiêu chí này được đặt ra nhằm đảm bảo sự công bằng và khách quan trong việc đánh giá cũng như khen thưởng; đảm bảo những học sinh được tặng danh hiệu phải thực sự xuất sắc và xứng đáng.
4. Giải đáp một số câu hỏi về học sinh tiêu biểu
4.1 Học sinh tiêu biểu hay học sinh xuất sắc cao hơn
Theo thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT thì danh hiệu học sinh xuất sắc được trao cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc. Tức là học sinh đó phải có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo mục ở mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; và bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học phải đạt điểm 9 trở lên.
Như vậy, so về mức độ hoàn thành trong học tập và rèn luyện khi đánh giá kết quả giáo dục thì học sinh xuất sắc ở mức cao hơn so với học sinh tiêu biểu. Có thể nói học sinh xuất sắc là học sinh tốt toàn diện còn học sinh tiêu biểu là học sinh nổi trội ở một khía cạnh nhất định.
4.2 Học sinh tiêu biểu là học sinh giỏi hay khá
Học sinh tiêu biểu không phải là học sinh giỏi hay khá. Danh hiệu học sinh giỏi và khá hiện nay đã không còn được sử dụng để đánh giá, khen thưởng cho học sinh tiểu học. Các danh hiệu này chỉ được dùng để đánh giá đối với các học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Hiện nay, để khen thưởng cho học sinh tiểu học thì chỉ có hai danh hiệu là Học sinh xuất sắc và Học sinh tiêu biểu. Ngoài ra, nếu như học sinh có thành tích đột xuất trong năm học thì hiệu trưởng có thể khen thưởng đột xuất cho học sinh. Đối với học sinh có thành tích đặc biệt thì sẽ được nhà trưởng xem xét và đề nghị lên cấp trên để khen thưởng.
Và đặc biệt, Thông tư quy định về đánh giá học sinh tiểu học theo chương trình giáo dục mới còn bổ sung hình thức “thư khen” trong việc khen thưởng các học sinh để kịp thời khen thưởng các em. Đây là một hình thức khen thưởng tiến bộ và đầy nhân văn, nhằm giúp các em có thêm động lực để tiến bộ không ngừng.
4.3 Học sinh tiêu biểu có phải là học sinh tiên tiến?
Học sinh tiêu biểu cũng không phải là học sinh tiên tiến. Hiện nay, theo quy chế đánh giá học sinh của chương trình giáo dục phổ thông mới thì danh hiệu học sinh tiên tiến đã không còn nữa.
Theo thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông thì chỉ còn quy chế khen thưởng đối với học sinh xuất sắc và học sinh giỏi.