Hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam gồm những gì?

Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết về hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật. Cùng theo dõi chi tiết bài viết này.

Cần chuẩn bị hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam nào?

Hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam được hướng dẫn cụ thể tại Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, hướng dẫn bởi Nghị định 16/2020/NĐ-CP của Chính phủ gồm các loại giấy tờ, tài liệu:

- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam. Mẫu đơn này được ban hành kèm theo phụ lục của Thông tư 02/2020/TT-BTP. Trong đó, nêu rõ họ, tên; ngày tháng năm sinh; nơi sinh; nơi đăng ký thường trú và quốc tịch hiện nay cùng số của giấy tờ tuỳ thân (hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế khác); mục đích xin nhập quốc tịch…

- Giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác thay thế (bản sao). Với người không có quốc tịch thì giấy tờ này có thể là giấy tờ có thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh và có dán ảnh, đóng dấu hoặc giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

- Bản khai lý lịch.

- Phiếu lý lịch tư pháp: Nếu cư trú ở Việt Nam thì phải do Sở Tư pháp cấp, nếu cư trú ở nước ngoài thì phải do cơ quan có thẩm quyền cấp của nước ngoài. Và thời gian cấp của phiếu này phải không quá 90 ngày tính từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.

- Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt. Trong đó, có thể kể đến:

  • Văn bằng, chứng chỉ chứng minh đã học bằng tiếng Việt tại Việt Nam: Bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung cấp; tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở; chứng chỉ tiếng Việt (những giấy tờ này đều phải là bản sao).
  • Nếu không có giấy tờ chứng minh nêu trên thì sẽ phải trải qua việc kiểm tra, phỏng vấn về khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt. Kết quả này sẽ được lập thành văn bản.

- Giấy tờ chứng minh chỗ ở, thời gian thường trú tại Việt Nam: Bản sao thẻ thường trú.

- Giấy tờ chứng minh đảm bảo cuộc sống ở Việt Nam. Có thể kể đến một trong các giấy tờ như giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản (sổ tiết kiệm, đăng ký xe…); giấy tờ chứng minh thu nhập (xác nhận lương hoặc thu nhập); giấy tờ bảo lãnh (nếu người bảo lãnh là công dân Viêt Nam); giấy tờ xác nhận về tình trạng nhà ở, công việc, thu nhập của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

Công dân có thể được miễn một số loại giấy tờ khi xin nhập quốc tịch Việt Nam
Công dân có thể được miễn một số loại giấy tờ khi xin nhập quốc tịch Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, nếu là một trong các trường hợp được miễn điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể không cần nộp các hồ sơ tương ứng với điều kiện đó. Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp vẫn phải cần chuẩn bị một số giấy tờ sau đây:

- Có vợ, chồng là công dân Việt Nam: Bản sao Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc đăng ký kết hôn.

- Có cha mẹ con là công dân Việt Nam: Bản sao giấy khai sinh… nhằm chứng minh quan hệ cha mẹ con.

- Có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam một cách đặc biệt hoặc có lợi cho Việt Nam: Nộp giấy tờ chứng minh cho từng trường hợp cụ thể.

- Thuộc trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài: Nộp kèm giấy tờ chứng minh đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam và bản cam kết về việc không dùng quốc tịch nước ngoài để phương hại đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức; xâm hại lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Nộp hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam ở đâu?

Khoản 4 Điều 10 Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định, hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam phải được lập thành 03 bộ hồ sơ, lưu tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan thụ lý hồ sơ.

Theo đó, cơ quan thụ lý hồ sơ là Sở Tư pháp nơi người này cư trú (theo khoản 1 Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008).

Sau khi nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp, hồ sơ của người yêu cầu nhập quốc tịch Việt Nam sẽ được xác minh từ công an cấp tỉnh sau khi Sở Tư pháp nhận hồ sơ và gửi văn bản đề nghị xác minh đến cơ quan này.

Sau khi nhận được hồ sơ xác minh, Sở Tư pháp sẽ hoàn tất hồ sơ để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Lưu ý: Trong thời gian chờ xác minh, Sở Tư pháp cũng phải tiến hành thẩm tra giấy tờ, hồ sơ.

Sau đó, việc giải quyết sẽ được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi đến Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Việc ra quyết định có đồng ý cho người yêu cầu nhập quốc tịch Việt Nam không sẽ do Chủ tịch nước ký.

Như vậy, bài viết đã giải đáp chi tiết về vấn đề: Hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam gồm những gì? Nếu còn vướng mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Thêm chiêu thức giả mạo ngân hàng để lừa đảo, người dân cần cảnh giác!

Thêm chiêu thức giả mạo ngân hàng để lừa đảo, người dân cần cảnh giác!

Thêm chiêu thức giả mạo ngân hàng để lừa đảo, người dân cần cảnh giác!

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội lan truyền bài viết của một người dùng facebook với tốc độ chóng mặt về chiêu trò lừa đảo giả mạo ngân hàng mới. Cùng tìm hiểu về chiêu trò lừa đảo này qua bài viết dưới đây để tự nâng cao cảnh giác và có phương án xử lý nếu chẳng may mắc bẫy.