- 1. Tổ chức lãnh thổ công nghiệp được hiểu là gì?
- 2. Các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp đơn giản nhất là gì?
- 2.1 Điểm công nghiệp
- 2.2 Khu công nghiệp tập trung
- 2.3 Trung tâm công nghiệp
- 2.4 Vùng công nghiệp
- 3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp
- 3.1 Nhóm yếu tố bên trong
1. Tổ chức lãnh thổ công nghiệp được hiểu là gì?
Khái niệm tổ chức lãnh thổ công nghiệp được hiểu đơn giản là sự phối hợp, sắp xếp giữa các quá trình sản xuất và cơ sở sản xuất công nghiệp trên một lãnh thổ nhất định để sử dụng hợp lý các nguồn lực sẵn có như cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu, nhân công,... nhằm đạt hiệu quả cao về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng.
(Ảnh minh họa)
Tổ chức lãnh thổ công nghiệp góp phần sử dụng một cách hợp lí các nguồn lực sẵn có của mỗi quốc gia, đồng thời thu hút nguồn lực từ bên ngoài. Ở các nước đang phát triển, đây còn là một công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của những quốc gia đó.
2. Các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp đơn giản nhất là gì?
Nội dung ở trên đã giúp bạn hiểu rõ được khái niệm tổ chức lãnh thổ công nghiệp, vậy các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp đơn giản nhất là gì? Tổ chức lãnh thổ công nghiệp gồm có các hình thức đơn giản sau:
2.1 Điểm công nghiệp
Điểm công nghiệp là hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp đơn giản nhất, gồm một số cơ sở sản xuất nằm trong phạm vi của một điểm dân cư hoặc xa điểm dân cư. Các cơ sở sản xuất ở điểm công nghiệp thường phân bố gần nguồn nguyên liệu hoặc vùng nông sản, giữa các cơ sở này không có hoặc có rất ít mối liên hệ với nhau.
Đây là cơ sở cho các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp khác, góp phần giải quyết việc làm và nguồn thu tại địa phương cũng như góp phần thực hiện quá trình công nghiệp hóa tại địa phương đó
2.2 Khu công nghiệp tập trung
Khu công nghiệp tập trung là nơi có ranh giới rõ ràng và tại đây không có dân cư sinh sống, có vị trí phân bố thuận lợi để vận chuyển, lưu thông hàng hóa và liên hệ với bên ngoài như gần cảng biển, sân bay, đường giao thông lớn,…
Ở đây tập trung tương đối nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, các cơ sở này thường sử dụng chung cơ sở hạ tầng sản xuất; được hưởng một quy chế riêng, được ưu đãi về sử dụng đất, thuế quan; có khả năng hợp tác sản xuất cao; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất.
Đây cũng là nơi có các cơ sở sản xuất nòng cốt và các cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Các hình thức khác của khu công nghiệp là đặc khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất,...
(Ảnh minh họa)
2.3 Trung tâm công nghiệp
Trung tâm công nghiệp thường gắn với các khu đô thị vừa và lớn, có vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại,... Đây là hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở trình độ cao, nó bao gồm các khu công nghiệp, điểm công nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp. Giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về sản xuất, công nghệ và kỹ thuật.
Trong trung tâm công nghiệp gồm nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc nhiều ngành khác nhau, trong đó có các cơ sở sản xuất nòng cốt (đóng vai trò quyết định hướng chuyên môn hóa của trung tâm công nghiệp) và các cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
2.4 Vùng công nghiệp
Vùng công nghiệp là nơi có không gian rộng lớn, tập trung rất nhiều điểm công nghiệp, khu công nghiệp và trung tâm công nghiệp, có mối liên hệ mật thiết với nhau trong sản xuất, đây là hình thức cao nhất của tổ chức lãnh thổ công nghiệp.
Nơi đây có một số nhân tố tạo vùng tương đồng (như cùng sử dụng một hay một số loại tài nguyên; sử dụng chung hệ thống năng lượng, giao thông vận tải; sử dụng nhiều lao động,...) và có một vài ngành công nghiệp chủ yếu, tạo nên hướng chuyên môn hóa của các vùng.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp
Ngoài câu hỏi các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp đơn giản nhất là gì, vấn đề các yếu tố nào ảnh hưởng đến hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp cũng đang được nhiều người quan tâm. Các nhóm yếu tố chính ảnh hưởng trực tiếp đến hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp bao gồm:
3.1 Nhóm yếu tố bên trong
- Vị trí địa lý: Vị trí địa lý ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn vị trí của các cơ sở sản xuất công nghiệp và tổ chức lãnh thổ công nghiệp. Những vị trí gần trục đường giao thông, nguồn nguyên liệu, vùng kinh tế hay khu dân cư, cảng biển,… quy định sự hình thành, có mặt và phát triển của các tổ chức lãnh thổ công nghiệp hiện nay.
(Ảnh minh họa)
- Tài nguyên thiên nhiên: Đây là yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của tổ chức lãnh thổ công nghiệp, quy định hoạt động sản xuất công nghiệp của các tổ chức lãnh thổ công nghiệp khác nhau.
- Điều kiện kinh tế - xã hội: Yếu tố này ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của tổ chức lãnh thổ công nghiệp, dân cư vừa là nguồn lực lượng sản xuất, vừa là thị trường tiêu thụ, các trung tâm kinh tế, mạng lưới đô thị tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho sự phát triển của tổ chức lãnh thổ công nghiệp.
- Trung tâm kinh tế và mạng lưới đô thị: Là nơi thu hút, tập trung đông đúc dân cư – lực lượng lao động. Tại đây có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại đồng bộ hơn, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
- Điều kiện khác: Vốn, nguyên liệu tại chỗ, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật kỹ thuật phục vụ công nghiệp, đường lối phát triển công nghiệp.... cũng là những yếu tố ảnh hưởng nhiều tới hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp.
3.2 Nhóm yếu tố bên ngoài
- Thị trường: Thị trường bên ngoài có tác động mạnh mẽ đến quá trình lựa chọn vị trí xí nghiệp, hướng chuyên môn hóa sản xuất và chi phối trực tiếp đến tổ chức lãnh thổ công nghiệp. Ở trong nước, các đô thị lớn ngoài chức năng là trung tâm – hạt nhân công nghiệp, còn là thị trường quan trọng để khuyến khích sự phát triển của sản xuất.
Thị trường quốc tế cũng có vai trò đặc biệt, sự phát triển công nghiệp của bất kỳ quốc gia nào cũng đều thỏa mãn nhu cầu trong nước và hội nhập với thị trường thế giới. Vì thế, thị trường này chắc chắn có sự ảnh hưởng nhất định tới tổ chức lãnh thổ công nghiệp.
- Hợp tác quốc tế: Hợp tác quốc tế cũng là yếu tố chi phối và ảnh hưởng rất lớn tới hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp hiện nay. Một số lĩnh vực của hợp tác quốc tế bao gồm:
+ Vốn: Quá trình đầu tư, hỗ trợ vốn từ các nước kinh tế phát triển làm xuất hiện ở các nước đang phát triển một vài ngành công nghiệp mới, các khu công nghiệp tập trung, các khu chế xuất và mở mang những ngành nghề truyền thống. Điều đó dẫn tới sự thay đổi cho cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực đến lãnh thổ công nghiệp ở những nước này.
+ Công nghệ: Trong thời đại kinh tế tri thức, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cũng là một trong những hướng quan trọng để phát triển kinh tế. Kỹ thuật và công nghệ hiện đại có sự tác động rất lớn và ý nghĩa quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô, phương hướng, sự phân bố sản xuất cũng như các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp của đất nước và bộ mặt kinh tế các vùng.
+ Tổ chức quản lý: Chuyển giao kinh nghiệm tổ chức, quản lý đến các nước đang phát triển đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay. Kinh nghiệm quản trị, tổ chức quản lý giỏi không chỉ giúp cho từng doanh nghiệp làm ăn ngày càng phát đạt, mà còn mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp này hợp tác chặt chẽ với nhau, tạo ra mối liên kết bền vững trong hệ thống sản xuất kinh doanh thống nhất. Sự liên kết đó chính là tiền đề để hình thành các không gian công nghiệp cũng như các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp.
Như vậy, bài viết vừa rồi đã giải đáp thắc mắc hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp đơn giản nhất là gì và các yếu tố ảnh hưởng tới hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho độc giả nhiều thông tin hữu ích về vấn đề hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp hiện nay.