1. Hóa trị là gì?
1.1 Định nghĩa hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư bằng cách truyền trực tiếp hóa chất và thuốc vào cơ thể để phá hủy tế bào ung thư, đồng thời ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và di căn qua các vùng khác của cơ thể.
Hóa trị có thể được thực hiện độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác như: Phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,...với nhiệm vụ giúp các phương pháp khác đạt hiệu quả cao.
1.2 Mục tiêu của hóa trị
Tùy vào loại ung thư, giai đoạn phát triển của tế bào và sức khỏe của người điều trị ung thư thì sẽ có các mục tiêu điều trị khác nhau:
Tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư: Điều trị hóa trị có thể triệt tiêu các tế bào gây ung thư, đây là mục tiêu chính của giai đoạn, khi mà tế bào còn nhỏ và chưa di căn qua các vùng khác. Ngoài ra, đây cũng là mục tiêu của điều trị ung thư máu.
Ức chế sự phát triển của tế bào ung thư: Trong trường hợp tế bào ung thư không thể bị tiêu diệt hoàn toàn, hóa trị có khả năng làm chậm và kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư, làm giảm nhẹ các triệu chứng do ung thư gây ra. Lúc này ung thư sẽ được kiểm soát như bệnh mãn tính.
- Ngăn chặn tế bào ung thư di căn: Tế bào ung thư không phải đứng yên một chỗ, nó có thể sinh sôi và di căn qua các vị trí khác. Nhiệm vụ của hóa trị là là ngăn chặn các tế bào lan sinh sôi và lan rộng qua các vùng khác của cơ thể.
1.3 Ưu và nhược điểm của hóa trị
Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư quan trọng, tuy nhiên phương pháp này sẽ có một số ưu nhược điểm như:
Ưu điểm: Liệu pháp hóa trị có hiệu quả trong việc làm chậm quá trình phát triển của khối u và tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Không chỉ vậy, hóa trị còn có khả năng ngăn chặn sự di căn của tế bào ung thư, giảm các triệu chứng khó chịu và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Hóa trị có thể được kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật và xạ trị để đạt hiệu quả tối ưu.
Nhược điểm: Bên cạnh khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư, hóa trị vẫn có thể phá hủy các tế bào khỏe mạnh và gây ra các tác dụng phụ như: mệt mỏi, buồn nôn, ói mửa, rụng tóc, giảm bạch cầu, loét miệng, và tăng nguy cơ nhiễm trùng
2. 3 cách hóa trị hiện nay
2.1 Hóa trị đường uống
Điều trị hóa trị có thể thực hiện bằng đường uống bằng cách sử dụng thuốc dạng viên hoặc dạng. Cơ chế của cách này là sau khi uống thuốc vào, dịch trong dạ dày sẽ hòa tan thuốc, giúp thuốc thấm vào cơ thể và tiến hành tiêu diệt các tế bào ung thư.
Biện pháp này có thể được thực hiện ở nhà, tuy nhiên vẫn phải tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
2.2 Hóa trị tiêm dưới da
Ở biện pháp này, thuốc hóa trị dưới dạng dung dịch hoặc gel sẽ được bác sĩ đưa vào cơ thể bằng cách tiêm dưới da, đảm bảo kim tiêm không vào sâu trong cơ. Ưu điểm của biện pháp này là ít chảy máu, phù hợp với những bệnh nhân có lượng tiểu cầu thấp.
2.3 Hóa trị truyền tĩnh mạch
Đây là biện pháp hiệu quả nhất để thuốc hấp thụ vào máu. Bác sĩ sẽ tiến hành sử dụng kim tiêm đưa thuốc vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch hay còn gọi là ven. Biện pháp này được tiến hành từ vài phút đến hàng giờ, hoặc thậm chí là vài ngày.
3. Quy định về thực hiện hoá trị ban ngày tại cơ sở y tế
Hiện nay, Thông tư 01/2017/TT-BYT đã quy định chi tiết về việc thực hiện hóa trị, xạ trị, hóa trị kết hợp xạ trị ban ngày tại các cơ sở khám chữa bệnh. Sau đây là những điểm chính cần biết về quy định thực hiện hoá trị ban ngày tại cơ sở y tế trong Thông tư 01/2017/TT-BYT:
Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng cho bệnh nhân cư trú trên địa bàn nơi cơ sở y tế hoạt động, người bệnh có chỉ định xạ trị, hóa trị hoặc hóa - xạ trị ban ngày và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện kỹ thuật hóa trị, xạ trị (hoặc điều trị bệnh bằng đồng vị phóng xạ).
Điều kiện áp dụng: Bệnh nhân được chỉ định điều trị hóa trị ban ngày dựa trên tình trạng sức khỏe và bệnh lý, do bác sĩ điều trị quyết định.
Thủ tục: Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, quy trình chuyên môn kỹ thuật y tế và quản lý hồ sơ bệnh án đối với hình thức hóa trị ban ngày được thực hiện tương tự như hình thức nội trú.
Chi phí: Chi phí cho các dịch vụ khám chữa bệnh (không bao gồm chi phí giường bệnh) sẽ tuân thủ theo quy định chung. Tiền giường bệnh hóa trị ban ngày được thực hiện theo Thông tư liên tịch 37/2015/TT-BYT-BTC.
Thăm khám: Bệnh nhân được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng hàng ngày hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ điều trị. Các lần thăm khám sức khỏe định kỳ hàng ngày trong quá trình điều trị sẽ không phải trả phí.